DNews

Xuồng tự sát: "Át chủ bài" để Ukraine phá thế áp đảo của Nga ở Biển Đen?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Từ vụ việc Nga cáo buộc Ukraine tấn công cầu Crimea bằng xuồng tự sát, các chuyên gia nhận định Kiev có thể dùng các vũ khí giá thành rẻ nhưng hiệu quả cao nhằm phá thế độc tôn của Nga ở Biển Đen.

Xuồng tự sát: "Át chủ bài" để Ukraine phá thế áp đảo của Nga ở Biển Đen?

Rạng sáng ngày 17/7, một vụ nổ lớn tại cây cầu nối bán đảo Crimea và đất liền Nga khiến cho công trình chiến lược này bị hư hại. Vài giờ đồng hồ sau, Nga cáo buộc Ukraine thực hiện vụ tấn công vào cây cầu bằng xuồng tự sát.

Truyền thông Ukraine dẫn các nguồn thạo tin nói rằng Kiev có thể đứng sau vụ việc. Tuy nhiên, tới nay phía Ukraine vẫn chưa chính thức xác nhận vai trò trong vụ tấn công.

Mặc dù vậy, theo giới quan sát, vụ việc cầu Crimea và một số vụ Hạm đội Biển Đen của Nga bị tấn công trước đó đã cho thấy mối nguy hiểm của xuồng tự sát với các mục tiêu quan trọng của Moscow tại khu vực mà họ chiếm ưu thế áp đảo trước Kiev.

Tác động của vụ tấn công cầu Crimea

Video một nhịp cầu Crimea nghi bị sập sau sự cố khẩn cấp (Video: Sputnik).

Theo Asia Times, dù Ukraine không nhận trách nhiệm vụ tấn công, nhưng tuyến giao thông huyết mạch nối Crimea và đất liền Nga bị sập một nhịp được xem là diễn biến phù hợp với bức tranh tổng thể khi Kiev đang nỗ lực phá hủy các tuyến tiếp tế hậu cần của Moscow trong cuộc phản công lớn.

Sau đó, điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ về truyền thông chiến lược John Kirby nhận định, vụ cầu Crimea bị tấn công vào sáng sớm ngày 17/7 dường như không ảnh hưởng tới các tuyến hậu cần của Nga tại Ukraine.

Theo ông Kirby, hiện thời vẫn còn quá sớm để khẳng định liệu vụ tấn công sẽ ảnh hưởng tới năng lực quân sự của Nga như thế nào trong thời gian dài vì Moscow vẫn có "rất nhiều cách để cung cấp hậu cần quân sự và tiếp tế cho binh sĩ đang tham chiến ở Ukraine. Tôi cho rằng vụ tấn công sẽ không có tác động đáng kể đến Nga".

Tuy nhiên, theo chuyên gia Stefan Wolff từ đại học Birmingham (Anh), vụ tập kích mang tính biểu tượng rất lớn, thể hiện sự dễ tổn thương của mục tiêu Nga ở bán đảo Crimea. Trong chưa đầy một năm, cây cầu quan trọng này đã 2 lần bị tấn công, trong đó Ukraine đã nhận trách nhiệm vụ tập kích hồi tháng 10 năm ngoái.

Kể từ khi thông xe vào năm 2018, Nga đã áp dụng hàng loạt biện pháp bảo vệ cây cầu huyết mạch bắc qua eo biển Kerch.

Xuồng tự sát: Át chủ bài để Ukraine phá thế áp đảo của Nga ở Biển Đen? - 1

Cầu Crimea nối bán đảo Crimea với đất liền Nga (Ảnh: Reuters).

Interfax cho biết, Nga đã trang bị cho lực lượng bảo vệ cầu các hệ thống khí tài đa dạng bao gồm các tàu hiện đại, hệ thống dò và định vị âm thanh. Nga cũng đã lên kế hoạch chế tạo một cấu trúc thủy lực đặc biệt giống như trụ cầu nhằm chống các hành vi cố ý đâm và phá hoại công trình này.

