1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao
  3. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Bóng đá VN 2006: Túp lều giữa đống tàn tro

(Dân trí) - Mùa giải chuyên nghiệp thứ 6 của BĐ VN bắt đầu trong một mớ hỗn mang, hệ luỵ không chỉ từ năm 2005. Khi cuộc chiến tiêu cực lên đến hồi điểm, BĐ nước nhà đang ngắc ngoải tìm kiếm mầm sống mới và mùa bóng 2006 được ví như một túp lều được dựng lên giữa đống tro tàn đổ nát.

Từ đống tàn tro năm cũ

 

Năm 2005, bóng đá VN đã trải qua một cơn ngặt nghèo chưa từng có. Vụ tiêu cực trọng tài (khiến 1 HLV, 1 GĐĐH và một số trọng tài khăn gói vào nhà lao, 2 CLB bị đánh tụt hạng) chưa tàn sức nóng thì lại đến vụ án bán độ tại SEA Games 23.

 

Cho đến thời điểm này, đã có 4 cầu thủ tiếp bước vào trại giam T16, một ông Phó chủ tịch LĐ cũng vì thế mà bỏ ghế, một vị trợ lý HLV bị CLB chủ quản “xử nội bộ”, hàng loạt HLV và cầu thủ khác cũng đang nằm trong tầm ngắm của cơ quan điều tra.

 

Danh sách này còn có thể kéo dài hơn nhiều khi vụ án vẫn tiếp tục được mở rộng. Năm 2005 đã sắp sửa đi qua, ấy vậy mà mớ bòng bong của nó vẫn chưa cách nào tháo gỡ được hết.

 

Báo chí, dư luận rồi đến lượt cơ quan điều tra đã vào cuộc, có vẻ như bóng đá VN đã trút bỏ được cái vỏ bọc yếu hèn của mình để vùng lên trong cuộc chiến không khoan nhượng với các “thế lực đen” đã thao túng đường đi của trái bóng trên các sân cỏ nước nhà trong suốt một thời gian dài.

 

Với nhiều người, những sự vụ của năm 2005 quả là những chấn động kinh hoàng, nhưng trong những con mắt khác, đó chỉ là giọt nước cuối cùng làm tràn ly nước vốn đã “quánh màu chàm”.

 

Những vụ việc vừa qua chỉ là cái cột mốc cuối cùng đánh dấu sự sụp đổ có hệ thống của cơ chế bóng đá nghiệp dư bao cấp, một sự sụp đổ tất yếu và không thể cứu vãn.

 

Bao trùm bóng đá VN năm qua là một bức màu xám xịt: màu u tối của những “vụ việc đen”, màu hoen ố của những đồng tiền nhơ nhớp và là màu khói ám từ đống tro tàn của một cơ chế quản lý, một cách tư duy bóng đá đã quá cữ ký và lạc hậu.

 

…đến hệ luỵ trên vai năm mới

 

Những hậu quả mà năm 2005 để lại cho năm mới quả thật khó lòng đo đếm hết, nhưng có thể kể ra đây những khó khăn mà các đội bóng gặp phải trước thềm mùa giải mới cũng như sự rút lui đồng loạt của nhiều nhà tài trợ, cũng là hiện thân của sự chuyên nghiệp trong bóng đá nước nhà.

 

Nhiều cầu thủ bị bắt giữ, hàng loạt cầu thủ khác bị triệu tập, và còn bao nhiêu cái tên đang nằm trong sự “quan tâm” của cơ quan điều tra. Tình hình này đã tác động không nhỏ đến lực lượng của các đội bóng khi mà mùa giải mới chỉ còn nửa tháng nữa là khởi tranh.

 

Khốn đốn nhất có lẽ là Á quân V-League Đà Nẵng với việc Quốc Anh bị bắt, Phước Vĩnh và Hải Lâm bị đình chỉ thi đấu (và sẽ lên T16 trong nay mai?) và HLV trưởng Lê Thuỵ Hải phải chấm dứt hợp đồng sớm vì không làm tròn trách nhiệm tại SEA Games 23.

 

Đồng cảnh ngộ còn có P.SLNA, với 2 “sao” đang ngồi “uống nước trà” ở T16 và HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng bị triệu tập vì có liên quan. Đội bóng xứ Cảng M.H.HP cũng không mấy lạc quan khi cũng có đến 3 gương mặt “dính chàm” là Bật Hiếu, Đức Cường và cả HLV Đinh Thế Nam.

 

Những sự việc như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lực lượng, sự chuẩn bị cũng như tâm lý chung của các đội bóng trước thềm mùa giải mới và không loại trừ khả năng nội tình của thêm vài đội bóng nữa sẽ tiếp tục lâm vào cảnh rối ren khi vụ án bán độ tiếp tục được làm rõ.

