1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ỷ mạnh hiếp yếu?

Tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông ngày càng giống với một điểm cọ xát chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc sau những lời qua tiếng lại giữa chính phủ hai nước vừa qua.

Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích kế hoạch lập một đơn vị quân sự mới đồn trú ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nói rằng động thái này sẽ làm gia tăng căng thẳng quốc tế. Đáp lại, Bắc Kinh "nhắc nhở" Mỹ nên biết phận sự của mình.

Nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi tại sao Washington và Bắc Kinh lại đang cho phép một sự bất đồng mới nổi lên trong một mối quan hệ Trung-Mỹ ngày càng quan trọng. Và đáng tiếc hơn là đang có sự  hiểu chưa đúng lý do căn bản của Mỹ trong việc can thiệp ngoại giao vào một tranh chấp lãnh thổ mà Mỹ không phải là bên tham gia.

Mặc dù các quan chức Washington nêu ra một vài quan ngại cụ thể của Mỹ về chính sách và hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông, nhưng vấn đề được hiểu rộng rãi và nhắc đến nhiều nhất là mối đe dọa tiềm tàng đối với "tự do hàng hải": Trung Quốc có thể đang hướng đến áp đặt những cấm đoán đối với tàu thuyền nước ngoài qua lại trên Biển Đông. Thế nhưng, đây chưa phải là vấn đề thực chất. Cái cốt yếu ở đây chính là nguy cơ Trung Quốc ỉ mạnh hiếp yếu.

Hiển nhiên Mỹ là người ủng hộ mạnh mẽ cho tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế. Quan điểm này phản ánh không chỉ cam kết của Mỹ đối với nguyên tắc chung về tự do mà còn cả lợi ích của một cuộc gia thương mại có lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới. Chẳng phải bàn nếu tự do hàng hải đang gặp trở ngại tại Biển Đông, Mỹ sẽ có lý do phải bảo vệ. Nhưng hiện tại, tự do hàng hải không phải là vấn đề.

Ỷ mạnh hiếp yếu?


Trung Quốc nói họ không muốn cản trở tự do hàng hải quốc tế trên Biển Đông và không có ý định hành động như vậy trong tương lai. Với Trung Quốc, họ khẳng định quan điểm của họ có phần hợp lý.

Trung Quốc đặc biệt không hài lòng với hoạt động giám sát của tàu và máy bay Mỹ gần bờ biển Trung Quốc. Điều này dẫn đến sự quấy rối của Trung Quốc, với một số vụ việc đã được báo chí đưa tin. Công ước LHQ về Luật Biển cho phép hoạt động do thám trong khu vực nằm giữa vùng nội thủy của một nước - giới hạn 12 hải lý - và vùng đặc quyền kinh tế của nước này (thường là 200 hải lý).

Trung Quốc nói rằng hoạt động do thám không phải là "qua lại không gây hại" và không nên được cho phép trong vùng đặc quyền kinh tế, nên hành động của Mỹ không được họ chấp nhận. Do vậy, tình huống trên đã làm nảy sinh một vài sự can thiệp vào hoạt động "tự do hàng hải" của hải quân Mỹ, nhưng đây chỉ là một trường hợp rất hạn chế và đặc biệt.

Một trường hợp khác tàu Trung Quốc cản trở các tàu không phải nước mình khác là khi các tàu kia tham gia hoạt động liên quan đến khai thác tài nguyên - đánh cá hay chuẩn bị khoan khai thác dầu khí - hay khi người nước ngoài cố gắng bắt giữ tàu cá Trung Quốc. Đây cũng chỉ đều là những trường hợp đặc biệt. Ngược lại, Trung Quốc khẳng định chưa hề can thiệp vào sự qua lại của các tàu chở hàng mang quốc kỳ khác hay của tàu hải quân Mỹ đi qua tuyến đường thủy quốc tế này.

Kết quả, Trung Quốc khẳng định tự ho hàng hải là lý do không thực tế và sự khẳng định này đã thuyết phục được nhiều bên trung lập. Từ quan điểm ấy, Trung Quốc kết luận rằng Mỹ đang sử dụng tự do hàng hải làm cái cớ để mở rộng chiến lược "ngăn chặn" tại Đông Bắc Á, hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc và thu hút đồng minh mới tham gia bao vây quân sự Trung Quốc.

Thay vì để Trung Quốc lấy làm cái cớ cho những lý lẽ của mình, lý do tự do hàng hải vẫn nên được Mỹ sử dụng hợp lý hơn. Tức là, điều chính phủ Mỹ nên nêu ra là muốn làm thế giới an toàn hơn khỏi những sự áp bức vô cớ từ bên ngoài. Thật đáng lo ngại khi Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện cái mà các nhà ngoại giao Bắc Kinh từ nhiều thập kỷ nay vẫn lên án là "bá quyền" hay "chính trị cường quyền" - nước mạnh áp đặt những lợi ích riêng của mình lên trên các nước nhỏ.

