1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine tính kêu gọi tước tư cách thành viên Hội đồng Bảo an của Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ukraine đang lên kế hoạch nhằm kêu gọi tước bỏ tư cách thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc của Nga sau chiến dịch quân sự kéo dài 10 tháng qua.

Ukraine tính kêu gọi tước tư cách thành viên Hội đồng Bảo an của Nga - 1

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba (Ảnh: Reuters).

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba ngày 26/12 thông báo, nước này sẽ kêu gọi loại tư cách thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc của Nga.

"Ngày mai, chúng tôi sẽ chính thức thể hiện quan điểm. Chúng tôi có một câu hỏi đơn giản: Liệu Nga có quyền duy trì tư cách thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và ở lại Liên hợp quốc hay không? Chúng tôi có một câu trả lời rất thuyết phục và hợp lý: Không, họ không có", ông Kuleba cho biết.

Theo quan chức trên, câu hỏi về chiếc ghế thường trực có quyền phủ quyết của Nga trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã được thảo luận trong giới ngoại giao thời gian qua.

"Những vấn đề này chưa được thảo luận tại các cuộc họp báo và trong các tuyên bố công khai của các nhà lãnh đạo của các quốc gia và chính phủ, nhưng ở cấp độ thấp hơn, mọi người đã đặt câu hỏi rằng liệu Nga nên trở thành như thế nào để không gây ra mối đe dọa cho hòa bình và an ninh," ông nói.

Nga chưa lên tiếng bình luận về tuyên bố của ông Kuleba.

Hội đồng Bảo an bao gồm 15 thành viên được giao nhiệm vụ giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu bằng cách ban hành các biện pháp trừng phạt, cho phép hành động quân sự và phê duyệt các thay đổi đối với hiến chương Liên Hợp Quốc.

Cả 5 thành viên thường trực - bao gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc - đều mang quyền phủ quyết có thể ngăn chặn bất kỳ nghị quyết nào. 

Các quốc gia từ lâu đã kêu gọi cải cách Hội đồng Bảo an, trong đó một số chỉ trích việc thiếu đại diện cho các ghế thường trực của các nước châu Phi và Mỹ Latinh.

Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 9 cho biết, ông ủng hộ việc mở rộng Hội đồng Bảo an và để cơ quan này "trở nên toàn diện hơn".

Đây không phải lần đầu phía Ukraine kêu gọi tước tư cách thành viên thường trực của Nga trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hồi tháng 6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng cho rằng Nga không nên giữ ghế trong hội đồng.

Sau đó, Phó đại diện thường trực của phái đoàn Nga tại Liên hợp quốc Dmitry Polyansky cho rằng tuyên bố rằng, kịch bản này chỉ có thể xảy ra nếu Liên hợp quốc tan rã và một tổ chức khác được thành lập nên.

Gần 10 tháng kể từ khi xung đột nổ ra, cả Nga và Ukraine đều tuyên bố vẫn sẵn sàng hòa đàm, song các bên đều đưa ra những điều kiện nhất định khiến triển vọng đàm phán mờ mịt.

Tại hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tháng 11, Tổng thống Zelensky đã nêu công thức hòa bình gồm 10 điểm nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine. Các đề xuất bao gồm đảm bảo an ninh hạt nhân, phóng xạ; an ninh lương thực, năng lượng; thả toàn bộ tù binh; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine và trật tự thế giới; Nga phải rút quân và ngừng các hành động thù địch, tránh leo thang căng thẳng và bồi thường thiệt hại chiến tranh.

Mặc dù phát tín hiệu sẵn sàng đàm phán, song Tổng thống Zelensky nhấn mạnh Ukraine sẽ "không thỏa hiệp về độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" để có được hòa bình. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng, các đề xuất hòa đàm mà Ukraine đưa ra là "phi thực tế và không đầy đủ". 

Theo AFP
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine