1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Ukraine vất vả với tối hậu thư Mỹ về miền Đông

Thủ lĩnh Donetsk cáo buộc Kiev âm mưu ám sát các thành viên cấp cao của lực lượng ly khai, khi mới đây Mỹ yêu cầu Ukraine trao "quy chế đặc biệt" cho miền Đông.

Ngày 29/4, Thủ lĩnh lực lượng ly khai Donetsk tự xưng ở miền Đông Ukraine, Aleksander Zakharchenko đã cáo buộc chính quyền Kiev lên kế hoạch ám sát ông trước thỏa thuận ngừng bắn hoàn toàn bắt đầu từ nửa đêm 30/4, nhân dịp lễ Phục sinh và ngày Quốc tế lao động 1/5.

Theo ông Zakharchenko, một số thành viên của Cơ quan An ninh Quốc gia (SBU) Ukraine đã bị bắt giữ hôm 28/4 vì bị tình nghi âm mưu sát hại các thành viên cấp cao của lực lượng ly khai.

Thủ lĩnh Donetsk Aleksander Zakharchenko.
Thủ lĩnh Donetsk Aleksander Zakharchenko.

"Chúng tôi nhận được thông tin rằng các vụ ám sát đang được lên kế hoạch nhằm vào một số nhân vật cấp cao, trong đó có tôi. Chúng tôi đã bắt giữ một số đối tượng và thu giữ một thiết bị nổ. Chúng dự định đánh bom tôi cùng với đoàn xe môtô hộ tống vào ngày Phục sinh Chủ nhật (1/5)", ông Zakharchenko trả lời báo giới.

Quân đội Ukraine sau đó tuyên bố những cáo buộc trên chỉ là thông tin giả để che giấu xung đột nội bộ đang diễn ra trong hàng ngũ chỉ huy của lực lượng ly khai.

Những cáo buộc trên đưa ra vào những ngày cuối cùng trước khi thỏa thuận ngừng bắn hoàn toàn ở Donbass được ban bố. Nhóm tiếp xúc về Ukraine do Đặc phái viên của Chủ tịch Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) Martin Saidic đã tuyên bố mốc sự kiện này.

Ông Saidic nhấn mạnh thỏa thuận này là một bước tiến quan trọng và bày tỏ hy vọng lệnh ngừng bắn sẽ mang tính lâu dài. Ông cho biết nếu lệnh ngừng bắn được tuân thủ từ nửa đêm 30/4, các bên sẽ tiến hành các cuộc tham vấn ngay sau đó.

Đây đã là thỏa thuận ngừng bắn hoàn toàn thứ 8 kể từ mùa Thu năm 2014. Cuộc nội chiến ở miền Đông Ukraine đã làm 9.333 người chết và 21.396 người bị thương kể từ đầu nội chiến Ukraine vào tháng 4/2014, theo Trợ lý Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị Tayé-Brook Zerihoun.

Báo cáo lên Hội đồng Bảo an LHQ, ông Zerihoun lấy làm tiếc vì giao tranh leo thang ở Ukraine. Ông ghi nhận báo cáo cho biết các cuộc giao tranh xảy ra hằng ngày và tăng mức độ dần trong những tuần qua, thậm chí những tháng qua, lên đến mức khốc liệt chưa từng thấy kể từ giai đoạn căng thẳng nhất trong nội chiến vào tháng 8/2014.

Mỹ ra "tối hậu thư" với Ukraine

Thông tin mới nhất từ việc Mỹ can thiệp vào tình hình ở miền Đông Ukraine rằng: nghiêm túc thực hiện thỏa thuận Minsk và trao "quy chế đặc biệt" ở Donbass.

Mới đây, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland đã đến Ukraine và đưa ra “tối hậu thư” đối với chính quyền Kiev. Đương nhiên nội dung của bức thư mật sẽ được giữ kín nhưng theo Nghị sỹ Victoria Voitsitskaya thuộc đảng Tự cứu mình, phía Mỹ đã ép Ukraine tiến hành thay đổi Hiến pháp theo hướng trao “quy chế đặc biệt” cho các vùng lãnh thổ đòi tự trị ở tỉnh Donetsk và Lugansk, tổ chức bầu cử địa phương ở hai vùng lãnh thổ này và đảm bảo sẽ ân xá cho các tù binh quân sự.

Thỏa thuận Minsk cần phải được thực hiện trước thời điểm cuối năm 2016, không thể có sự lựa chọn nào khác. Đây rõ ràng là một lựa chọn "khó nhằn" cho Ukraine.

"Nếu như Ukraine thể hiện thái độ tốt trong việc thực hiện Thỏa thuận Minsk và thông qua luật bầu cử vào tháng 5/2016 thì đến tháng 6/2016, các lệnh cấm vận chống Nga có thể được kéo dài thêm 9 tháng nữa, tức là tới tháng 1/2017.

Trong khi đó, các cuộc bầu cử ở Donbass sẽ được tổ chức vào tháng 7/2016 nhưng hiện chưa có bên nào rút các loại vũ khí hạng nặng khỏi khu vực đang bố trí”- Victoria Voitsitskaya tiết lộ.

Tổng thống Ukraine Poroshenko và Tổng thống Mỹ Obama.
Tổng thống Ukraine Poroshenko và Tổng thống Mỹ Obama.

Nghị sỹ Ukraine cũng tỏ ra bực tức vì khả năng Ukraine chỉ có thể giành lại quyền kiểm soát biên giới sau khi thông qua đạo luật về bầu cử ở Donbass khi tuyên bố.

“Việc trao “quy chế đặc biệt” cho các vùng bị chiếm đóng ở Donbass và tiến hành bầu cử ở khu vực này thực sự là một sự quy hàng”, nữ nghị sỹ Ukraine nói.

Sau đó, bà Nuland đã phải lên tiếng tuyên bố rằng những phát ngôn của Victoria Voitsitskaya “hoàn toàn không chính xác”.

“Mỹ không đưa ra bất cứ thời hạn cụ thể nào liên quan đến việc tổ chức bầu cử” và “chúng tôi đã nói rõ ràng rằng để thực hiện các yêu cầu trong quá trình tổ chức bầu cử, điều cần thiết là phải đảm bảo các điều kiện an ninh cho bầu cử và lực lượng OSCE (Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu) được quyền tiếp cận khu vực bầu cử”, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói.

Giới phân tích Nga bình luận trên tờ "Quan điểm" cho rằng, việc Mỹ ép Ukraine phải thực hiện các nội dung trong Thỏa thuận Minsk dường như là động thái để lấy cớ cho rằng Thỏa thuận Minsk đang được thực hiện.

Mỹ hoàn toàn không quan tâm đến việc Ukraine có giành lại được quyền kiểm soát biên giới với Nga hay không vì Mỹ hiểu rằng sẽ không thể giúp Ukraine lấy lại Donbass.

Điều quan trọng hiện nay đối với Washington là giành quyền kiểm soát đối với phần còn lại của Ukraine và dùng Ukraine để làm cái cớ cho các vấn đề ở châu Âu và Nga.

Hiện Châu Âu đang muốn dỡ bỏ các lệnh cấm vận kinh tế Nga và không hài lòng với những điều đang xảy ra ở Ukraine. Để dỡ bỏ cấm vận Nga, tình hình Ukraine phải có tiến triển chứ không chỉ là việc Ukraine "chây lỳ" đã ký nhưng vẫn không thực hiện thỏa thuận Minsk.

Mỹ sẽ không thể liên tục gây sức ép lên châu Âu nhằm kéo dài các lệnh cấm vận. Do đó, Mỹ cần phải chứng minh cho châu Âu thấy rằng họ vẫn đang gây áp lực và buộc Kiev phải thực hiện nghiêm Thỏa thuận Minsk.

Tới tháng 6/2016, nếu Kiev tiếp tục trì hoãn thực hiện thỏa thuận Minsk, các lệnh cấm vận chống Nga sẽ được mang ra bàn thảo và EU khó có thể đáng ứng được yêu sách của Mỹ.

Trong khi đó, nếu trao quy chế đặc biệt cho miền Đông, điều luật về Donbass được Kiev thông qua trong tháng 5/2016 thì Mỹ sẽ có cớ để yêu cầu kéo dài các lệnh cấm vận.

Khi Kiev thực hiện động thái của Mỹ, áp lực khi đó sẽ được đẩy sang phía Moscow để buộc Mosow thực hiện bước đi của mình (tổ chức bầu cử Donbass dưới sự kiểm soát của OSCE).

Xét về khía cạnh địa chính trị, việc giảm căng thẳng với Nga là điều cần thiết đối với cả Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, đối với giới lãnh đạo Ukraine, điều này lại là “thảm họa”.

Ukraine sẽ phải rất vất vả với các yêu cầu của Mỹ.
Ukraine sẽ phải rất vất vả với các yêu cầu của Mỹ.

Việc thông qua đạo luật về “quy chế đặc biệt” cho Donbass có thể sẽ là “tự sát chính trị” đối với giới lãnh đạo Ukraine vì khi đó, tình hình Ukraine sẽ trở nên khó kiểm soát hơn.

Cả Tổng thống Poroshenko và giới lãnh đạo Ukraine đều sẽ không thể tìm được lối thoát để giải quyết tình hình. Tuy nhiên, nhiều khả năng Ukraine vẫn phải “nhắm mắt” để chiều theo ý của Mỹ.

Thời gian tới, Quốc hội Ukraine sẽ phải họp để bỏ phiếu thông qua các nội dung theo “tối hậu thư” của Mỹ.

Theo bà Nuland, nếu kết quả bỏ phiếu ở Quốc hội Ukraine không thuận lợi thì sau đó, Ngoại trưởng John Kerry sẽ đến Ukraine và nếu như thế vẫn chưa đủ để gây áp lực, đích thân Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ trực tiếp đến Ukraine để giải quyết tình hình.

Theo Huy Vũ (Tổng hợp)

Đất Việt