1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Kỳ 2: Người trong cuộc nói gì về việc đào tạo bóng đá trẻ bất hợp lý?

(Dân trí)-Theo người đứng đầu VFF là Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ, đã có một chút “hiểu nhầm” trong tên gọi của trung tâm, dẫn đến những ý kiến đánh giá chưa đúng thời gian qua. Trước mắt, sau khi khai giảng 2 lớp dự tuyển trẻ đầu tiên (U19 nữ và U16 nam), sẽ mở đầu cho một mô hình đào tạo trẻ kiểu mẫu do chính VFF thực hiện.

Theo ông Hỷ, ngay từ khi ra đời năm 2007, trung tâm đáng lẽ có tên là Trung tâm Tập huấn bóng đá quốc gia nhằm giúp các đội tuyển quốc gia có nơi ăn tập chuẩn bị cho các giải đấu quốc tế. Tuy nhiên, để có thêm tiền đầu tư từ Nhà nước và FIFA, VFF đã đặt tên là Trung tâm đào tạo trẻ.

“Cơ chế ở Việt Nam rất khó xin kinh phí đầu tư nếu như các trung tâm không phải là trung tâm đào tạo trẻ. Sau gần 2 năm xây dựng, chỉnh sửa, bản đề án tổ chức và hoạt động các lớp bóng đá trẻ của Trung tâm đã được phê duyệt và cấp kinh phí từ năm 2013”, ông Hỷ nói.
 
Các CLB từ chối gửi quân lên trung tâm đào tạo trẻ

Các CLB từ chối gửi quân lên trung tâm đào tạo trẻ

Để tạo bước khởi đầu tốt, Ban giám đốc của Trung tâm đã thành lập Ban tuyển chọn, tới một số địa phương có “lò đào tạo” nổi tiếng để tuyển chọn học viên cho 2 lớp U19 nữ và U16 nam. Kinh phí cho hai lớp này là 8 tỉ đồng/năm và kéo dài đến năm 2019. Các cầu thủ sẽ được tập trung, học tập và rèn luyện chuyên môn tại Trung tâm với những điều kiện tốt nhất có thể.

Chương trình huấn luyện dài hạn do các chuyên gia thuộc Hội đồng HLV bóng đá quốc gia thẩm định và trực tiếp giám sát. Hàng năm sẽ có những giai đoạn ngắn, cầu thủ được phép trở về địa phương tham gia thi đấu tại giải trẻ toàn quốc. Trong quá trình tập luyện, những trường hợp không đáp ứng được yêu cầu sẽ bị loại và thay thế.

“Liên đoàn sẽ chăm lo và dành những điều kiện tốt nhất để các học viên có được sự tiến bộ không chỉ về chuyên môn mà còn huấn luyện, rèn giũa cả về tư cách đạo đức”, ông Hỷ khẳng định.

Kế hoạch là vậy, nhưng việc tuyển quân của trung tâm không hề đơn giản, bởi các lò đào tạo không chấp nhận gửi quân, khi mà họ cũng có những lộ trình được đặt ra trong việc đào tạo trẻ.

Mới đây, Tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đá SLNA Nguyễn Hồng Thanh khẳng định, sẽ không gửi quân lên VFF đào tạo. Theo ông Thanh, trung tâm của VFF cần phải tuyển sinh và đào tạo một cách bài bản hơn là đi lấy quân của các CLB về đào tạo như cách làm hiện tại.

“Theo tôi, VFF cần quan tâm tới chất lượng, thay vì số lượng như hiện nay. VFF cần tuyển chọn từ lứa tuổi thấp hơn, có thể là U10-U11. Tất nhiên, VFF sẽ không thể hái trái ngọt ngay được, nhưng cách làm như vậy sẽ bài bản và mang tính lâu dài”, ông Thanh nói.

Đặc biệt, theo “Khổng Minh xứ Nghệ”, VFF nên quan tâm hơn đến vấn đề thầy, cụ thể là chuyên gia nước ngoài, như Học viện HAGL đã làm. Hơn nữa, nếu đầu tư nghiêm túc, thì con số 8 tỷ/năm sẽ không đủ, nên cũng cần phải tính toán lại.

Ông Huỳnh Mau (giám đốc điều hành CLB Hoàng Anh Gia Lai) khẳng định nếu cứ đào tạo như kiểu VFF đang làm, thì việc gửi quân lên trung tâm là thiệt thòi cho các cầu thủ, bởi họ được đầu tư tốt hơn nhiều nếu ở CLB.
 
Mô hình đào tạo trẻ hiện tại của VFF chưa thực sự hợp lý

Mô hình đào tạo trẻ hiện tại của VFF chưa thực sự hợp lý

Cùng chung quan điểm với ông Thanh, ông Mau nhiều chuyên gia cho rằng các CLB khi họ không chịu gửi những mầm non tốt nhất của mình lên cho một trung tâm mới thành lập và một đội ngũ HLV cũng không phải những người có tiếng. Vì thế, với những cầu thủ chỉ ở mức trung bình, để tạo ra những tài năng bóng đá sẽ rất khó. Đó là chưa kể, ở độ tuổi trên 16, sẽ rất khó huấn luyện cơ bản cho các em, bởi sự uốn nắn nên bắt đầu từ những độ tuổi thấp hơn.

Chuyên gia bóng đá kỳ cựu Trần Văn Phúc cũng chia sẻ quan điểm rằng: “Muốn bóng đá Việt Nam phát triển mạnh, chúng ta phải cần nhiều những học viện như của bầu Đức. Đó là nơi các cầu thủ phải được học làm người, tri thức rồi sau đó mới tới chuyên môn, đây mới là điều cần nhất của bóng đá Việt Nam hiện nay”.

Trong khi đó, HLV Triệu Quang Hà đưa ra quan điểm: “Hãy cứ nhìn Học viện HAGL, họ đào tạo cầu thủ từ lúc 11-12 tuổi, có môi trường, phong cách huấn luyện theo kiểu Arsenal hiện đại, lối chơi gắn kết và tấn công đa dạng. Cứ cho là VFF có những tài năng tư các lò đào tạo gửi lên, thì liệu kết quả có tốt như bầu Đức đang làm?”.

Sẵn có điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ, trung tâm của VFF cần có thêm cơ chế hoạt động tốt và kế hoạch phát triển đường dài, sự kết hợp hài hòa với các địa phương. Tuy nhiên, đây là những vấn đề không dễ giải quyết, dẫn đến việc bế tắc cả đầu vào lẫn đầu ra cho trung tâm. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, mô hình đào tạo của trung tâm chắc chắn sẽ không hiệu quả, thậm chí lãng phí.

Kỳ cuối: Bài toán đào tạo trẻ, chuyện không của riêng VFF

Kim Anh - Lê Cường