Sáu bên tuyên bố một phần chủ quyền Biển Đông. Không bên nào muốn vũ lực. Nhưng những năm qua, Trung Quốc là bên yêu sách duy nhất đơn phương hành động để củng cố quyền kiểm soát lãnh thổ và tài nguyên Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc lại tự tách mình ra khỏi lập trường chung theo hai hướng hết sức tiêu cực.

Thứ nhất, các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc vừa rộng lớn không bình thường vừa mơ hồ một cách có chủ ý. Bắc Kinh đã cố tính không làm rõ các yêu sách của mình dựa theo nguyên tắc chỉ đạo trong Công ước Luật Biển, mà Trung Quốc là một bên ký kết. Đây là một phần trong chiến lược "tung hỏa mù" để Trung Quốc cố gắng tối thiếu hóa các quan ngại quốc tế và nhằm tránh bị bó buộc bởi các nguyên tắc chỉ đạo trên trong khi liên tục hành động nhằm đe dọa từng bên tuyên bố chủ quyền khác.

Thứ hai, những hành động Trung Quốc tiến hành để khẳng định chủ quyền trên Biển Đông và các đảo luôn quá quyết liệt so với hành động của các bên tuyên bố chủ quyền còn lại. Những hành động này bao gồm đe dọa và phá hoại tàu nước ngoài, tuyên bố cấm đánh bắt cá trong một thời gian tại một nửa Biển Đông và bắt giữ ngư dân nước ngoài không chấp hành quy định trên. Ngoài ra là những tuyên bố gần đây về sự quân sự hóa của Trung Quốc tại khu vực - không chỉ là đơn vị quân sự đồn trú mới trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, mà còn cả tuyên bố của phát ngôn viên quân sự Cảnh Nhạn Sinh (Geng Yansheng) hồi tháng 6 rằng Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động "tuần tra thường kỳ và trực chiến" trên Biển Đông.

Hành động của Trung Quốc đang gây đe dọa bởi Trung Quốc là nước lớn. Không quốc gia nào tại Đông Nam Á có sức mạnh quân sự sánh ngang Trung Quốc để có thể triển khai ra Biển Đông. Sức nặng kinh tế khổng lồ của Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng cao, và cam kết củng cố lực lượng quân sự chỉ càng làm cho khoảng cách trên sẽ còn rộng hơn trong tương lai. Cuộc đấu ngày càng không cân sức hơn khi chính phủ Trung Quốc mới đây tuyên bố kế hoạch tăng cường mạnh số lượng tàu tuần tra bán quân sự - do lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc và các cơ quan khác vận hành - sẽ triển khai ra Biển Đông.

Trên thực tế đang có một sự đấu tranh giữa hai tầm nhìn về trật tự quốc tế cho châu Á. Washington giải thích, tầm nhìn của Mỹ bao gồm một hệ thống các quy chuẩn và luật pháp quốc tế để đảm bảo các quốc gia nhỏ được bảo vệ không bị chèn ép bởi các nước lớn và thủ tục giải quyết tranh chấp được đảm bảo công bằng. Ngược lại, Trung Quốc có vẻ muốn khôi phục lại phạm vi ảnh hưởng ở Đông Á và Đông Nam Á như thời còn "xưng vương xưng bá".

Vì thế, Bắc Kinh muốn các luật lệ trong tương tác quốc tế sẽ phản ánh lợi ích cơ bản của Trung Quốc. Bắc Kinh toan tính các chính phủ khu vực sẽ không có những hành động lớn đi ngược lại lợi ích của Trung Quốc. Việc Bắc Kinh không lấy Công ước Luật Biển làm cơ sở cho các tuyên bố chủ quyền của mình có thể phản ánh rằng bộ pháp chế do phương Tây soạn thảo phần lớn này sẽ không còn cần thiết khi Trung Quốc lấy lại được vị thế như trong lịch sử tại khu vực.

Một số nhà quan sát coi tranh chấp Trung - Mỹ tại Biển Đông đơn giản là cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc muốn tìm kiếm thế bá chủ khu vực, với mỗi bên hành động vì tư lợi bá quyền hơn là để bảo vệ nguyên tắc cao hơn. Nhưng trong trường hợp này, sự can thiệp của Mỹ rõ ràng phù hợp với lợi ích của các quốc gia Đông Nam Á, đang mong muốn chố lại sự ngang ngược của Trung Quốc. Trung Quốc đang cố triển khai thứ trật tự "sức mạnh quyết định ai đúng", trong khi Mỹ thể hiện muốn bảo đảm các quốc gia nhỏ hơn không bị nghiền nát. Đây mới là vấn đề thực sự, và các quan chức Mỹ cần phải làm rõ điều này.