1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine tìm cách gia tăng "áp lực vô hình" lên Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới quan sát nhận định Ukraine đang tìm cách gia tăng áp lực lên Nga thông qua việc lôi kéo thêm sự ủng hộ từ các nước vẫn đứng bên lề cuộc xung đột.

Ukraine tìm cách gia tăng áp lực vô hình lên Nga - 1

Chiến sự Nga - Ukraine vẫn đang diễn ra quyết liệt (Ảnh: Reuters).

Theo Reuters, Ukraine sẽ thực hiện một nỗ lực mới vào cuối tuần này tại hội nghị hòa bình ở Ả Rập Saudi nhằm mục tiêu giành được sự ủng hộ của hàng chục quốc gia vẫn đứng bên lề cuộc xung đột.

Theo giới quan sát, Ukraine dường như hướng tới một chiến dịch quy mô lớn hơn trong những tháng tới nhằm tăng cường sức mạnh ngoại giao để gây áp lực lên Nga.

Ukraine và Ả Rập Xê Út đã mời các nhà ngoại giao từ 40 quốc gia tới tham gia cuộc hợp ở thành phố Jeddah tại Biển Đỏ.

Đáng chú ý trong số đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi và một số quốc gia vùng Vịnh đã cố gắng duy trì mối quan hệ với cả Ukraine và Nga kể cả khi 2 nước bắt đầu bùng phát xung đột vào tháng 2/2022.

Nhiều quốc gia được mời trước đó đã nhiều lần từ chối chọn bên giữa Nga và Ukraine, cho rằng xung đột gần 18 tháng qua bản chất là cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc mà họ không muốn tham gia vào.

Cuộc họp là điểm khởi đầu của những gì được cho là một chiến dịch ngoại giao lớn của Ukraine trong những tháng tới nhằm gia tăng áp lực lên Nga.

Vào giữa tuần, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã triệu tập các đại sứ cho một cuộc họp chiến lược khẩn cấp về cách Kiev phát đi thông điệp ra thế giới.

Ông nói với các đại sứ rằng họ phải sử dụng mọi công cụ có sẵn, cả chính thức và không chính thức, để thuyết phục cả các đồng minh và các quốc gia trung lập rằng con đường duy nhất để đạt được một nền hòa bình lâu dài cho Ukraine là chiến dịch quân sự của Nga không thành công.

Phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9 sẽ mang đến một cơ hội khác cho Ukraine để đưa ra quan điểm của nước này.

Ukraine cũng đang lên kế hoạch tổ chức một hội nghị thượng đỉnh vào cuối mùa thu để củng cố sự ủng hộ cho công thức hòa bình 10 điểm với hy vọng rằng nó sẽ tạo thành xương sống cho bất kỳ giải pháp nào trong tương lai.

Đối với Ukraine, cuộc họp diễn ra vào một thời điểm quan trọng. Khi những trận chiến dữ dội nổ ra khắp chiến tuyến, ông Zelensky nói với các nhà ngoại giao rằng mọi thứ sẽ còn trở nên khó khăn hơn khi áp lực có thể gia tăng trong những tháng tới để tìm ra con đường đàm phán dẫn đến hòa bình.

Các quan chức cấp cao của Ukraine cho biết việc lựa chọn Ả rập Xê út làm chủ nhà cho cuộc họp tuần này không phải là ngẫu nhiên.

Giống như nhiều quốc gia ở Trung Đông, Ả Rập Xê Út đã có cách tiếp cận thận trọng trong cuộc xung đột, khi vẫn viện trợ tài chính cho Ukraine và đồng thời xây dựng mối quan hệ với Nga.

Trung Quốc, nước đã không tham gia một cuộc họp tương tự vào tháng 6 tại Copenhagen, Đan Mạch, cho biết họ sẽ tham dự cuộc họp ở Ả rập Xê út, diễn biến có thể phản ánh mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Bắc Kinh và Riyadh.

Trung Quốc trước đó đã làm trung gian cho một thỏa thuận ngoại giao quan trọng trong năm nay nhằm khôi phục quan hệ của Saudi với đối thủ không đội trời chung là Iran.

Với cuộc chiến ở Ukraine, Trung Quốc cũng đang theo đuổi chính sách trung lập.

Bà Alicja Bachulska, một thành viên tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu, cho rằng việc Trung Quốc tham gia cuộc họp không có nghĩa là họ đang thay đổi quan điểm về cuộc xung đột. Tuy nhiên, động thái này có thể xem là nỗ lực để Trung Quốc thể hiện họ là một bên có trách nhiệm và trung lập.

Theo New York Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine