DNews

UAV "đốt nóng" cuộc không chiến trên khắp mặt trận Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Cả Nga và Ukraine đều tập trung nguồn lực và đầu tư "chất xám" để giành ưu thế trong cuộc đua máy bay không người lái khi cuộc xung đột sắp bước sang năm thứ ba.

UAV "đốt nóng" cuộc không chiến trên khắp mặt trận Ukraine

Cuộc đua UAV trên chiến trường Ukraine

Gần hai năm sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt, Ukraine đặt mục tiêu đầu tư hơn 1 tỷ USD để nâng cấp năng lực chiến đấu của máy bay không người lái (UAV) trong một cuộc xung đột quân sự mà máy bay không người lái được sử dụng nhiều nhất trong lịch sử.

Từ UAV nằm gọn trong lòng bàn tay đến UAV nặng tới 454 kg, Ukraine đã chế tạo và sở hữu một đội UAV đa dạng có thể làm phức tạp và cản trở những bước tiến của Nga.

Máy bay không người lái được sử dụng để trinh sát, thả đạn hoặc kích nổ, có hiệu quả về mặt chi phí, giúp bảo vệ binh sĩ đồng thời giảm thiểu rủi ro cho dân thường. Vũ khí này có độ chính xác cao hơn pháo truyền thống và mang lại những lợi thế đáng kể như lập bản đồ chiến trường theo thời gian thực, vô hiệu hóa xe tăng và cản trở cuộc tiến công của đối phương.

Ukraine đang nổi lên như một trung tâm đổi mới và sản xuất máy bay không người lái. Các máy bay không người lái đã được thiết kế để sử dụng cho các mục đích quân sự. Ở tiền tuyến, các binh sĩ cũng tìm cách sửa đổi và cải tiến hàng ngày để sử dụng hiệu quả thiết bị này.

UAV đốt nóng cuộc không chiến trên khắp mặt trận Ukraine - 1

Các quân nhân Ukraine thuộc phi đội Rarog UAV thuộc Lữ đoàn cơ giới độc lập 24 vận hành máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) tại một vị trí gần thị trấn Horlivka (Ảnh: Reuters).

"Máy bay không người lái đã cứu được nhiều sinh mạng. Trong đơn vị của chúng tôi, chúng tôi đầu tư vào việc nghiên cứu và phát triển vì chiến tranh đang tiến triển và chúng tôi cần phải theo kịp", một binh sĩ có biệt danh "Lexus" thuộc đơn vị đặc nhiệm "Kondor" của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine cho biết.

Lexus cho biết lực lượng Ukraine không thể chiến đấu trong bất kỳ trận chiến nào nếu không có máy bay không người lái. Khi Nga triển khai từng đợt binh sĩ tấn công phòng tuyến Ukraine, quân đội Kiev cần có máy bay không người lái để phát hiện lực lượng Nga đang tấn công và cung cấp tọa độ chính xác để pháo binh tiêu diệt đối phương.

Nếu không có máy bay không người lái khi "làn sóng" quân Nga xâm nhập vào chiến hào của Ukraine, nhiều binh sĩ sẽ thiệt mạng và có lẽ chiến hào sẽ thất thủ.

Trong giai đoạn đầu của cuộc tấn công toàn diện, lực lượng Ukraine có lợi thế là triển khai máy bay không người lái một cách tự do, di chuyển trên không phận mà không gặp nhiều khó khăn theo bất kỳ hướng nào.

Ban đầu, máy bay không người lái của Ukraine xác định và nhắm mục tiêu một cách hiệu quả vào xe thiết giáp hạng nặng của Nga, cho phép pháo binh tấn công nhanh chóng vào các đoàn xe này.

Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi nhanh chóng. Cuộc chiến không người lái đã phát triển do tác chiến điện tử được tăng cường. Giờ đây, những người điều khiển máy bay không người lái của Ukraine cần phải hoạt động cách tiền tuyến ít nhất 5km để đảm bảo an toàn cho chính họ.