Nga được cho là đã triển khai hệ thống phòng thủ dày đặc và hiện đại xung quanh khu vực. Theo nhiều nguồn tin, Nga có thể đang sử dụng tổ hợp robot "Chim cánh cụt", thiết bị lặn không người lái chuyên có nhiệm vụ tuần tra phát hiện mìn và thợ lặn đối phương. Theo RT, Nga cũng đã triển khai hệ thống phòng không "rồng lửa" S-400, tổ hợp tên lửa đất đối không Buk và Tor tới khu vực lân cận.

Việc một cây cầu được bảo vệ chặt chẽ bị tấn công bằng các vũ khí giá rẻ được xem là diễn biến gây bất lợi cho Nga và có thể gia tăng tinh thần chiến đấu của Ukraine khi Kiev nhiều lần tuyên bố sẽ giành lại Crimea bằng mọi giá.

Trước đó, có nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm không mấy lạc quan về viễn cảnh Ukraine có thể kiểm soát trở lại Crimea do những chênh lệch rõ ràng về tiềm lực quân sự. Nếu Ukraine tìm ra được vũ khí giá rẻ, nhưng nguy hiểm để phá được thế áp đảo của Nga ở Biển Đen, đó sẽ là công cụ hiệu quả cho một cuộc chiến bất đối xứng trong tương lai.

Giới chuyên gia nhận định với Newsweek, vụ tấn công cầu Crimea cho thấy mối đe dọa của xuồng không người lái với các công trình huyết mạch và vũ khí quan trọng của Nga vì hệ thống phòng thủ Moscow gặp thách thức trong việc phát hiện và ngăn chặn loại vũ khí này.

Diễn biến này đồng thời cho thấy sự dễ tổn thương của cầu Crimea trong tương lai, khi nó nằm tương đối gần với tiền tuyến của chiến sự Nga - Ukraine. Mặt khác, cây cầu dài tới hơn 19km, khiến việc bảo vệ toàn bộ dọc theo chiều dài cầu không phải là nhiệm vụ đơn giản. 

"Át chủ bài" của Ukraine ở Biển Đen?

Xuồng tự sát: Át chủ bài để Ukraine phá thế áp đảo của Nga ở Biển Đen? - 2

Các xuồng tự sát của Ukraine (Ảnh: United24).

Theo Reuters, ở Biển Đen, Ukraine có thể sử dụng xuồng không người lái để mở ra một kỷ nguyên mới của cuộc chiến hải quân, nhằm đối phó với sự vượt trội về tiềm lực quân sự của Nga.

Scott Savitz, nhà phân tích cấp cao của tổ chức nghiên cứu RAND Corporation, nhận định các xuồng tự sát gắn thuốc nổ của Ukraine có thể được xem là vũ khí đáng gờm chống lại các hạm đội và thậm chí cả cơ sở hạ tầng quan trọng của Nga ở Biển Đen.

Theo ông Savitz, xuồng tự sát thậm chí còn nguy hiểm hơn các loại vũ khí trên không như tên lửa và bom. Chi phí tương đối thấp của xuồng tự sát cũng có thể cho phép Ukraine thực hiện các cuộc tấn công với số lượng lớn, khiến tàu chiến Nga khó phát hiện toàn bộ mục tiêu.

Tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi thế giới gây quỹ để nước này xây dựng một đội gồm 100 xuồng không người lái, nhằm đối phó dàn chiến hạm hùng hậu của Nga ở khu vực Biển Đen.

Mykhalio Fedorov, Phó thủ tướng Ukraine, cho rằng tàu không người lái là một phương tiện hiệu quả để thay đổi cán cân quyền lực ở Biển Đen khi Nga áp đảo Kiev về mặt lực lượng trên khu vực chiến lược này.

Ông nói: "Nhỏ và nhanh, chúng có khả năng tấn công thành công các chiến hạm Nga trị giá hàng trăm triệu USD".

Trước vụ cầu Crimea bị tấn công, Nga nhiều lần cáo buộc Ukraine nhằm mục tiêu vào cơ sở Hạm đội Biển Đen của Moscow ở bán đảo bằng xuồng tự sát.

