1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao
  3. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Đường đi "kỳ lạ" của khoản tiền 200 USD

Cho đến giờ, nguồn gốc số tiền 200 USD nằm trong phòng trọng tài Dương Mạnh Hùng hai ngày trước trận tứ kết cúp QG 2003 giữa HA.GL và GĐT.LA trên sân Pleiku đã rõ ràng nhưng sự việc không kết thúc ở đây…

Sau 2 năm, sự việc tưởng chừng rơi vào quên lãng thì vừa qua lại được CQĐT lật lại. Kết hợp với những tư liệu cũ cộng với những tính tiết mới được tiết lộ qua chuyên án trọng tài tiêu cực, một đường đi "kỳ lạ" của số tiền 200 USD này đang dần rõ nét khiến không thể không dẫn tới kết luận: sự tiêu cực không chỉ dính tới trọng tài.

 

Cuộc đụng độ giữa hai "đại gia" HA.GL -GĐT.LA trên sân Pleiku ngày 12/1/2003 chỉ là một trận đấu trong khuôn khổ Cúp QG 2003 nhưng vẫn được đánh giá là một trận cầu "đinh". Tổ trọng tài điều khiển trận đấu gồm trọng tài chính Trương Hoàng Đức; hai trợ lý là Trần Đại và Dương Mạnh Hùng, còn trọng tài thứ tư là Hoàng Thế Dũng.

 

Đúng như những gì giới chuyên môn nhận định, diễn biến trận đấu này rất gay cấn. Với ưu thế sân nhà, HA.GL vào trận đầy hưng phấn và liên tục ép sân, tạo ra được nhiều cơ hội nhưng không thể tạo ra được bàn thắng. Trong khi đó, gần như chỉ có được một cơ hội ở phút 65, nhưng thủ môm Santos sút phạt rất đẹp mắt, đem lại chiến thắng 1-0 cho GĐT.LA.

 

Dù thời điểm ấy, phía GĐT.LA đã phản ứng cách điều khiển trận đấu của trọng tài Trương Hoàng Đức ở nhiều tình huống vì cho rằng đã thổi ép đội mình, nhưng sau đó tất cả đều đồng ý rằng tổ trọng tài điều khiển trận đấu này đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 

Trận đấu hay này cũng sẽ chìm vào lãng quên nếu như hơn 1 tháng sau (ngày 24/2/2003), không có nghi vấn của một tờ báo điện tử đặt ra: "Có hay không những tiếng còi đen ở trận HA.GL - GĐT.LA?", sau khi có tin trọng tài Dương Mạnh Hùng tố cáo đồng nghiệp nhận tiền bồi dưỡng của HA.GL.

 

Ngay sau khi có nguồn tin này, trưởng ban Khen thưởng – Kỷ luật Vũ Hạng lập tức xuất hiện ở Pleiku thực hiện công tác "theo sự phân công từ trước của ban tổ chức giải". Xâu chuỗi những sự kiện trên, các phóng viên lập tức "săn" ông Vũ Hạng ngay trong đêm.

 

Trước những câu hỏi của các phóng viên, ông Vũ Hạng khẳng định: "Sự việc này không chỉ bất ngờ đối với giới trọng tài mà ngay cả với LĐBĐ VN. Cho đến nay (1 tháng sau trận đấu trên), trong tay tôi vẫn không có văn bản nào về việc trọng tài Hùng tố cáo đồng nghiệp. Nếu thực sự trọng tài Hùng tố cáo như vậy, tôi tin rằng trọng tài Hùng không vu khống đồng nghiệp. Nhưng ai nói anh Hùng nêu vấn đề này lên thì cứ hỏi anh Hùng, còn những nguồn tin vu vơ không rõ nguồn gốc thì hãy vứt vào sọt rác!".

 

Trước khẳng định chắc nịch của ông sếp phân việc xử lý tiêu cực, sự nghi ngờ đã bắt đầu chuyển dần theo hướng trọng tài Dương Mạnh Hùng đã vu khống đồng nghiệp.

 

Có lẽ Dương Mạnh Hùng sẽ mãi mãi bị nghi ngờ trong việc này, nếu như vừa qua sự việc không được CQĐT lật lại, từ đó xác định rõ rằng "vụ 200 USD" hoàn toàn có thật. Ngoài số tiền 200 USD mà trọng tài Dương Mạnh Hùng đã báo cáo, 200 USD khác được trao cho Trần Đại, còn Trương Hoàng Đức từ chối không nhận, Hoàng Thế Dũng đến sau một ngày nên không "có lộc".