Nhu cầu về máy bay không người lái ở tiền tuyến hiện rất lớn. Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh ước tính Ukraine đang mất 10.000 máy bay không người lái mỗi tháng.

Oleksiy, một thượng úy thuộc Lữ đoàn cơ giới chuyên biệt 47 đang chiến đấu trên mặt trận Zaporizhzhia gần Robotyne, cho biết có thời điểm, đơn vị đã mất 94 trong số 100 máy bay không người lái mà họ có trong hai tuần chiến đấu vào đầu mùa hè.

"Đây là cuộc chiến đầu tiên trong lịch sử loài người có thể được mô tả như một cuộc chiến của máy bay không người lái. Sự xuất hiện của máy bay không người lái ở một bên và sự vắng mặt của chúng ở bên kia tạo ra sự mất cân bằng đáng kinh ngạc", Andriy, binh sĩ thuộc Lữ đoàn cơ giới chuyên biệt 47, giải thích.

"Nếu bạn thấy mình đang chiến đấu với một đối thủ được trang bị máy bay không người lái, trong khi bạn thiếu công nghệ tương tự, cơ hội sống sót của bạn gần như bằng không", binh sĩ Ukraine nói thêm.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một cuộc phỏng vấn gần đây đã chỉ ra rằng, Ukraine đang rất cần "máy bay không người lái có thể tấn công và thu thập thông tin tình báo". Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Valery Zaluzhny nhấn mạnh rằng máy bay không người lái của Nga đang "tiếp quản" đáng kể vai trò truyền thống của máy bay quân sự, đặc biệt là trong hoạt động trinh sát và tiến hành các cuộc không kích.

Binh sĩ Lexus lưu ý rằng máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) đã đạt được lợi thế đáng kể trong cuộc chiến tại Ukraine. Cả hai bên đều sử dụng FPV làm máy bay không người lái để nhắm mục tiêu vào xe tăng, xe bọc thép chở quân, thậm chí bộ binh của đối phương.

UAV Nga bắn cháy xe tăng Ukraine

Theo Lexus, một người vận hành FPV có thể vô hiệu hóa một cách hiệu quả hệ thống tên lửa phòng không trị giá 18 triệu USD bằng cách sử dụng máy bay không người lái có giá chỉ 300 USD.

Về tình hình chung, Lexus thừa nhận "Ukraine liên tục duy trì lợi thế trong cuộc chiến máy bay không người lái", trong khi "Nga vẫn theo đuổi chặt chẽ" bước tiến này.

"Bước tiếp theo là xây dựng "mạng lưới não bộ" để máy bay không người lái có thể nhận ra mục tiêu. Giả sử một máy bay không người lái cất cánh, nhưng đối phương lại gây nhiễu máy bay không người lái.

Trong trường hợp đó, hệ thống tự động có thể nhận biết địa hình hoặc tìm kiếm mục tiêu, có thể là xe tăng hoặc binh lính, và sẽ tự động hoạt động ngay cả khi mất kết nối", Lexus cho biết thêm.

"Chúng tôi cần không ngừng phát triển công nghệ của mình", binh sĩ Ukraine nhấn mạnh.

Theo Lexus, giữa Liên Xô và Mỹ trước đây đã xảy ra "một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân". Còn hiện tại, ở Ukraine đang diễn ra "một cuộc chạy đua vũ trang cho máy bay không người lái và mấu chốt của cuộc đua này là hoạt động nghiên cứu và phát triển máy bay không người lái".

Lexus đã đề cập đến quá trình chuyển đổi của đơn vị, từ sử dụng các công cụ cơ bản, có sẵn trên thị trường hoặc thậm chí miễn phí như Google Meet để truyền video trực tiếp từ máy bay không người lái trong giai đoạn đầu xung đột sang sử dụng phần mềm chuyên dụng hơn do các kỹ sư Ukraine xây dựng.