Hôm 16/7, Nga tuyên bố chặn một vụ tấn công gồm 7 UAV và 2 xuồng tự sát nhằm vào thành phố Sevastopol, nơi Nga đặt căn cứ của hạm đội. Trước đó, Nga nhiều lần tuyên bố chặn các vụ tấn công mà họ cáo buộc là Ukraine phóng xuồng tự sát vào mục tiêu quân sự của Moscow ở Biển Đen.

Xuồng tự sát: Át chủ bài để Ukraine phá thế áp đảo của Nga ở Biển Đen? - 3

Cấu tạo xuồng tự sát do Ukraine phát triển (Đồ họa: Reuters).

Theo chuyên gia quân sự David Hambling, các xuồng tự sát Ukraine phát triển trong thời gian qua có chiều dài dưới 6m, với tốc độ tối đa khoảng 80km/h. Mang theo khoảng 180kg chất nổ, những chiếc xuồng tự này sẽ gây ra sự tàn phá đáng kể với mục tiêu chúng hướng tới.

Các chuyên gia cho hay, xuồng tự sát Ukraine thường di chuyển sát mặt biển và kích thước tương đối nhỏ, nên việc phát hiện chúng bằng radar hoặc thiết bị sóng âm phản xạ là một thách thức lớn với Nga.

Ngoài ra, các xuồng này có thể bị sóng biển che khuất cho tới khi chúng tới rất gần mục tiêu. Việc đánh chặn các vũ khí tương đối nhỏ, tốc độ khá nhanh lúc này trở nên thách thức hơn.

Steve Wright, nhà nghiên cứu cấp cao về hệ thống điện tử hàng không và máy bay tại Đại học West of England (Anh) nói với Newsweek rằng, các hệ thống radar không được thiết kế để truy dò ra các phương tiện nhỏ và không người lái như xuồng tự sát của Ukraine.

Ngoài nhiệm vụ tấn công mục tiêu, Ukraine có thể sử dụng xuồng tự sát nhằm đánh lạc hướng lực lượng Nga, rồi tiến hành một cuộc tập kích lớn vào mục tiêu chính khiến Moscow không kịp trở tay, theo ông Hambling.

Khó bị phát hiện, nhưng xuồng tự sát cũng không dễ để bị đánh chặn. Giới phân tích cho biết, vũ khí hiệu quả nhất Nga hiện sở hữu để phá hủy các xuồng tự sát là pháo tự động cỡ lớn hoặc súng máy hạng nặng. Tuy nhiên, ông Hambling cho biết Ukraine có nhiều cách để xuồng tự sát né được các vũ khí này, ví dụ như tấn công với số lượng lớn.

Trong một cuộc tấn công ồ ạt bằng xuồng tự sát, các súng máy hoặc pháo trên sẽ khó bắn hạ được toàn bộ các mục tiêu. Để đối phó triệt để, Nga có thể cần phải phát triển một hệ thống phòng thủ mới tương tự như các lá chắn phòng không đối phó với "bầy đàn" máy bay không người lái (UAV).

Theo các chuyên gia, xuồng tự sát được xem là ví dụ điển hình cho chiến lược tác chiến bất đối xứng của Ukraine trước Nga. Vũ khí này có thể khiến hệ thống phòng thủ của Nga căng sức đối phó, trong khi chúng có giá thành tương đối rẻ để triển khai số lượng lớn.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu Ukraine chỉ sử dụng xuồng tự sát để tấn công Nga ở Biển Đen là chưa đủ. Để giành lại được khu vực chiến lược, về lâu dài, Ukraine sẽ cần thêm các vũ khí uy lực hơn như tên lửa chống hạm và chiến hạm. Ukraine sẽ phải trông chờ vào đồng minh phương Tây cho các vũ khí này. 

Nga tìm cách ứng phó

Tận dụng tốc độ cao và khả năng luồn lách linh hoạt, xuồng cảm tử của Ukraine đã nhiều lần vượt qua các lớp bảo vệ và đột nhập vào sâu bên trong căn cứ của Nga để tiến hành các hoạt động tấn công. Kế hoạch tác chiến này của Ukraine đã góp phần hạn chế hoạt động của các tàu chiến của Hạm đội Biển Đen.