 

Ngay sau khi ông Nguyễn Công Phương để lại chiếc phong bì có 200 USD trong phòng Dương Mạnh Hùng rồi ra về, trọng tài này đã lập tức báo cáo cho phó chủ tịch Trần Duy Ly và Trưởng ban Vũ Hạng sự việc này và nhận được chỉ thị của ông Hạng: "Xem như không có chuyện gì xảy ra. Cứ giữ số tiền đấy để về nộp lại ban tổ chức. Cũng không cần phải báo cáo với giám sát trận đấu mà chỉ làm nhiệm vụ một cách bình thường là đủ".

 

Do có sự "chỉ đạo" ấy, cũng dễ hiểu vì sao giám sát Đặng Quang Dương đã không biết chuyện khi cùng Phùng Đình Dũng đến Pleiku 1 ngày sau đó. Do phải tiếp tục làm nhiệm vụ ở Huế nên phải đến ngày 4 Tết (5/2/2003), trọng tài Hùng mới có dịp nộp 200 USD cho ông Vũ Hạng (có giấy chứng nhận).

 

Như vây, cần xác định rõ: Khi có mặt ở Pleiku ngày 26/2/2003, trong tay ông Vũ Hạng đã có cả "vật chứng" (số tiền 200 USD) lẫn "cung" (báo cáo của trọng tài Dương Mạnh Hùng) chứ không phải "cả tôi lẫn LĐBĐ VN hoàn toàn bất ngờ", và "những nguồn tin vu vơ không rõ nguồn gốc thì hãy cho vào sọt rác'' như ông đã tuyên bố.

 

Chỉ cần sự việc diễn biến đến đây người ta đã có thể đặt ra khối nghi vấn về cách giải quyết sự việc của ông Trưởng ban Khen thưởng - Kỷ luật. Thế nhưng, sự ly kì của câu chuyện vẫn chưa chấm dứt, bởi đường đi sau đó của số tiền này vẫn đầy ly kỳ, rồi dẫn tới sự kiện cười ra nước mắt.

 

Số là, sau khi nộp lại số tiền trên và nhận lại biên nhận từ tay ông Vũ Hạng, trọng tài Dương Mạnh Hùng ra về và yên chí rằng vụ việc sẽ được giải quyết đến nơi đến trốn. Thế nhưng một thời gian sau đó mọi sự vẫn lặng như tờ (bởi "đáng bị vứt vào sọt rác"?), ông Vũ Hạng mời Dương Mạnh Hùng tới để thuyết phục trọng tài này ... nhận lại số tiền trên.

 

Phải đưa ra lời thuyết phục kỳ lạ kể trên là vì ông Vũ Hạng rơi vào thế kẹt: Nếu cứ tiếp tục giữ số tiền này, ông sẽ mang tiếng chiếm dụng; nếu sử dụng số tiền này vào việc chung ông sẽ không giải trình được nguồn gốc số tiền này, bởi trước đó ông đã phủ nhận mọi chuyện (còn đưa mọi chuyện ra ánh sáng thì ông không muốn). Thôi thì tốt hơn hết là thuyết phục người đã nộp tiền nhận lại và ... quên đi mọi chuyện.

 

Thế nhưng, khổ cho ông Vũ Hạng, trọng tài Dương Mạnh Hùng đã thẳng thắn từ chối yêu cầu lạ lùng này. Tuy nhiên, chuyện không ầm ĩ là vì trọng tài Mạnh Hùng “im lặng”. Kết quả là ông Vũ Hạng tiếp tục "yên ổn" đến tận năm 2005.

 

Có thể nhiều người không thể hiểu nổi cách giải quyết của ông Trưởng ban Khen thưởng - Kỷ luật trong việc này nhưng một số trọng tài nhanh nhạy thì chẳng thấy khó hiểu chút nào. Họ "nắm bắt thời cuộc" rất nhanh. Nắm được "tẩy" của ông Trưởng ban, họ mạnh dạn "hành động". Hệ quả là đến giờ, cả một sự hoang tàn.

 

Bởi thế, đừng ai hỏi nguyên nhân vì sao trọng tài Việt Nam lại "hư" nhiều đến vậy. Hỏi là gì khi câu trả lời đã quá rõ ràng.

 

Theo Thể thao