1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine chật vật giữ chân sự ủng hộ của phương Tây

Thanh Thành

(Dân trí) - Cuộc họp hòa bình trước Diễn đàn Kinh tế Thế giới (Davos) được đánh giá là "sân khấu lớn" cho Ukraine kêu gọi phương Tây gia tăng hỗ trợ, nhưng hy vọng về sự tiến triển là rất mong manh.

Ukraine chật vật giữ chân sự ủng hộ của phương Tây  - 1

Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine có mặt tại Davos, Thụy Sĩ hôm 14/1 để chủ trì các cuộc đàm phán về việc kết thúc chiến sự (Ảnh: AP).

Khi Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ ba của cuộc xung đột toàn diện với Nga, các nhà lãnh đạo nước này nhận thấy họ đang phải chiến đấu trên một "mặt trận mới": thu hút sự chú ý của các đồng minh.

Kể từ khi xung đột Hamas - Israel bùng nổ, sự chú ý của phương Tây đã chuyển dịch sang khu vực Trung Đông. 

Các nhà ngoại giao và quan chức quân sự giờ đây thậm chí còn tập trung nhiều hơn vào đó, sau khi Mỹ và Anh tấn công nhóm Houthi ở Yemen nhằm trả đũa các cuộc tấn công vào tàu bè và tàu hộ tống hải quân của phương Tây trên Biển Đỏ.

Trong khi xung đột bùng phát ở Trung Đông, cuộc chiến Ukraine đã sa lầy mà không có dấu hiệu cho thấy bất kỳ tiến triển nào.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện vẫn tuyên bố duy trì các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt, những điều mà phía Ukraine vẫn luôn bác bỏ. Trong khi đó, Moscow gần đây đã gia tăng các cuộc tấn công vào các thành phố của Ukraine và dường như không quan tâm đến việc sớm kết thúc xung đột.

Các nhà ngoại giao cũng cho biết, giới lãnh đạo Ukraine không quan tâm đến các cuộc đàm phán có thể buộc họ phải nhượng lại lãnh thổ cho Nga, ngay cả khi Kiev phải đối mặt với những trở ngại chính trị ngày càng tăng.

Moscow gần đây đã giành được thế chủ động trên chiến trường ở nhiều nơi mặc dù lực lượng của Kiev cũng đang nỗ lực giành được những thắng lợi đáng kể.

Bên ngoài Ukraine, sự ủng hộ dành cho Kiev đã suy yếu. Gói tài trợ lên tới 60 tỷ USD của Mỹ dành cho Ukraine đang bị kẹt ở Quốc hội. Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đang vật lộn với đề xuất hỗ trợ tài chính hơn 50 tỷ USD để duy trì hoạt động của nhà nước Ukraine trong 4 năm tới, sau khi Hungary phủ quyết kế hoạch này vào tháng trước.

Nhưng Kiev và một số đồng minh mạnh nhất vẫn tiếp tục thúc đẩy các nguồn tài trợ này.

Hôm 14/1, Ukraine tiếp tục nhóm họp cùng các nước đang phát triển và đồng minh phương Tây ở Davos, Thụy Sĩ để thảo luận về một kết quả công bằng và lâu dài cho cuộc chiến. Kiev coi cuộc họp này là rất quan trọng trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế và gây áp lực lên Nga.

Các cuộc thảo luận đang diễn ra ở Davos, Thụy Sĩ, trước Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nơi các cuộc chiến ở Trung Đông và Ukraine sẽ là chủ đề trung tâm. Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Andriy Yermak, đang có mặt tại Davos để dẫn dắt các cuộc đàm phán. 

Trợ lý Ngoại trưởng James O'Brien dẫn đầu phái đoàn của Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan không tham dự cuộc họp này dù đều có lịch tham dự diễn đàn kinh tế này vào cuối tuần.

Nhiều khó khăn

Trong khi sáng kiến của Ukrane khó có thể hiệu quả, những người tham gia vào các cuộc đàm phán hôm 14/1 cho biết có khoảng 80 quốc gia và tổ chức quốc tế đã tham dự, bao gồm cả Liên hợp quốc và EU. 

Tổng thống Zelensky, nhà lãnh đạo có cuộc gặp Tổng thống Biden tại Nhà Trắng vào tháng trước, cũng dự kiến sẽ phát biểu tại diễn đàn kinh tế này. Ukraine tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ nhiều nhà lãnh đạo châu Âu. Thủ tướng Anh Rishi Sunak hôm 12/1 đã đến thăm Kiev để công bố cam kết viện trợ mới trị giá 3 tỷ USD, nhiều hơn một chút so với số tiền London đã viện trợ trong 2 năm trước.

"Hôm nay chúng ta gặp nhau vào một thời điểm khó khăn trong cuộc đấu tranh vì tự do của Ukraine", Thủ tướng Anh nói trước quốc hội Ukraine và nhấn mạnh, "chúng ta phải sẵn sàng cho thực tế rằng, đây sẽ là một cuộc chiến lâu dài".

Ukraine chật vật giữ chân sự ủng hộ của phương Tây  - 2

Tổng thống Zelensky đón tiếp Thủ tướng Anh Sunak đến thăm Kiev hôm 12/1 (Ảnh: Reuters).

Tân ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne đã đến Ukraine trong ngày 13/1, trong chuyến công du chính thức đầu tiên của ông. Thủ tướng Đức Olaf Scholz, nhà lãnh đạo đã quyết định chi 8,8 tỷ USD viện trợ cho Ukraine trong năm nay, mới đây đã chỉ trích các đồng minh châu Âu vì đã không hỗ trợ đầy đủ cho Kiev. "Việc chuyển giao vũ khí theo kế hoạch cho Ukraine của hầu hết các nước thành viên EU là không đủ", Thủ tướng Scholz nói.

Tuy nhiên, đây là điểm sáng duy nhất trong bức tranh u ám của Ukraine. Thất bại trong cuộc phản công của Ukraine vào mùa hè năm 2023 đã làm phức tạp thêm nỗ lực của các nhà lãnh đạo phương Tây nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của người dân dành cho Kiev.

Các nhà ngoại giao tham gia vào các cuộc thảo luận hòa bình hôm 14/1 cho biết họ dường như có ít cơ hội thay đổi lập trường của các nước trung lập lớn bao gồm Ấn Độ, Indonesia và Ả Rập Xê Út. Trong khi đó, Nam Phi và Brazil tiếp tục theo đuổi mối quan hệ kinh tế và ngoại giao chặt chẽ với Moscow.

Động lực đằng sau các cuộc thảo luận hòa bình suy yếu khi sự chú ý của thế giới chuyển sang cuộc xung đột Israel - Hamas vào tháng 10/2023 và Washington phải đối mặt với sự chỉ trích ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế vì ủng hộ hoạt động quân sự đẫm máu của Israel.

Ukraine hy vọng sẽ sử dụng các cuộc đàm phán để thu hút sự ủng hộ cho các yêu cầu chính của mình nhằm ngăn chặn giao tranh, bao gồm cả việc rút toàn bộ lực lượng của Nga trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu. Các quốc gia khác tham gia để bày tỏ ủng hộ lối thoát hòa bình cho xung đột, theo giới quan sát.

Một số nhà ngoại giao phương Tây cho biết, vào mùa thu, Nga đã ra tín hiệu rằng nước này sẽ sẵn sàng đàm phán ngừng bắn, với khả năng đóng băng cuộc xung đột theo các đường lối hiện tại. Hôm 10/1, Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto tuần trước cho biết "đã đến lúc phải đàm phán nghiêm túc về chấm dứt xung đột".

Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky hồi tuần trước lại nói rằng lệnh ngừng bắn sẽ chỉ phục vụ lợi ích của Nga, giúp Moscow có thêm thời gian củng cố lực lượng và vũ khí. Chính phủ Nga, vốn có kế hoạch tăng chi tiêu quân sự trong năm nay, đã tăng cường ném bom các thành phố của Ukraine kể từ Giáng sinh vừa qua.

Quốc hội Ukraine đang cân nhắc việc huy động thêm hàng trăm nghìn binh sĩ. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy sự ủng hộ chính trị đối với một kết quả được  thương lượng cho cuộc chiến - có thể là với việc Nga trên thực tế nắm quyền kiểm soát các khu vực của Ukraine - vẫn còn yếu mặc dù tỷ lệ thương vong trong cuộc giao tranh cao và chi phí kinh tế khổng lồ.

Các quan chức Mỹ và châu Âu khẳng định họ sẽ không gây áp lực buộc Kiev phải đàm phán ngừng bắn. Mặc dù viện trợ của Mỹ cho Ukraine đang bị mắc kẹt tại Quốc hội, nhưng chính quyền Tổng thống Joe Biden khẳng định sẽ tìm cách cung cấp viện trợ và các quan chức cho biết họ không có kế hoạch thay thế nào trong thời gian chờ đợi.

Không ai nghĩ rằng, cuộc chiến Ukraine sẽ kết thúc trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Cựu Tổng thống Donald Trump, ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa, người có quan điểm tích cực về Nga, đã cam kết sẽ làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình chấm dứt xung đột Ukraine ngay khi lên nhậm chức.

Tổng thống Zelensky cũng đã bày tỏ lo ngại rằng, nếu trở lại nắm quyền, ông Trump sẽ làm điều đó bằng cách ép Ukraine chấp nhận các điều kiện đàm phán bất lợi với Nga.

Theo Wall Street Journal