1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine dùng biện pháp mạnh để giải tỏa "cơn khát" lính

Quốc Đạt

(Dân trí) - Cán bộ tuyển quân Ukraine bắt đầu dùng các biện pháp mạnh như tịch thu hộ chiếu trong bối cảnh nước này cần bổ sung quân số cho chiến sự gần bước sang năm thứ 2, theo New York Times.

Ukraine dùng biện pháp mạnh để giải tỏa cơn khát lính - 1

Binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ Ukraina trên xe bọc thép trong cuộc tập trận gần Kiev vào ngày 13/7/2022 (Ảnh: Getty).

Trong một số trường hợp, cán bộ tuyển quân bắt người ngay giữa đường phố, đe dọa hoặc thậm chí dùng vũ lực để đưa đối phương đến các trung tâm tuyển quân, theo New York Times.

Cách làm này không chỉ nhằm vào những người trốn quân dịch mà còn nhằm vào những người thường được miễn nghĩa vụ. Đây là dấu hiệu cho thấy những thách thức mà quân đội Ukraine phải đối mặt trong việc duy trì quân số.

"Có sự tùy tiện ở đây", một tài xế taxi người Ukraine 58 tuổi nói với New York Times trong bài báo đăng hôm 15/12.

Người tài xế đến từ thành phố Kitsman của Ukraine kể rằng cán bộ tuyển quân đã tịch thu hộ chiếu của mình và chỉ trả lại khi đi khám sức khỏe vài ngày sau đó.

Người dân địa phương nói rằng cán bộ tuyển dụng tại Kitsman có tiếng là "những kẻ giật người".

New York Times cho biết họ đã trao đổi với hơn 20 luật sư, nhà hoạt động, quân nhân, lính nghĩa vụ và người thân của lính nghĩa vụ về cách làm mạnh tay của các cán bộ tuyển quân.

Các luật sư và nhà hoạt động nói rằng các chiến thuật mạnh tay - được cho là bao gồm cả dùng vũ lực - vượt quá giới hạn thẩm quyền của cán bộ tuyển quân và rõ ràng là bất hợp pháp trong một số trường hợp.

Cũng như các nước khác, quân đội Ukraine sẽ miễn trừ nghĩa vụ trong một số trường hợp nhất định, như người bị khuyết tật hoặc bệnh lý.

Nhưng New York Times cho biết, họ phát hiện ít nhất một trường hợp quan chức tuyển quân Ukraine cố gắng điều động Hryhorii Harasym - một người đàn ông thiểu năng trí tuệ 36 tuổi đang dùng thuốc điều trị trầm cảm - đi tập huấn.

Sau khi được kết luận đủ điều kiện thực hiện nghĩa vụ quân sự đi kèm một số hạn chế, Harasym đã được gọi nhập ngũ.

"Họ đã triệu tập vào quân đội một người được chẩn đoán chính thức là "khuyết tật tâm thần" từ khi còn nhỏ", Tetiana Fefchak, luật sư ngăn được lệnh gọi nhập ngũ Harasym, nói với New York Times.

Một số người đàn ông Ukraine đã tìm đến tòa án để kháng nghị điều mà họ cho là lệnh gọi nhập ngũ sai trái hay lệnh động viên cưỡng ép.

Chỉ trong tháng 11, tòa án Ukraine đã đưa ra hơn 200 quyết định liên quan đến việc động viên nhập ngũ, theo New York Times.

Ukraine dùng biện pháp mạnh để giải tỏa cơn khát lính - 2

Một quảng cáo tuyển quân ở miền tây Ukraine (Ảnh: New York Times).

Trước cáo buộc cưỡng ép tòng quân, Bộ Quốc phòng Ukraine nói: "Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraine) đang nghiên cứu sửa đổi luật liên quan đến quá trình động viên và giải ngũ".

Nếu các quy định ấy được thông qua, Bộ Quốc phòng Ukraine "sẽ nghiên cứu các tiêu chuẩn đã được phê duyệt", tuyên bố cho biết.

Quân đội Ukraine đã chịu tổn thất nặng nề trên chiến trường kể từ khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại nước này vào tháng 2/2022.

Vào tháng 8, quan chức Mỹ ước tính 70.000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng và có tới 120.000 người bị thương trong cuộc xung đột. Con số này có thể đã tăng lên trong bối cảnh giao tranh ác liệt ở phía đông Ukraine.

Tình báo Mỹ ước tính Nga có tới 350.000 binh sĩ thiệt mạng và bị thương trong cuộc xung đột.

Khi xung đột bùng nổ, Kiev đã cấm đàn ông từ 18 đến 60 tuổi rời khỏi đất nước và bắt đầu nhiều đợt tuyển quân. Vào tháng 5, Quốc hội Ukraine bỏ phiếu giảm tuổi nhập ngũ xuống 25.

Theo New York Times