1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine có phải dùng "biện pháp cuối cùng" khi viện trợ không đến?

Quốc Đạt

(Dân trí) - Ukraine sẽ buộc phải thực hiện biện pháp đau đớn là in tiền để duy trì hoạt động của chính phủ nếu sắp tới không có viện trợ từ Mỹ hoặc châu Âu, theo các nhà kinh tế và quan chức Ukraine.

Ukraine có phải dùng biện pháp cuối cùng khi viện trợ không đến? - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky vào tháng 9/2023 khi nhà lãnh đạo Ukraine vận động Washington ủng hộ (Ảnh: Getty).

Mỹ và Liên minh châu Âu đã hứa trao cho Ukraine hàng tỷ USD viện trợ tài chính và quân sự mới. Nhưng cả hai vẫn chưa thể thực hiện cam kết này vì căng thẳng nội bộ ở Washington và Brussels.

Trong năm 2024, ngân sách của Ukraine đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt hơn 40 tỷ USD để duy trì hoạt động chính phủ, trả lương công chức, hưu trí và trợ cấp. Viện trợ từ Mỹ và EU dự kiến chi trả khoảng 30 tỷ USD trong số đó.

Tới nay, Ukraine đã áp thuế thu nhập bất ngờ đối với các ngân hàng, tái phân bổ một số khoản thu từ thuế và tăng cường vay trong nước để trang trải chi tiêu ngân sách cho đến tháng 2, Bộ Tài chính Ukraine cho biết.

Nhưng "những biện pháp này có tác dụng hạn chế", Olga Zykova, Thứ trưởng Bộ Tài chính Ukraine, nói.

Viện trợ vẫn chưa tới

Kể từ khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" vào tháng 2/2022, Mỹ cùng EU đã cung cấp khoảng 70% viện trợ tài chính mà Ukraine nhận được. Ukraine từng nghĩ rằng sẽ nhận được nguồn tài chính mới từ 2 đối tác này vào đầu năm nay.

Nhưng gói viện trợ của EU trị giá 55 tỷ USD trong 4 năm tới đã bị Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngăn chặn. Các chính trị gia EU hy vọng hội nghị thượng đỉnh ngày 1/2 tại Brussels sẽ mang lại đột phá. Trong khi đó, đảng Cộng hòa vẫn đang chặn gói viện trợ trị giá 60 tỷ USD mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất.

Ukraine có phải dùng biện pháp cuối cùng khi viện trợ không đến? - 2

Chiếc hộp được đặt gần Tòa Thị chính Kiev vào năm ngoái để kêu gọi quyên góp tiền sửa chữa xe quân sự bị hỏng trong chiến sự (Ảnh: Global Images Ukraine).

Đồng tiền hryvnia của Ukraine cũng đang phải chịu áp lực nặng nề. Riêng tháng 12/2023, Ngân hàng Trung ương Ukraine đã chi ròng 3,6 tỷ USD để chống đỡ cho đồng tiền quốc gia, mức can thiệp hàng tháng lớn nhất kể từ những ngày đầu chiến sự.

Nếu viện trợ không đến sớm, Ukraine có thể phải thực hiện các biện pháp mạnh hơn.

Chẳng hạn, Kiev có thể "câu giờ" thêm vài tháng bằng cách trì hoãn trả lương hoặc vay thêm tiền từ ngân hàng và nhà đầu tư trong nước.

Olena Bilan, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng đầu tư Dragon Capital của Ukraine, ước tính Kiev có thể huy động 8 tỷ USD và cân bằng ngân sách trong 3 tháng đầu năm bằng cách khai thác nguồn vốn còn lại từ năm 2023, trì hoãn trả lương và dừng các chi tiêu không thiết yếu, đồng thời tăng vay trong nước.

Nhật Bản dự kiến giải ngân 1,5 tỷ USD viện trợ ngân sách trong tháng này, trong khi khoản 4,5 tỷ euro (4,9 tỷ USD) dự kiến đến từ EU vào tháng 3 dưới hình thức khoản vay bắc cầu, theo Viện KSE, Viện Chính sách thuộc Trường Kinh tế Kyiv.

Nhưng sau đó, chuyên gia lo ngại rằng Ukraine có thể buộc phải in tiền, chiến lược đã gây ra sự sụp đổ kinh tế ở các quốc gia khác trong quá khứ.

Ukraine có phải dùng biện pháp cuối cùng khi viện trợ không đến? - 3

Tên lửa của Nga đã phá hủy tòa nhà dân cư ở Kharkov, Ukraine vào đầu tháng này (Ảnh: AFP/Getty).

Lựa chọn sau cùng

Kiev đang chi gần như toàn bộ số thu ngân sách cho quốc phòng và khoản này có thể sẽ còn lớn hơn khi Ukraine tìm cách huy động bổ sung hàng trăm nghìn binh sĩ trong năm nay. Cứ mỗi người lính ra tiền tuyến, Ukraine sẽ phải bỏ ra 1 triệu hryvnia/năm, theo ước tính của bà Nataliia Shapoval, Giám đốc Viện KSE.

Bà Shapoval dự đoán Ukraine rốt cuộc sẽ buộc phải in tiền trở lại, gây rủi ro cho sự ổn định kinh tế và sự hỗ trợ từ những bên cho vay như Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Trong năm đầu tiên của chiến sự, Ukraine đã phụ thuộc rất nhiều vào biện pháp in tiền trong lúc chờ đợi viện trợ của phương Tây. Biện pháp này có thể làm tăng lạm phát, làm giảm giá trị đồng tiền, khiến người dân và nhà đầu tư mất niềm tin vào nền kinh tế.

Tuy nhiên, các lựa chọn khác cũng khiến Tổng thống Zelensky phải trả giá về chính trị.

Chẳng hạn, việc trì hoãn trả lương hưu hay cắt trợ cấp sẽ khoét sâu hơn nỗi đau của người nghèo ở Ukraine, trong khi việc hạn chế chi tiêu nhập khẩu có thể gây ra sự bất mãn ở nhóm người giàu có vẫn muốn mua các mặt hàng như ô tô và mỹ phẩm nước ngoài.

"Về mặt kinh tế, in tiền là biện pháp cuối cùng. Về mặt chính trị, đó là biện pháp đầu tiên", bà Shapoval nói.

Theo Wall Street Journal