1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao nhiều người miễn nhiễm Covid-19?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia lý giải nguyên nhân vì sao có những người mắc đi mắc lại Covid-19, nhưng lại có những người chưa từng mắc bệnh dù đã phơi nhiễm với SARS-CoV-2.

Vì sao nhiều người miễn nhiễm Covid-19? - 1

Nghiên cứu về khả năng miễn dịch tự nhiên của con người trước SARS-CoV-2 có thể giúp ích cho việc điều chế vaccine diệt mọi biến chủng virus (Ảnh minh họa: Reuters).

Tuần trước, lãnh đạo Công đảng Anh Keir Starmer mắc Covid-19 lần thứ 2 chỉ trong 2 tháng. Khoảng 4 tuần trước đó, ông này đã tiêm mũi vaccine tăng cường. Đây là lần thứ 6, ông Starmer đã phải tự cách ly kể từ đầu dịch tới nay. Tại Anh, một số người cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Tuy nhiên, Anh cũng ghi nhận một số trường hợp như Sarah, người vào tháng 10 năm ngoái nghĩ rằng cô chắc chắn đã nhiễm SARS-CoV-2. Tuy nhiên, nữ giáo viên 25 tuổi vẫn âm tính và trong khi các đồng nghiệp của cô tại một trường tiểu học ở London lần lượt mắc bệnh và Sarah đã tiếp xúc gần với nhiều trường hợp.

Hai tháng sau, 2/3 người ở cùng nhà với cô mắc Covid-19. Sau đó, chủng Omicron lây lan khắp London và mỗi khi cô kiểm tra mạng xã hội, cô đều đọc được các thông báo bạn bè của mình mắc bệnh. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm của Sarah vẫn nhiều lần trả về âm tính.

Đó là những câu hỏi mà nhiều người thắc mắc. "Vì sao có người mắc Covid-19 tới 2 lần dù đã tiêm chủng đủ liều?". "Bằng cách nào mà hàng xóm của tôi - người mà cả tháng qua đã tiếp xúc với mầm bệnh - mà vẫn không bị nhiễm?". Vì sao một số người mắc đi mắc lại mầm bệnh trong khi một số người dường như "miễn nhiễm" với virus? Đó là vận may, gen hay yếu tố nào đã tác động tới điều này?

Trên thực tế, Sarah không phải là trường hợp duy nhất dường như không bị tác động bởi Covid-19. Nhiều người khác dù đã phơi nhiễm với mầm bệnh nhưng họ tới nay vẫn chưa bị mắc Covid-19.

Khả năng miễn dịch khác biệt

Telegraph cho biết, một số nhà khoa học ở Brazil và Anh hiện đang nghiên cứu giả thuyết rằng một số người có thể có miễn dịch tự nhiên với mầm bệnh. Nếu các mẫu máu và tế bào của họ được nghiên cứu kỹ lưỡng, điều đó có thể giúp các nhà dịch tễ học hiểu sâu hơn nữa về bản chất miễn dịch chống lại Covid-19 và có thể giúp tạo ra một loại vaccine "toàn năng" có thể chống lại mọi biến chủng trong tương lai.

Các chuyên gia cho rằng khả năng miễn dịch của mỗi người là khác nhau và có nhiều yếu tố tác động tới điều này. Ví dụ, các nhà khoa học tại Đại học Oxford và Đại học Hoàng gia London đang thực hiện một nghiên cứu, trong đó các tình nguyện viên bị cố tình cho phơi nhiễm với mầm bệnh. Họ sau đó được cách ly và theo dõi trong 2 tuần.

Toàn bộ các tình nguyện viên đều có số mũi tiêm vaccine như nhau và cùng phơi nhiễm với một số lượng virus như nhau. Các nhà khoa học nhận định rằng, các tình nguyện viên sẽ cho ra phản ứng miễn dịch khác nhau, một số sẽ kích hoạt kháng thể và tế bào T (chuyên tiêu diệt tế bào nhiễm virus trong cơ thể người), một số người thì không.

