1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao Putin chọn Tướng lục quân nắm không quân ở Syria?

Nhiều người chưa hiểu vì sao Tổng thống Putin lại chọn tướng lục quân chỉ huy chiến dịch không kích tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria.

Tướng lục quân chỉ huy chiến dịch không kích ở Syria

Từ khi Moscow bắt đầu triển khai chiến dịch không kích tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria, thông tin về vị tư lệnh chiến trường của Nga được giữ bí mật, trong khi tư lệnh lực lượng Hàng không - Vũ trụ Nga (nguyên là tư lệnh không quân) Viktor Bondarev vẫn ở Nga.

Khi trang tin Debka của Israel hôm 10-1 đăng bài viết nói về quyết định bổ nhiệm Tư lệnh Nga ở chiến trường Syria của Tổng thống Putin, thông tin về vị tướng Nga chỉ huy chiến dịch không kích IS mới được tiết lộ: Đó chính là Thượng tướng Alexander Dvornikov.

Tháng 8-2015, vài tuần trước thềm chiến dịch can thiệp quân sự của Nga tại Syria, Tổng thống Vladimir Putin đã đưa ra một quyết định đầy bất ngờ khi giao trọng trách này cho Thượng tướng Alexander Dvornikov - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu Trung tâm.

Theo tài liệu tình báo do trang tin tức quân sự Israel thu thập được, các quan chức quốc phòng và tướng lĩnh cấp cao của quân đội Nga đã có những cuộc tranh cãi nảy lửa về việc ai sẽ được giao trọng trách lãnh đạo các lực lượng quân đội Nga tham chiến tại Syria và Iraq.

Đa phần các ý kiến đề cử một tướng không quân dày dạn kinh nghiệm, vì chiến dịch của Nga tại Syria sẽ chủ yếu xoay quanh các đợt không kích. Trong đó, Thượng tướng Viktor Bondarev, Tư lệnh lực lượng Hàng không - Vũ trụ Nga (VKO), được coi là ứng cử viên sáng giá nhất.

Tuy nhiên, ông Putin đã khiến tất cả giới tướng lĩnh quân sự và chính khách Nga "ngã ngửa" khi chọn tướng lục quân Dvornikov. Theo Tổng thống Nga, năng lực ngoại giao và nhãn quan của một tư lệnh chiến trường lục quân sẽ đóng vai trò quyết định đến thắng lợi của Nga ở Syria.

Vì sao Putin chọn Tướng lục quân nắm không quân ở Syria? - 1

Việc tướng Alexander Dvornikov được chọn là điều hết sức bất ngờ với nhiều người

Ông Putin đã từng gặp tướng Dvornikov tại Berlin khi ông là một Trung tá, Cố vấn quân sự của KGB phái đến STASI, cơ quan tình báo của Đông Đức, ở Dresden - thành phố lớn thứ 3 của Cộng hòa Dân chủ Đức, trong những ngày tháng cuối cùng của Liên Xô và khối Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu.

Khi đó, ông Dvornikov mới tốt nghiệp Học viện quân sự M.V Frunze, sau đó được bổ nhiệm làm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn bộ binh cơ giới đóng tại Đông Đức vào khoảng thời gian năm 1990.

Chưa rõ cuộc gặp ở Đức có ảnh hưởng gì đến quyết định trọng đại của ông Putin tại Moscow hơn 20 năm sau, chỉ biết rằng Tổng thống Nga đã quyết định chọn Thượng tướng lục quân Nga Alexander Dvornikov, vì ông cho là đó là yếu tố quyết định thắng lợi của Nga ở Syria.

Vì sao lại là tướng chỉ huy lục quân mà không phải là không quân?

Hiện chỉ huy chiến trường về phía Syria là Tổng tham mưu trưởng quân đội nước này - Đại tướng Ali Abdullah Ayyoub, về phía Iran là Đại tướng chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Key Parvar, và Thủ lĩnh lực lượng Hezbollah của Lebanon tại Syria là ông Mostafa Bader el-Din.

Tại trung tâm chỉ huy, tướng tư lệnh Nga hàng ngày sẽ bàn bạc kế hoạch tác chiến cùng 3 chỉ huy quân sự trên cùng với một thành viên đặc biệt là “Vị tướng trong bóng tối” - Tư lệnh lực lượng vũ trang Iran tại Syria và Iraq là tướng Qassem Soleimani.

Do đó, nếu xét về chức vụ và chức năng nhiệm vụ thì Tư lệnh lực lượng Hàng không - Vũ trụ Nga Viktor Bondarev là tương xứng hơn so với Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu Trung tâm. Vậy tại sao tướng lục quân Alexander Dvornikov lại được chọn?

Vì sao Putin chọn Tướng lục quân nắm không quân ở Syria? - 2

Thượng tướng Alexander Dvornikov - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu Trung tâm.

Nga muốn chỉ huy toàn bộ hoạt động tác chiến ở Syria

Nguyên nhân cốt lõi của vấn đề nằm ở chỗ, Nga muốn chỉ huy toàn bộ các hoạt động tác chiến trên chiến trường Syria chứ không đơn thuần làm nhiệm vụ phối hợp, hỗ trợ không kích cho các lực lượng mặt đất.

Hiện Nga, Syria, Iran, Iraq đã xây dựng một Trung tâm chia sẻ thông tin tình báo ở Syria và Iraq. Tuy nhiên, về bản chất chúng là những Trung tâm chỉ huy chiến trường tối cao ở các nước. Hai trung tâm chỉ huy của Nga đặt tại Damascus và Baghdad luôn giữ vững liên lạc với nhau.

Được biết, hiện có 4 lực lượng chính đang sát cánh với chính quyền Damascus, bao gồm quân chính phủ nước này, lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, lực lượng Hezbollah của Lebanon và một số nhóm vũ trang của người Hồi giáo dòng Shia ủng hộ chính quyền Assad.

Cái ghế chỉ huy chung các lực lượng này đương nhiên phải do Nga nắm giữ bởi Moscow muốn chỉ huy mọi hoạt động quân sự trên lãnh thổ Syria. Nếu ông Bondarev làm Tư lệnh có lẽ nhiệm vụ của Nga chỉ là phối hợp, yểm trợ hỏa lực.

Nhiệm vụ của Nga khi can thiệp vào Syria là giúp lực lượng ủng hộ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad giành lại thế chủ động trên chiến trường, củng cố những khu vực giải phóng và tái chiếm nhiều vùng đất mới, nhằm giành quyền chủ động trên bàn đàm phán.

Tuy nhiên, nhiệm vụ này chỉ có thể được hoàn thành nếu Nga là người chỉ huy, thống nhất tất cả các lực lượng vũ trang ủng hộ Syria về một mối. Đó là lí do khiến ông Dvornikov hiện diện ở Syria chứ không phải là ông Bondarev.

Chỉ tướng lục quân mới có khả năng chỉ huy chiến trường phức tạp như Syria

Hiện các lực lượng tham chiến ở Syria bao gồm 3 nhóm quân sự chính là: lực lượng vũ trang ủng hộ chính quyền Assad, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS và các nhóm phiến quân đối lập chống chính quyền Damascus (bao gồm cả nhóm Mặt trận al-Nusra thuộc al-Qaeda).

Trong đó, lực lượng ủng hộ chính quyền Assad là yếu thế nhất bởi họ phải chống cả 2 đối thủ rất mạnh là khủng bố IS và phiến quân đối lập, được sự hậu thuẫn về tài chính và vũ khí, trang bị từ Mỹ và các nước Ả Rập dòng Sunni xung quanh, nên liên tiếp bị thất bại.

Syria có thể coi là chiến trường phức tạp nhất trên thế giới, với sự tham gia của nhiều nhóm vũ trang khác nhau, chiếm đóng những vùng lãnh thổ khác nhau, đánh lộn lẫn nhau, hình thành những khu vực kiểm soát cài răng lược, gây nhiều khó khăn cho hoạt động tác chiến.

Mỗi khi quân đội Syria tổ chức một chiến dịch truy quét phiến quân thì lại bị IS tấn công và ngược lại, hoặc cùng lúc họ bị các đòn tiến công hợp vây từ cả khủng bố lẫn phiến quân. Sự tăng cường hỏa lực không kích chỉ có ý nghĩa chi viện hỏa lực, không phải yếu tố quyết định trên mặt đất.

Vì sao Putin chọn Tướng lục quân nắm không quân ở Syria? - 3

Syria là một chiến trường cực kỳ phức tạp, đòi hỏi tướng chỉ huy chiến trường rất giỏi

Với nhãn quan chiến trường xuất sắc của một tướng lục quân, ông Dvornikov sẽ biết phải ưu tiên không kích vào những địa điểm nào để xoay chuyển cục diện chiến trường, khu vực nào là trọng điểm oanh tạc để cắt đứt các tuyến đường dẫn dầu, tiếp viện binh lực, các điểm trú quân…

Tướng Dvornikov có kinh nghiệm chỉ huy tác chiến

Tướng Dvornikov được giao trọng trách vô cùng to lớn, với áp lực phải đưa ra những quyết định quan trọng không chỉ trong tác chiến mà còn cả về mặt ngoại giao, để bảo vệ lợi ích quốc gia của Nga trong môi trường chính trị cực kì nhạy cảm ở Trung Đông.

Tướng Dvornikov từng có kinh nghiệm chỉ huy thực chiến khi giữ cương vị Tham mưu trưởng kiêm Tư lệnh bộ binh cơ giới trong cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo tại Bắc Caucasus (2000-2003). Đây sẽ là những kinh nghiệm thực chiến quý báu giúp đỡ ông trên chiến trường Syria.

Tướng Dvornikov đã trực tiếp chỉ huy nhiều đơn vị chiến đấu của lục quân như Tham mưu trưởng, Sư đoàn trưởng tại Severo, thuộc quân khu Caucasus; Phó Tư lệnh, rồi Tư lệnh quân khu Siberia; Phó Tư lệnh Quân khu Viễn Đông; Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu Trung tâm.

Việc xây dựng một kế hoạch tác chiến rõ ràng, xác địch các hướng ưu tiên, những nhiệm vụ chủ đạo là điều mà ông Dvornikov nắm rất rõ, cùng với đó, một lãnh đạo cấp Quân khu như ông cũng hoàn toàn có khả năng điều hành các hoạt động của không quân.

Có lẽ cũng chính vì Syria là chiến trường khó khăn đến vậy nên ông Putin mới chọn tướng Dvornikov, một Thượng tướng lục quân dày dạn kinh nghiệm để lãnh đạo lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga trong chiến dịch quân sự ở Syria.

Vì sao Putin chọn Tướng lục quân nắm không quân ở Syria? - 4

Tướng Dvornikov còn phải giải quyết tốt các vấn đề nội bộ với Iran và Hezbollah

Tướng Dvornikov còn phải có khả năng ngoại giao tốt

Tướng Dvornikov còn phải thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh ông vừa phải hợp tác quân sự với Iran và Hezbollah, nhưng mặt khác lại phải tôn trọng những thỏa thuận mà Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã cam kết với nhau.

Ngoài chống “giặc ngoài”, nội bộ trong liên minh ủng hộ Syria cũng không phải lúc nào cũng thống nhất và không phát sinh vấn đề. Mà đó là những vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến chiến lược ngoại giao của Nga với các đồng minh Trung Đông và Iran.

Ví dụ như vụ Iran từ chối tiếp ông Dvornikov tại trung tâm chỉ huy Iran tại Damascus, khi ông tới chia buồn về cái chết thủ lĩnh cấp cao Samir Quntar của Hezbollah Lebanon, bị Israel không kích thiệt mạng, tại một địa điểm bí mật ở ngoại ô Damascus vào ngày 20-12 vừa qua.

Vụ ám sát này đã gây rất nhiều sóng gió trong quan hệ giữa Moscow với Tehran và Hezbollah, bởi Iran cho rằng Nga đã làm ngơ cho máy bay Israel tự do ám sát lãnh đạo cao cấp của Hezbollah ngay tại thủ đô Damascus.

Điều này đã cho thấy rằng, tướng Tư lệnh Nga ở Syria không hề là một nhiệm vụ dễ dàng bởi nó không chỉ là chỉ huy hoạt động không kích đơn thuần mà nó còn bao gồm cả hoạt động chính trị, ngoại giao và chỉ huy hoạt động quân sự tổng hợp.

Theo Thiên Nam

Đất Việt