1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Xung đột Nga - Ukraine có thể đi đến hồi kết trong năm 2024?

Quốc Thủy

(Dân trí) - Giới chuyên gia Ukraine và Nga không kỳ vọng chiến sự tại Ukraine sẽ đi đến hồi kết trong năm 2024, thậm chí, khả năng hai bên khởi động đàm phán hòa bình cũng tương đối thấp.

Xung đột Nga - Ukraine có thể đi đến hồi kết trong năm 2024? - 1

Lính Ukraine chuẩn bị khai hỏa pháo gần Donetsk (Ảnh: Reuters).

Sau gần hai năm xung đột, tình hình chiến sự tại Ukraine dường như đã bước vào giai đoạn bế tắc. Tình hình chiến trường không có thay đổi lớn nào trong nhiều tháng qua, trong khi khả năng một trong hai bên giành được đột phá cũng không mấy rõ ràng.

Trong bối cảnh này, nhiều người đã nghĩ về phương án kết thúc chiến sự thông qua hòa bình. Tuy nhiên, theo cả các chuyên gia Ukraine và chuyên gia Nga, triển vọng hòa bình trong năm 2024 là không cao.

"Theo quan sát của chúng tôi, cả hai bên đều không có "độ chín" để có thể đàm phán", bà Iuliia Osmolovska, người đứng đầu văn phòng Kiev của trung tâm nghiên cứu an ninh châu Âu GLOBSEC, nhận định với Dân trí.

Quan điểm từ Ukraine

Bà Osmolovska chỉ ra trong lý thuyết về đàm phán hòa bình có khái niệm về "độ chín". Theo đó, đàm phán chỉ xảy ra khi các bên không còn khả năng đơn phương thay đổi nguyên trạng bằng bất cứ cách nào. Đồng thời, cả hai đều phải thừa nhận nguyên trạng là kịch bản xấu đối với họ, thúc đẩy các bên cùng nhau giải quyết vấn đề.

"Chúng ta đang không có những điều kiện này. Người Ukraine tự tin rằng chúng tôi có năng lực quân sự để giành chiến thắng", bà nói.

Khảo sát được công bố tháng 10/2022 của Gallup cho thấy có 60% người Ukraine được hỏi cho rằng Kiev nên chiến đấu tới khi giành chiến thắng - giảm so với tỷ lệ 70% năm 2022 - trong khi chỉ có 31% nhận định Kiev nên đàm phán để kết thúc chiến sự sớm nhất có thể. Trong số những người muốn chiến đấu đến cùng, 91% cho rằng "chiến thắng" có nghĩa là khôi phục biên giới trước năm 2014, bao gồm cả bán đảo Crimea.

Bên cạnh đó, theo bà Osmolovska, tinh thần chiến đấu của người Ukraine vẫn sẽ ở mức cao vì họ coi đây là cuộc chiến mang tính tồn vong với dân tộc. Do đó, dù tỷ lệ ủng hộ dành cho giới lãnh đạo chính trị Ukraine - bao gồm Tổng thống Volodymyr Zelensky - có thể sụt giảm nhẹ, điều đó sẽ không ảnh hưởng đến tinh thần của người Ukraine.

"Người dân sẽ không đòi hỏi quá nhiều, ít nhất vào thời điểm này", chuyên gia người Ukraine chia sẻ.

Theo bà Osmolovska, người Nga dường như cũng có quan điểm tương tự, tin rằng họ có thể thắng - hoặc ít nhất đạt được các mục tiêu nhỏ - nếu tiếp tục chiến sự. "Nga cho rằng vị thế của họ đang tốt lên do sự mập mờ trong các khoản viện trợ tài chính và quân sự của Mỹ, EU và các đối tác cho Ukraine", bà nói.

