1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine kêu gọi phương Tây cung cấp vũ khí thần kỳ, Nga phản ứng rắn

Nguyễn Bình

(Dân trí) - Chính quyền Ukraine của Tổng thống Zelensky liên tục kêu gọi phương Tây cung cấp các vũ khí tiên tiến hơn, hy vọng đó là "cây đũa thần" có thể giúp họ lật ngược thế cờ.

Ukraine kêu gọi phương Tây cung cấp vũ khí thần kỳ, Nga phản ứng rắn - 1

Nga ưu tiên săn lùng và vô hiệu hóa các hệ thống phòng không của Ukraine (Ảnh: AP).

Ukraine liên tục yêu cầu phương Tây cung cấp vũ khí

Cố vấn tổng thống Ukraine Mikhail Podoliak kêu gọi phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu F-16, tên lửa tầm xa ATACMS, các hệ thống tên lửa và phòng không hiện đại cho Ukraine. Ông cho rằng, Kiev cần những vũ khí này để buộc lực lượng Nga phải rời khỏi lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả Crimea.

Theo chuyên gia Scott Ritter, cựu sĩ quan tình báo thủy quân lục chiến Mỹ, nhìn bề ngoài, tuyên bố của ông Podoliak ngay lập tức cho thấy chiều sâu của những khó khăn quân sự của Ukraine, kể cả việc Kiev được cung cấp các hệ thống vũ khí hiện đại như trên cũng khó có thể đảo ngược quỹ đạo thất bại chiến lược.

Trở lại tháng 12/2022, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, tướng Valery Zaluzhny, từng nói rõ rằng ông muốn NATO, Tây Âu và Mỹ hỗ trợ những loại vũ khí nào để hạ gục Nga. "Chúng tôi cần xe tăng, xe bọc thép chở quân, xe chiến đấu bộ binh. Và chúng tôi cần đạn. Xin lưu ý, tôi không nói về F-16 lúc này", ông nói.

Tuy nhiên, vào cuối tháng 6, đối mặt với thực tế là chiến dịch phản công tiến triển chậm, không như kỳ vọng, ông Zaluzhny đã đổi giọng.

"Tôi không cần 120 máy bay (tiêm kích F-16). Tôi sẽ không đe dọa cả thế giới. Một số lượng rất hạn chế sẽ là đủ. Nhưng chúng là cần thiết. Vì không còn cách nào khác. Nga đang sử dụng một thế hệ máy bay khác. Chúng tôi bây giờ đang phản công bằng vũ khí thô sơ như cung tên vậy", ông nói.

Mỹ và các đồng minh NATO hiện đang đào tạo các phi công Ukraine sử dụng F-16 và dự kiến Ukraine có thể nhận được một số lượng nhỏ tiêm kích này vào khoảng cuối năm nay.

Nhiều khả năng F-16 sẽ không có mặt kịp thời để tác động đến cuộc phản công đang chững lại của Ukraine, điều mà ông Zaluzhny cho rằng là sai lầm của các đối tác phương Tây.

Người đồng cấp Mỹ của ông Zaluzhny, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, tướng Mark Milley, phản đối đề nghị trên.

Sau cuộc họp trực tuyến của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine, nơi điều phối việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, tướng Milley nói với báo chí rằng việc chuyển giao F-16 không có ý nghĩa gì từ góc độ tài chính.

"Nếu bạn nhìn vào F-16, 10 chiếc F-16 (có giá) 1 tỷ USD, và việc duy trì hoạt động tiêu tốn 1 tỷ USD khác, vì vậy bạn đang nói về 2 tỷ USD cho 10 chiếc máy bay", tướng Milley nói, và ông nhấn mạnh "không có vũ khí thần kỳ nào trong xung đột. F-16 không phải và bất cứ thứ gì khác cũng vậy".

Ông Podoliak và người Ukraine tất nhiên không đồng ý. Trong khi triển vọng về F-16 vẫn mờ mịt thì Kiev đang mong Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm cung cấp tên lửa tầm xa ATACMS. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, một quyết định như vậy khó được thực hiện.

Rõ ràng chính quyền của Tổng thống Biden tiếp tục lo lắng bất kỳ sự leo thang nào trong cuộc xung đột Ukraine có thể dẫn đến một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp giữa Mỹ và Nga.

Nga phản ứng "rắn"

Ông Podoliak hy vọng Ukraine tiếp tục được cung cấp những hệ thống phòng không và tên lửa hiện đại.

Các đối tác phương Tây đã chuyển nhiều hệ thống phòng không tiên tiến trị giá hàng tỷ USD cho Ukraine, bao gồm hệ thống tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất, IRIS-T do Đức sản xuất, Skyguard/ASPIDE của Tây Ban Nha - Ý và NASAMS của Mỹ - Na Uy.

Vấn đề mà Kiev phải đối mặt là Moscow đã phản ứng cứng rắn bằng cách tiến hành một chiến dịch trấn áp quy mô lớn, săn lùng và vô hiệu hóa toàn bộ lực lượng phòng không của Ukraine.

Nga được cho là đã thành công khi quét sạch tên lửa phòng không Ukraine ở tiền tuyến và làm suy yếu lưới lửa phòng không xung quanh các mục tiêu chiến lược sâu bên trong lãnh thổ Ukraine.

Chuyên gia Scott Ritter cho rằng, Nga hiện giờ chiếm ưu thế trên không khắp Ukraine, có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào mà họ muốn, vào bất cứ lúc nào.

Kiev tiếp tục yêu cầu được cung cấp các hệ thống phòng không hiện đại thay thế những hệ thống bị Nga phá hủy, nhưng điểm mấu chốt là chúng sẽ chịu chung số phận như những hệ thống trước đó - bị phá hủy hoặc hoạt động không hiệu quả.

Podoliak có thể biết sự thật phũ phàng, nhưng ông và các quan chức cấp cao khác của Ukraine vẫn tiếp tục kêu gọi tập thể phương Tây cung cấp một loại vũ khí thần kỳ có thể giúp Ukraine vượt qua mọi rào cản và chiến thắng.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine