1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Yukio Hatoyama và những bài toán hóc búa của nước Nhật

(Dân trí) - Yukio Hatoyama, người gần như chắc chắn sẽ là thủ tướng kế tiếp của Nhật Bản, sẽ phải đối diện với nhiệm vụ thành lập chính phủ mới để khôi phục nền kinh tế trong nước và định ra một đường hướng mới trong quan hệ với đồng minh thân cận Mỹ.

 
Yukio Hatoyama và những bài toán hóc búa của nước Nhật - 1
Thủ tướng kế tiếp của Nhật Bản sẽ đứng trước nhiều thách thức.

 
Người đến từ “dòng họ  Kennedy của Nhật”

Người dân Nhật Bản biết đến lãnh đạo đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) Yukio Hatoyama nhiều nhất vì hai điều: 62 tuổi và là người xuất thân từ dòng tộc được so sánh với dòng họ Kennedy tại Mỹ.

Bên nội của ông Yukio Hatoyama có đến 4 đời tham gia chính trị. Đặc biệt là ông nội của ông - Ichiro Hatoyama, chính là người đã sáng lập ra đảng Dân chủ Tự do (LDP) năm 1951 và làm chủ tịch đầu tiên của đảng này. Từ năm 1954 đến 1956, ông Ichiro Hatoyama đã ba lần được bầu làm thủ tướng. 

Yukio Hatoyama và em trai Kunio thuộc thế hệ thứ tư trong gia đình. Nhưng khác với người em vẫn trung thành với LDP, ông Yukio Hatoyama bỏ đảng vào năm 1993 và ba năm sau ông cùng với các đảng viên rời LDP khác thành lập đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ). 

Yukio Hatoyama là cháu ngoại người sáng lập công ty chế tạo săm lốp nổi tiếng Bridgestone. Nhưng xét về bên họ ngoại của ông, người dân Nhật Bản nhắc đến thân mẫu của Hatoyama với lòng kính trọng đặc biệt. Bà là người không tiếc tài chính hỗ trợ sự nghiệp chính trị của hai người con trai.

Yukio Hatoyama nổi tiếng thông minh từ khi còn đi học. Ông từng tốt nghiệp đại học Stanford danh tiếng của Mỹ và làm giảng viên tại Đại học Senshu ở Nhật.

Từng là một thành viên của LDP, nhưng Yukio Hatoyama đã liên tục cáo buộc đảng cũ của ông là trao quyền hoạch định chính sách cho các chính trị gia già nua không còn biết tới nhu cầu của nhân dân Nhật Bản. Ông lên lãnh đạo DPJ mới từ tháng 5, sau khi người tiền nhiệm buộc phải từ chức vì tai tiếng.

Đối nội: Trọng trách nặng nề

Chiến thắng của DPJ sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho Nhật Bản, nhưng để bước vào được kỷ nguyên này, trọng trách đầu tiên là đưa Nhật Bản thoát khỏi cơn suy thoái trầm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới II.

LDP sau một thời kỳ đầu lãnh đạo thành công đã đưa nước Nhật trở thành một cường quốc kinh tế thế giới. Nhưng 10 năm trở lại đây, chính những chính sách cải cách của đảng này đã làm mất lòng dân. DPJ là một thay đổi đã được dự báo, khi cử tri Nhật Bản thất vọng với những cuộc cải cách thất bại của LDP. Cử tri đặt hy vọng vào DPJ, đồng nghĩa với việc Chính phủ của ông Hatoyama sẽ phải biến thành hiện thực những lời hứa đã đưa ra trong cuộc vận động tranh cử.

Sự thay đổi lớn nhất là trong cách điều hành lãnh đạo đất nước. Chính phủ mới được hy vọng sẽ đem lại sự thay đổi cho nước Nhật, nhưng cũng không thể bảo đảm cỗ máy DPJ sẽ vận hành một cách trôi chảy vì đây là lần đầu tiên đảng này lên nắm quyền.

Ngoài ra, thách thức nữa là các vấn đề kinh tế xã hội. Mặc dù mới phục hồi được chút ít nhưng Nhật bản lại rơi vào tình trạng giảm phát. Hiện 10 triệu người Nhật phải chịu sinh hoạt với nguồn thu nhập hàng năm thấp hơn nhiều so với mức trước đây và 21% dân số đã vượt ngưỡng 65 tuổi. Nền kinh tế, phụ thuộc vào xuất khẩu đã suy giảm nhanh gấp 3 lần Mỹ, trong khi lương bổng vẫn ở trên đà ngày càng giảm thiểu từ 15 năm nay.

DPJ ý thức được những thách thức lớn trước mắt khi giải quyết các vấn đề đối nội, trong khi từ đây đến năm tới, chính phủ mới còn phải tập trung chuẩn bị cho cuộc bầu cử Thượng viện. 

Ngoại giao: Chưa có thay đổi lớn

Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, Chủ tịch DPJ Yukio Hatoyama chủ trương nước Nhật sẽ dựa ít hơn vào Mỹ và sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với châu Á.

Trong bài viết khẳng định chính sách đối ngoại của mình đăng trên tờ New York Times mới đây, ông Hatoyama kêu gọi thiết lập quan hệ đối tác “bình đẳng” hơn giữa Tokyo và Washington. Cho dù ông nhận định, hiệp ước quốc phòng giữa Nhật Bản và Mỹ vẫn là nền tảng then chốt cho chính sách ngoại giao của Tokyo, nhưng ông nhấn mạnh đến bản sắc châu Á của Nhật Bản. Ông Hatoyama viện dẫn sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc, quốc gia sẽ qua mặt Nhật Bản để chiếm ngôi vị cường quốc kinh tế thứ hai thế giới. Ông cũng chủ trương ủng hộ thiết lập Cộng đồng châu Á theo kiểu Liên minh châu Âu (EU) với một đồng tiền chung.

Tuy nhiên, theo các nhà  phân tích, trong trường hợp ông Hatoyama lên làm thủ tướng, trước mắt, nước Nhật sẽ không có một sự chuyển hướng lớn nào trong chính sách đối ngoại và Tokyo sẽ không gây căng thẳng trong quan hệ với Mỹ, vì những lý do sau: 

Thứ nhất, từ nay đến năm tới, chính phủ sẽ phải tập trung giải quyết các vấn đề đối nội và chuẩn bị cho cuộc bầu cử Thượng viện. Vì vậy, DPJ một khi nắm chính quyền sẽ phải chọn lựa thái độ thực tiễn và không đảo ngược các chính sách đối ngoại, đã bảo đảm cho sự ổn định và thịnh vượng của nước Nhật. 

Thứ hai, liên minh chiến lược với Mỹ sẽ vẫn được duy trì, nhất là Washington đã triển khai “ô hạt nhân” để bảo vệ Tokyo trong trường hợp có nguy cơ bị tấn công và đồn trú 47.000 lính Mỹ tại Nhật Bản. 

Việt Hà
 Tổng hợp
Dòng sự kiện: Bầu cử ở Nhật