1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vụ sập nhà tại Bangladesh: bắt chủ công ty, 341 người chết

(Dân trí) – Cảnh sát Bangladesh hôm nay đã bắt giữ 2 lãnh đạo của các công ty may đã ép công nhân quay trở lại làm việc trong tòa nhà 8 tầng trước khi vụ sập nhà xảy ra. Trong khi đó số người chết đã tăng lên 341 người, khoảng 900 người còn mất tích.

Trong hôm nay (27/4) các đội cứu hộ tiếp tục cứu sống được thêm 21 người bị mắc kẹt bên dưới đống đổ nát của tòa nhà 8 tầng Rana Plaza. Tuy nhiên các nhân viên cứu hộ cho biết nhiệm vụ đang ngày càng trở nên khó khăn hơn khi những người ở bên dưới giờ đã quá yếu để có thể lên tiếng kêu cứu.

Sau 3 ngày xảyra tai nạn, nhiều nạn nhân vẫn còn mắc kẹt
Sau 3 ngày xảyra tai nạn, nhiều nạn nhân vẫn còn mắc kẹt

Không lâu sau khi Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina khẳng định việc sẽ truy bắt và trừng phạt những người phải chịu trách nhiệm về thảm họa này, cảnh sát đã công bố việc bắt 2 lãnh đạo chủ chốt của các công ty dệt may có công nhân gặp nạn trong tòa nhà.

“Chúng tôi đã bắt giữ Bazlus Samad, chủ tịch của các nhà máy New Wave Buttons và New Wave Style cùng Mahmudur Rahaman Tapash, giám đốc điều hành của một trong những nhà máy trên sau nửa đêm qua”, Shyaml Mukherjee, phó cảnh sát trưởng của thủ đô Dhaka xác nhận với AFP.

Những người này bị truy tố vì tội “để xảy ra chết người do bất cẩn”, ông Mukherjee khẳng định. Trong khi đó chủ của công trình bị sập vẫn đang bị truy lùng. Những nạn nhân sống sót khẳng định tòa nhà đã có những vết nứt trống thấy từ tối thứ Ba nhưng các lãnh đạo của công ty họ vẫn bắt tất cả quay trở lại làm việc vào sáng thứ Tư, và vụ tai nạn đã xảy ra.

Ngoài ra, theo hãng tin AP, cảnh sát cũng đã bắt giữ và thẩm vấn 2 kỹ sư liên quan đến quá trình phê duyệt thiết kế tòa nhà 8 tầng cùng vợ của chủ công trình. Tòa nhà Rana Plaza có tới 3 tầng xây không phép.

Cảnh sát trưởng Dhaka Habibur Rahman cho biết Rana, chủ của tòa nhà Rana Plaza, đã biến mất từ sau khi tòa nhà bị sập. Người này là một chính trị gia, đại diện cho mặt trận thành niên của đảng cầm quyền tại địa phương. Tuy nhiên Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina, chủ tịch của đảng cầm quyền đã ra lệnh bắt Rana.

Hàng trăm người thân của các nạn nhân vẫn đang tụ tập quanh hiện trường để theo dõi lực lượng cứu hộ với hy vọng tìm thấy người thân.

Người đứng đầu cơ quan cứu hỏa Bangladesh Ahmed Ali cho biết các nhân viên cứu hộ đang phải chiến đấu với sự mệt mỏi và mùi xác chết phân hủy nồng nặc ngày càng tăng theo thời gian. “Chúng tôi tin rằng một số người vẫn còn sống. Nhưng họ quá yếu để có thể kêu cứu”, ông Ali cho biết.

Hiện các lực lượng chức năng đang cân nhắc việc sử dụng máy móc để tháo dỡ những tấm bê tông hòng tìm những người bị mắc kẹt sâu bên dưới. Suốt 3 ngày qua, nhân viên cứu hộ chỉ dùng các thiết bị cầm tay như khoan và máy cắt để tháo dỡ bê tông.

Công nhân may lại biểu tình tại Bangladesh sau vụ sập nhà kinh hoàng
Công nhân may lại biểu tình tại Bangladesh sau vụ sập nhà kinh hoàng

Trong ngày hôm nay, không ít người thân nạn nhân sốt ruột sau 3 ngày chờ đợi tin tức bắt đầu tỏ ra giận dữ và chỉ trích lực lượng cứu hộ. “Tôi đã ở đây từ thứ Tư. Chúng tôi vẫn không biết tình hình của dì và chị dâu ra sao”, Harunur Rashid nói.

“Công tác cứu hộ rất chậm chạp. Có quá nhiều người nhưng khối lượng công việc được thực hiện quá ít. Nếu họ đẩy nhanh việc cắt các tấm bê tông, tôi nghĩ họ có thể cứu được nhiều người hơn”, anh Rashid nói tiếp trong khi tay vẫn ôm ảnh người thân.

Người phát ngôn của quân đội Shahinul Islam cho biết, tính tới hôm nay đã có 2419 người còn sống đã được cứu ra khỏi đống đổ nát. Tuy nhiên cảnh sát cho biết vẫn còn khoảng 900 người mất tích.

Trong ngày hôm nay, các cuộc biểu tình của công nhân may tiếp tục diễn ra tại thị trấn Savar và còn lan sang một thành phố khác của nước này là Chittagong. Cảnh sát đã phải dùng đạn cao su và hơi cay để giải tán đám đông. Nhiều công nhân đã ném đá về phía lực lượng chức năng, phong tỏa một số tuyến đường và đốt phá xe cộ.

Hiện toàn bộ các xưởng may tại Dhaka đã bị tạm đóng cửa do lo ngại bạo lực. Các công nhân đang đòi nâng cao an toàn tại nơi làm việc, bắt giữ chủ các công ty và chủ của tòa nhà bị sập.

Thanh Tùng
Theo AFP, AP