Theo Reuters, vụ tấn công ngày 29/10/2022 nhằm vào cảng Sevastopol, nơi Nga đặt Hạm đội Biển Đen đã khiến Moscow quyết định gia tăng bảo vệ cho khu vực trọng yếu này.

Xuồng tự sát: Át chủ bài để Ukraine phá thế áp đảo của Nga ở Biển Đen? - 4

Vụ tấn công ngày 29/10/2022 vào cảng Sevastopol được xem có tính chất bước ngoặt khiến Nga quyết định gia tăng bảo vệ các mục tiêu quân sự quan trọng ở Crimea (Đồ họa: Reuters).

Ngoài ra, theo các chuyên gia, vụ tấn công mà Nga cáo buộc Ukraine đứng sau đã khiến Moscow giảm bớt hoạt động triển khai tàu chiến ra khỏi hàng rào bảo vệ mà họ lập ra.

Để đảm bảo an toàn cho các tàu chiến của Hạm đội Biển Đen, Hải quân Nga đã phải giăng các tấm lưới bảo vệ bằng kim loại, hàng rào và hệ thống phao nhằm chắn lối vào tại quân cảng Sevastopol. 

Mặt khác, quân đội Nga cũng thường xuyên phải huy động các tàu tuần tra cỡ nhỏ để giám sát các vùng nước gần bờ nhằm phát hiện và nhanh chóng tiêu diệt mối đe dọa từ phía Ukraine.

Xuồng tự sát: Át chủ bài để Ukraine phá thế áp đảo của Nga ở Biển Đen? - 5

Hệ thống phòng thủ quân cảng Sevastopol (Đồ họa: Reuters).

Thêm vào đó, nhà phân tích hải quân HI Sutton cho biết các tàu chiến Nga ở Hạm đội Biển Đen đang được sơn đen ở hai đầu nhằm mục đích ngụy trang trước các cuộc tấn công tiềm tàng của Ukraine.

Theo ông Sutton, Nga dường như đã bắt đầu sơn lên các tàu chiến mang tên lửa hành trình Kalibr - vũ khí thường được sử dụng để tập kích các mục tiêu ở Ukraine.

Sidharth Kaushal, một nhà nghiên cứu ở Viện RUSI (Anh) nói với Business Insider rằng nỗ lực ngụy trang của Nga nhằm giảm nguy cơ chiến hạm bị xuồng không người lái tấn công.

Xuồng tự sát: Át chủ bài để Ukraine phá thế áp đảo của Nga ở Biển Đen? - 6

Một chiến hạm của Nga được sơn đen 2 đầu (Ảnh: Telegram).

Xuồng không người lái của Ukraine được người vận hành điều khiển từ xa. Chúng di chuyển rất nhanh nên người điều khiển chỉ có rất ít thời gian để chọn mục tiêu.

"Có vẻ như trong trường hợp này, việc ngụy trang nhằm đảm bảo rằng ở khoảng cách rất xa, một cảm biến quang điện chất lượng thấp có thể không phân biệt được con tàu với sự lộn xộn của cảnh vật phía sau", ông giải thích.

Con tàu cũng có thể trông nhỏ hơn nhờ lớp sơn sẫm màu trên mặt nước. Theo chuyên gia trên, đây được xem là một phương pháp chi phí thấp của Nga để giảm mối đe dọa từ thiết bị không người lái.

Hồi tháng 6, Bộ Quốc phòng Anh nhận định Nga đang có những nỗ lực nhằm đảm bảo an ninh cho căn cứ chính của Hạm đội Biển Đen tại Sevastopol, bán đảo Crimea bằng cách gia tăng các cuộc tuần tra hàng hải của lực lượng cá heo được huấn luyện.

London công bố một bức ảnh vệ tinh chụp cảng Sevastopol cho thấy một số vật thể hình chữ nhật nổi trên miệng cảng, giống như luồng nuôi động vật có vú. Tình báo quân đội Anh cho rằng các vật thể này là các lồng Nga dùng để nuôi giống cá heo mũi chai được huấn luyện quân sự nhằm tuần tra bảo vệ quân cảng.

Nga chưa bình luận về thông tin trên. 

Theo Newsweek, Reuters, Asia Times

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine