1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Ai bảo vệ đôi chân cho các tuyển thủ?

Nữ tuyển thủ bóng đá Văn Thị Thanh không thể tham gia giải bóng đá nữ VĐQG do tràn dịch đầu gối. Minh Phương (GĐT.LA) phải nghỉ thi đấu đến hết giải do bị vỡ xương mác. Tài Em cũng không thể ra sân vì chấn thương chân,… Giới chuyên môn và dư luận đang rất lo âu và tự hỏi: Ai sẽ bảo vệ đôi chân cho các tuyển thủ VN?

Không phải ngẫu nhiên mà tháng rồi GĐT.LA đã có bước đột phá khi tổ chức Hội thảo chữa trị chấn thương trong thể thao và mời chuyên gia Bồ Đào Nha sang truyền đạt kiến thức cũng như tiến hành mổ miễn phí cho một số cầu thủ. Chính những thông tin bổ ích này, nhất là cách điều trị cũng như ngăn ngừa chấn thương cho cầu thủ đã giúp rất nhiều lãnh đạo cũng như chuyên viên y tế có thêm biện pháp để có thể chăm sóc các cầu thủ tốt hơn.

 

Đáng tiếc là sự quan tâm của LĐBĐ VN đối với hội thảo này cũng như việc làm thế nào để in ấn các tài liệu phổ biến đến các CLB, các đội bóng chưa có điều kiện tham dự còn rất hạn chế, nếu không muốn nói là chẳng có gì.

 

Hơn thế, bản thân BTC giải chưa có những động thái tích cực, yêu cầu các cầu thủ phải tôn trọng đồng nghiệp khi tranh chấp, cũng như phải có một quy chế xử lý thật nặng nếu có những đòn cố tình triệt hạ đối phương. Vì thế việc bảo vệ đôi chân cho các cầu thủ, ngăn ngừa những va chạm không đáng có trên sân cỏ đã không được tuân thủ triệt để.

 

Chấn thương của Minh Phương không chỉ làm anh phải xa sân cỏ một thời gian mà về lâu dài có thể sẽ khiến đội tuyển VN mất đi một tiền vệ tài hoa, nếu chẳng may vết thương đó tái phát. Hoặc như cái chân trụ của Tài Em đã bị nguyên gầm giày của Quang Trường đạp thẳng vào. Chỉ cần chệch nhẹ qua một chút là bóng đá VN mất luôn một tiền vệ sáng tạo ở SEA Games 23.

 

Có thể chúng ta không trách đội Hòa Phát khi họ thực hiện ý đồ chiến thuật nhằm hạn chế sức mạnh tấn công của đối thủ. Nhưng thái độ thi đấu thô bạo của một số trụ cột có kinh nghiệm của đội này nhằm triệt hạ đối phương bằng mọi giá thì rất cần được lên án và xử lý.

 

Ở giải vô địch Anh hoặc Champions League châu Âu, chúng ta thường thấy BTC và Tiểu ban bảo vệ cầu thủ luôn xem xét lại từng trận đấu, đánh giá đúng mức độ gây chấn thương cho cầu thủ đội bạn để phạt thật nghiêm túc, chính xác. Những đôi chân cầu thủ dứt khoát phải được bảo vệ bởi đối với những ngôi sao châu Âu, đôi chân là cái “cần câu USD”.

 

Còn LĐBĐ VN thì vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Để xảy ra chấn thương rồi thì chỉ hỗ trợ tiền chứ chưa hề mạnh dạn có những đổi mới về cách xử lý, để đôi chân của những cầu thủ được bảo vệ một cách thiết thực hơn nữa.

 

Theo TN