Trước đó, chuyên gia tại Đại học Hoàng gia London đã huy động một nhóm nhân viên y tế đều được cho đã phơi nhiễm với SARS-CoV-2 trong quá trình làm việc. Kết thúc thử nghiệm, 20% người tham gia có dấu hiệu mắc bệnh rất rõ ràng, trong khi 65% không nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, điểm đặc biệt nằm ở nhóm 15% còn lại. Những người thuộc nhóm này dường như trải qua một quá trình "ngăn chặn nhiễm virus" đặc biệt. Họ không có kháng thể trong máu nhưng có số lượng tế bào T lớn hơn mức trung bình. Tế bào T được xem là "vệ sĩ" của cơ thể đã tiêu diệt virus trước khi nó kịp lây lan. Nghiên cứu này làm dấy lên một giả thuyết rằng, có những người đã biết cách miễn dịch tự nhiên với Covid-19 ngay khi đại dịch còn chưa diễn ra.

"Họ không hoàn toàn chống lại được việc lây nhiễm, nhưng họ loại bỏ mầm bệnh rất nhanh tới mức các xét nghiệm tiêu chuẩn cũng không thể phát hiện ra dấu vết của mầm bệnh", Mala Maini, chuyên gia miễn dịch học tại Hoàng gia Đại học London, nhận định.

Miễn dịch tự nhiên từ đâu mà có?

Một số chuyên gia cho rằng kết quả nghiên cứu nói trên là có sức thuyết phục, nhưng câu hỏi đặt ra là nguyên nhân nào dẫn tới khả năng miễn dịch với mầm bệnh ở một số người.

Một giả thuyết được xem là khả thi nhất chính là hệ miễn dịch của những người trên đã từng "chạm trán" với virus tương tự nhiều năm trước. SARS-CoV-2 thực chất là một trong bảy virus corona ở người, hầu hết trong số chúng chỉ gây ra cảm lạnh thông thường. Các virus này có cấu tạo khá giống nhau. Các chuyên gia cho rằng, khi tế bào T của cơ thể đã biết cách chống lại một virus corona, nó có thể nâng cao khả năng chống lại toàn bộ, bao gồm cả SARS-CoV-2.

Ngoài ra, một giả thuyết khác được đưa ra chính là nằm ở bộ gen con người: Một số người có thể được sinh ra đã miễn dịch với các virus nhất định.

Một nghiên cứu thực hiện năm 2008 ở Kenya cho thấy, một nhóm người hành nghề mại dâm chưa bao giờ nhiễm HIV dù họ quan hệ tình dục không có biện pháp bảo vệ với rất nhiều người mang mầm bệnh trước đó. Các nhà virus học phát hiện ra, tế bào trong cơ thể họ thiếu một thụ thể quan trọng - thụ thể mà virus HIV thường dùng để bám vào và xâm nhập vào tế bào cơ thể người.

 "Các nghiên cứu đang được tiến hành nhằm xem một cơ chế tương tự có xảy ra ở nhóm người miễn nhiễm với Covid-19 hay không, nhưng vẫn chưa có bằng chứng cụ thể cho giả thuyết này", giáo sư Maini nhấn mạnh.  

Tại đại học São Paulo, Brazil, các nhà nghiên cứu đang tiến hành xem xét 100 cặp đôi đang sống thử. Trong mỗi cặp, một trong hai người có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 trong khi người kia có kết quả âm tính. Tất cả 200 người sẽ được phân tích ADN để tìm kiếm sự khác biệt về gen.

Nếu kết quả cho thấy một số người có khả năng miễn dịch tự nhiên với Covid-19, đó sẽ là một tin tốt. Nhưng nó cũng có thể giúp cho thế giới để các nhà khoa học tìm ra cơ chế cho vaccine diệt được mọi biến chủng. Vaccine hiện tại được điều chế để tiêu diệt protein gai nằm bên ngoài virus, nhưng bộ phận này thay đổi thường xuyên khi virus đột biến. Điều đó có nghĩa là, vaccine có thể kém hiệu quả hơn với biến chủng mới.

Tuy nhiên, cơ chế của miễn dịch tự nhiên lại khác. Tế bào T thay vì tấn công phần gai protein, nó lại nhằm mục tiêu vào protein ở trung tâm virus - bộ phận ít có khả năng thay đổi trong các lần mầm bệnh đột biến. Nếu vaccine thế hệ mới có thể được điều chế để tấn công thẳng vào phần trung tâm này, nó sẽ được xem là bước đột phá cho thế giới nhằm kết thúc đại dịch.

Theo www.telegraph.co.uk