 

Không chỉ thế, những vụ việc năm cũ còn làm cho thị trường chuyển nhượng cầu thủ hầu như đóng băng. Chính vì thế mà có nhiều đội bóng có trong tay một bao tiền to nhưng không dám mở hầu bao để đầu tư những cái tên sáng giá, vì biết đâu nay mai anh ta lại có tên trong “danh sách đen” vốn dài đến đâu cũng chẳng ai biết hết.

 

Bó tay trong việc săn “sao nội”, các đội bóng đành cố công tìm kiếm hàng ngoại chất lượng cao để bổ sung lực lượng hoặc đành chấp nhận những cầu thủ hạng xoàng hay những cầu thủ hết thời để “giật gấu vá vai”.

 

Hiện tại đã không như ý, nhưng về lâu về dài những việc làm kiểu này sẽ làm suy giảm chất lượng cầu thủ nội cũng như làm thiếu hụt “nguồn cung” cho các đội tuyển QG những năm tiếp theo.

 

Một hệ quả thấy rõ nữa từ “bức tranh tối” 2005 chính là việc nhiều nhà tài trợ rút lui khỏi ván bài bóng đá, vốn có nhiều rủi ro và không còn được sự cuốn hút về mặt quảng bá thương hiệu.

 

Về mặt hình thức, có thể thấy rất rõ việc 3 giải đấu hàng đầu trong nước là V-League, Gải Hạng nhất và Cup QG đều chưa tìm lấy nổi một Mạnh Thường Quân cho mình sau khi những nhà bảo trợ dứt áo ra đi.

 

Các đội bóng cũng lâm vào cảnh tương tự khi lần lượt Delta, Thép Pomina, rồi Kymco, Sông Đà lần lượt nói lời chia tay, để lại cho các đội bóng muôn ngàn mối lo cơm áo gạo tiền và phải chạy đôn chạy đáo tìm những bản hợp đồng tài trợ mới.

 

Về bản chất, khi mà các đội bóng mang cái mác chuyên nghiệp trong nước chưa thể “làm kinh tế” để tự nuôi sống mình, việc không có nhà tài trợ và phải quay lại với bầu sữa Sở TDTT chẳng khác nào một bước lùi trở lại với cơ chế nghiệp dư mà chúng ta đang có rũ bỏ trong 5 năm “làm chuyên nghiệp” vừa qua.

 

Còn nhiều khó khăn khôn lường nữa mà năm bóng đá VN 2006 sẽ phải gánh chịu như là hệ quả của một năm khốn đốn, và để tìm lại được hồn vía của mình, nền bóng nước nhà sẽ phải bắt đầu lại từ đầu, và đừng quên bài học: đã xây nhà, phải xây từ nền từ móng.

 

… Và những tia hy vọng

 

Trong cái nền xám xịt của một năm qua, không phải chúng ta không có những niềm hy vọng tốt lành cho môt năm mới.

 

Hy vọng là lần đầu tiên trong nhiều năm, trái bóng trên sân cỏ VN sẽ được trả lại hình tròn với sự quyến rũ vốn có của nó, và người hâm mộ sẽ lại được đến sân để xem những trận cầu cống hiến và sạch sẽ.

 

Niềm tin này không phải và vô căn cứ vì lần đầu tiên chúng ta được thấy những động thái mạnh mẽ như vậy của bóng đá nước nhà trong cuộc chiến với căn bệnh tiêu cực trầm kha. Hy vọng những con người mới, những cách nghĩ mới sẽ mang lại một luồng gió mới cho làng bóng VN vốn đã chìm quá sâu trong lối mòn của cơ chế cũ.

 

Hy vọng sau những bài học đắt giá về giáo dục đạo đức cầu thủ và vết xe đổ “xây nhà từ nóc”, chúng ta sẽ quan tâm hơn đến hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ, quan tâm hơn “phần hồn” của các cầu thủ lứa tuổi U, để trong vài năm tới, bóng đá VN sẽ có được những thế hệ vàng mới đủ tài, đủ đức để vực dậy và chèo lái con thuyền bóng đá VN đến những cái đích vinh quang.

 

Hy vọng sau khi nhận thức được những yếu kém trong cơ chế quản lý và tư duy bóng đá, chúng ta sẽ có những thay đổi quan trọng trong con người, trong cách làm để hướng tới một nền bóng đá chuyên nghiệp hơn, đồng bộ hơn. Qua đó khuyến khích được sự tự thân vận động của các đội bóng trong thi đấu cũng như ngăn chặn kịp thời và có hiệu quả hơn những tiêu cực mới có thể phát sinh.

 

Trước thềm một năm mới, người ta thường hy vọng rất nhiều, để sống, để yêu thương, và  để cống hiến… Nhưng những niềm hy vọng đó có trở thành thực tế hay không, điều đó phụ thuộc rất nhiều vào từng con người, tổ chức cụ thể.

 

UB TDTT, LĐBĐ VN, các Sở TDTT, câu lạc bộ, HLV và các cầu thủ, bóng đá VN sẽ có một năm mới tươi sáng hơn nhiều phải không?

 

Hồng Kỳ