Ngoài ra, các bên cũng đối mặt với rào cản về chính trị và pháp lý. Ông Mark Temnycky, chuyên gia tại Trung tâm Á - Âu, Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ), chỉ ra rằng chính phủ Ukraine từng tuyên bố chỉ khởi động đàm phán hòa bình sau khi Nga đã rút khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine, chứ không phải thời điểm hiện tại.

Theo bà Osmolovska, nếu Tổng thống Zelensky quyết định (đàm phán), ông sẽ phải "dọn đường" dư luận Ukraine trước. Nếu không, chắc chắn dư luận Ukraine sẽ "dậy sóng".

"Ông ấy hiểu rõ điều này. Xã hội (Ukraine) lúc này vẫn chưa sẵn sàng. Tôi có thể khẳng định tình trạng này sẽ kéo dài hết năm 2024", bà chia sẻ.

"Nếu không, một thỏa thuận mang tính cưỡng ép giữa Ukraine và Nga chỉ giúp Nga có thêm thời gian xây dựng lại lực lượng. Cộng đồng quốc tế không thể buộc Ukraine ngồi vào bất cứ cuộc đàm phán hòa bình nào. Không cuộc đàm phán nào có thể diễn ra mà thiếu Ukraine", ông Temnycky nói.

Quan điểm từ Nga

Tương tự các chuyên gia Ukraine, giới chuyên gia Nga cũng cho rằng triển vọng chiến sự kết thúc trong hòa bình trong tương lai gần là tương đối mong manh.

Trong bài viết trên website của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC), bà Alla Levchenko, chuyên gia tại Đại học Quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO), chỉ ra triển vọng hòa bình mong manh, bất chấp một số quốc gia đã đề xuất các sáng kiến, kế hoạch hòa bình,

"Tất cả các bản dự thảo kế hoạch giải quyết xung đột Ukraine được các bên thứ ba đề xuất đều thể hiện thiện chí ngoại giao, thay vì thực sự để xuất cách giải quyết những mâu thuẫn sâu xa giữa các bên", bà Levchenko cho biết.

Theo bà Levchenko, lợi ích của các bên tham gia xung đột trái ngược nhau hoàn toàn, Do đó, các bên thứ ba khó có thể hài hòa những lợi ích này.

Bên cạnh đó, sự thiếu hụt lòng tin cũng ảnh hưởng đến triển vọng đàm phán.

"Các bên tham gia chiến sự đều không tin rằng các điều khoản của hiệp ước hòa bình sẽ thỏa mãn mong muốn của họ. Do đó, họ sẽ tiếp tục chiến đấu", bà nói.

Chuyên gia Nga cho rằng trong bối cảnh hiện nay, khi Kiev giữ lập trường chính thức từ chối đàm phán với Moscow, vẫn có những phát ngôn mạnh mẽ và nhận được vũ khí từ phương Tây, triển vọng đàm phán tương đối mơ hồ.

"Có câu nói: Mọi cuộc chiến đều kết thúc bằng hòa bình. Tôi muốn bổ sung thêm rằng bản thân "công thức hòa bình" đó phụ thuộc vào thế cân bằng lực lượng khi xung đột quân sự kết thúc. Các tham số của đàm phán chủ yếu được quyết định trên chiến trường", bà Levchenko tuyên bố.

Người dân Nga dường như cũng không tin rằng xung đột sẽ sớm chấm dứt. Theo khảo sát của trung tâm thăm dò dư luận Levada (Nga) vào tháng 10/2023, 46% số người Nga được hỏi cho rằng xung đột sẽ kéo dài hơn một năm. 22% không đưa ra nhận định, trong khi chỉ có khoảng 32% cho rằng xung đột sẽ kết thúc trong vòng 12 tháng.

Trong khi đó, 56% số người được hỏi cho rằng Nga nên xúc tiến đàm phán hòa bình với Ukraine. Trong khi đó, 27% cho rằng Nga nên tiếp tục chiến dịch quân sự, trung tâm Levada cho biết.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine