1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Đã đến lúc chia tay ông Riedl?

(Dân trí) - Trong cuộc sống, có những khi chúng ta buộc phải bước qua nỗi đau để dũng cảm nói một lời chia tay. Nỗi đau lớn quá, và lời chia tay thốt ra khó quá, nhưng nếu không làm thì e là bất lợi cho… xã tắc. Chuyện nên hay không nên chia tay ông Afred Riedl, HLV trưởng ĐT BĐVN đang rơi vào trường hợp như vậy.

Riedl! Tên ông sống trong lòng ta từ thủa “hàn vi” năm 98, nơi ông lần đầu xuất hiện, nhoẻn một nụ cười thật tươi và nói những lời đầy phong nhã.

 

Riedl! Tên ông gắn với trận thắng Thái Lan 3-0, trận đấu mà sau khi tỉ số được ấn định ông đã từ khu kĩ thuật bước ra, vung thẳng một nắm đấm lên trời đầy kiêu hãnh.

 

Riedl! Tên ông gắn với những giọt nước mắt định mệnh sau trận chung kết SEA Games 22 giữa Mỹ Đình. Giọt nước mắt của những người ôm mộng làm bá chủ, nhưng rốt cuộc vẫn phải ngậm ngùi trong tư thế á quân.

 

Riedl! Tên ông đã để thương để nhớ trong lòng công chúng Việt. Những niềm thương nhớ mà vì nó đã có cả một dãy dài những người sẵn sàng hiến thận mình cho ông.

 

Riedl! Ông là một phần của nền bóng đá này, của đất nước này. Và chính vì điều ấy, tất cả chúng ta, dù muốn hay không muốn cũng cảm thấy lòng mình nhói đau mỗi khi phải nghĩ đến chuyện chia tay Riedl.

 

Song có lẽ phải dũng cảm phân biệt rạch ròi giữa tình và lý, giữa ý muốn của chúng ta và “đơn đặt hàng” của thời cuộc. Và vì thế buộc phải đau lòng thừa nhận: Thời cuộc đang đòi hỏi chúng ta thay thế Riedl. Vì sao?

 

Quan Điểm

* Nhà báo Nguyễn Nguyên (Báo Pháp Luật TPHCM):

Theo tôi sau 8 năm ở Việt Nam ông Riedl đã đạt tới cái ngưỡng cao nhất của mình. Đòi hỏi ông “vượt ngưỡng” trong thời điểm này dường như là không thể. Vì vậy vấn đề đặt ra chỉ là ai sẽ thay ông? Theo tôi đã đến lúc trao cả “gậy” và “cà rốt” cho HLV nội, và hãy đặt trọn niềm tin vào họ.

 

*Nhà báo Nguyễn Lưu (Báo Đầu Tư):

Ông Riedl là một người nhân hậu, một người cha lớn của một số cầu thủ Việt Nam. Thế nhưng suốt bao năm qua mà BĐVN cứ chỉ quanh quẩn với ông thì đúng là phải nghĩ lại thật. Tôi cho rằng VFF nên dũng cảm nghĩ tới phương án mới, bằng không chúng ta sẽ phải trả giá

 

VFF nói gì?

Phó chủ tịch Vũ Quang Vinh thừa nhận VFF chuẩn bị có cuộc làm việc với ông Riedl, và đang xem xét vấn đề một cách thực sự nghiêm túc. Trái lại, TTK Trần Quốc Tuấn không trả lời bất cứ một câu hỏi nào liên quan. Chỉ vừa nhận được điện thoại của chúng tôi, với một câu hỏi: “nếu thay ông Riedl…”, ông Tuấn đã tức thì: “không nếu”, “không nếu” gì hết, chúng tôi  chưa nghĩ tới chuyện này”. 

Thứ nhất, tất cả những “đòn tủ” của ông đều đã lộ thiên. Bây giờ, không cứ những nhà chuyên môn, bất cứ một người hâm mộ bóng đá nào cũng có thể “đọc” ra những bài vở ấy. Đó là gì? Một tập hợp luôn được xây dựng với chiến thuật 4-4-2, một hàng thủ luôn đá theo tuyến nghiêng, luôn bắt người theo khu vực.

 

Đó là gì? một đội bóng luôn chú trọng tới việc tấn công biên, lấy những quả đánh chồng dọc theo hai hành lang làm “bửu bối”. Quanh đi quẩn lại ông thầy cũng chỉ có chừng ấy “chiêu”, chừng ấy “chiêu” và …hết.  

 

Thứ hai, năm 2007  ĐTVN và ĐT Olympic sẽ phải đối diện với một lịch thi đấu dày đến chóng mặt, hết SEA Games lại đến Asian Cup. Thế mà Riedl lại đang lâm trọng bệnh. Vậy ông có thể toàn tâm toàn ý cho công tác huấn luyện được không?

 

Thứ ba, cuộc sống luôn buộc chúng ta phải tìm tòi, đổi mới. Chính vì không chịu đổi mới, chính vì tự giết mình trong chiến lược “bế quan toả cảng” mà văn minh Trung Hoa lừng lẫy một thời, nơi khai sinh ra “tứ đại phát minh”  rốt cuộc đã bị chậm chân tới hàng trăm năm so với lịch sử nhân loại.

 

Đó là một bài học xương máu nhắc nhở tất thảy chúng ta không bao giờ được đóng khung trong những thứ giá trị đã được định sẵn, cứ gặm nhấm nó và trung thành mù quáng cùng với nó. Bởi thế một nền bóng mà suốt 8 năm qua cứ quanh đi quẩn lại với Riedl  thì chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi chuyện “cùn đường”.

 

Lời Kết

 

Thật buốt nhói nếu phải chia tay với một con người đã có quá nhiều kỷ niệm với chúng ta như ông Riedl. Càng buốt nhói hơn khi đặt ra vấn đề này trong lúc ông đang lâm bệnh.

 

Nhưng công việc vẫn phải là công việc, và trong công việc thì sự duy lý luôn phải được đặt trên sự duy tình. Bởi vậy chúng tôi cho rằng đã đến lúc phải dũng cảm nói lời chia tay với ông Afred Riedl. Và tất nhiên là sau khi chia tay vẫn cứ phải biết ơn ông và vẫn cứ phải coi ông như một người bạn thân thiết của bóng đá Việt Nam.

 

Phan Đăng