Các kỹ sư Ukraine đang tăng cường công nghệ máy bay không người lái cho chiến tranh. Họ đã điều chỉnh phần mềm bay nguồn mở để phát hiện tình trạng gây nhiễu GPS và chuyển sang các phương pháp điều hướng thay thế.

"Cả Ukraine và Nga đều có rất nhiều người làm việc về nghiên cứu và phát triển máy bay không người lái. Nhưng tôi tin rằng Ukraine luôn đi trước Nga", Lexus nhận định.

Đơn vị Kondor cũng hợp tác chặt chẽ với các đơn vị khác của Ukraine. Bằng cách tiếp cận nguồn cấp dữ liệu trực tiếp từ máy bay không người lái từ các đơn vị khác trong khu vực và sử dụng Discord để liên lạc với các nhóm khác, họ có thể theo dõi các chiến lược thành công mà các đơn vị áp dụng.

Các đơn vị máy bay không người lái khác nhau cũng theo dõi xem đơn vị nào đang làm việc kém hiệu quả và hướng dẫn lẫn nhau cách cải thiện.

UAV đốt nóng cuộc không chiến trên khắp mặt trận Ukraine - 2

Một UAV TB2 của Ukraine (Ảnh: Military).

Một cộng đồng tình nguyện viên cũng hợp tác chặt chẽ với các đơn vị máy bay không người lái. Những tình nguyện viên này nghiên cứu cách sử dụng và chiến thuật của máy bay không người lái, đồng thời giúp các đơn vị máy bay không người lái khác nhau tiếp cận các kiến thức mới.

Norman, một lãnh đạo đơn vị của Ukraine, cho biết phía Nga cũng có mạng lưới tình nguyện viên hỗ trợ nỗ lực tác chiến và họ cũng có các trường học chuyên dụng được xây dựng để dạy cách vận hành máy bay không người lái.

Norman chỉ ra rằng các tình nguyện viên đóng góp khoảng 70% số máy bay không người lái được đơn vị của ông sử dụng. Tuy nhiên, ông thừa nhận lực lượng Nga sở hữu nhiều nguồn lực hơn đáng kể, bao gồm số lượng máy bay không người lái lớn hơn.

"Nga có những người lính rất chuyên nghiệp, những người đã chiến đấu cả đời", Norman nói.

Cả hai bên liên tục truy lùng để xác định pháo binh, người điều khiển máy bay không người lái, xe bọc thép hạng nặng và binh lính của đối phương. Norman cho rằng Ukraine đi trước Nga trong cuộc chiến máy bay không người lái.

Norman lưu ý thêm rằng nếu lực lượng Ukraine liên tục mắc lỗi và để mất máy bay không người lái trên chiến trường, những máy bay này sẽ bị Nga thu giữ. Điều này cho phép các kỹ sư Nga nghiên cứu và nhân rộng sửa đổi cũng như cải tiến máy bay không người lái, nhanh chóng vô hiệu hóa lợi thế của Ukraine.

Ở tuyến đầu xung đột, việc điều chỉnh hoạt động tác chiến hàng ngày là điều cần thiết. Khi tình hình chiến trường thay đổi, các chiến lược sử dụng máy bay không người lái cũng phải thay đổi đến từng chi tiết nhỏ nhất. Cả Nga và Ukraine đều không ngừng hoàn thiện và đổi mới máy bay không người lái của mình để giành lợi thế trên tiền tuyến.

"Chúng tôi đặt mục tiêu trở thành bên tiên phong, bên đầu tiên tích hợp hệ thống nhận dạng tự động vào máy bay không người lái để nhận dạng mục tiêu tốt hơn", Lexus tuyên bố.

Để thực sự giành được lợi thế đáng kể trên chiến tuyến và vượt qua hệ thống phòng thủ chiến hào toàn diện của Nga, Lexus cho rằng việc triển khai máy bay không người lái tự động có khả năng tự nhận dạng mục tiêu và phối hợp tấn công bầy đàn là điều bắt buộc.

Paul Lushenko, tiến sĩ giảng dạy tại trường US Army War College và là thành viên cấp cao tại Viện Chính sách Công nghệ của Đại học Cornell, nhấn mạnh "sự phát triển của máy bay không người lái được trang bị vũ khí và kết nối" có thể mang lại "lợi thế bất tương xứng cho quân đội của các quốc gia nhỏ hơn".

"Chúng tôi thấy rằng máy bay không người lái đang được Ukraine sử dụng để cân bằng sân chơi với Nga", Lushenko nhận định.

UAV thay đổi cục diện xung đột

UAV đốt nóng cuộc không chiến trên khắp mặt trận Ukraine - 3

UAV Orlan-10 của Nga (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).

Phạm vi không ngừng phát triển của công nghệ máy bay không người lái và việc sử dụng ngày càng tăng loại thiết bị này không chỉ cho thấy tiềm năng của máy bay không người lái trong việc san bằng thế trận của cuộc chiến Nga - Ukraine, mà còn cho thấy khả năng của máy bay không người lái trong việc ảnh hưởng đến các cuộc xung đột trong tương lai.

Khi cuộc xung đột bước sang năm thứ ba, cả Nga và Ukraine đều không giành được ưu thế trên không. Hầu hết các nhà phân tích quân sự cho rằng Nga, với sức mạnh không quân vượt trội, sẽ nhanh chóng kiểm soát không phận ngay từ đầu cuộc chiến.

Tuy nhiên, điều gây bất ngờ là hệ thống phòng không của Ukraine, sau này được phương Tây hỗ trợ, lại có thể đẩy lùi và ngăn chặn máy bay chiến đấu Nga thực hiện các cuộc tấn công gần biên giới và xuyên biên giới.

Việc không bên nào có thể đủ sức xuyên thủng hệ thống phòng không của bên còn lại đã buộc họ phải tăng cường tính linh hoạt của lực lượng thực địa và phụ thuộc nhiều hơn vào các loại vũ khí tầm xa, bao gồm pháo, tên lửa và máy bay không người lái.

Những điều kiện này đã dẫn đến sự phát triển của các công nghệ máy bay không người lái mới, giúp Ukraine tạo thế trận ngang bằng trong cuộc chiến trên không và có thể xoay chuyển cục diện xung đột theo hướng có lợi cho mình.

Việc triển khai UAV của Ukraine đã phát triển cùng với sự thay đổi trên chiến trường. Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, khi khả năng phòng không và tác chiến điện tử của Nga chưa thực sự hiệu quả, Ukraine đã dựa vào các máy bay không người lái cỡ lớn như TB2 Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ.

Khả năng mang theo nhiều loại đạn và hoạt động trong thời gian dài của TB2 cho phép lực lượng Ukraine xâm nhập hệ thống phòng không của Nga và tấn công các mục tiêu lớn.

Tuy nhiên, khi Nga nắm quyền kiểm soát không phận nhiều hơn, Moscow có thể phát hiện và bắn hạ những mẫu máy bay cỡ lớn dễ dàng hơn. TB2 có thể vẫn còn phù hợp, do bộ cảm biến và phạm vi hoạt động đáng kể của TB2 vẫn cho phép Ukraine thu thập thông tin tình báo, nhưng Kiev đã chuyển sang sử dụng công nghệ UAV nhỏ hơn để thích ứng với những bước tiến của Nga.

Việc sử dụng ngày càng nhiều UAV cỡ nhỏ cho thấy đây là yếu tố thay đổi cuộc chơi vì chúng giúp Ukraine nhận thức tốt hơn về không gian chiến đấu và có nhiều khả năng tấn công mục tiêu hơn. Ukraine đã khai thác công nghệ UAV thương mại, vốn dành cho mục đích dân sự, để nhanh chóng cải tiến thành các UAV giá rẻ và đưa ra chiến trường.

Ví dụ, trước đây, máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) thường được sử dụng để quay video, còn bây giờ chúng được trang bị thêm chất nổ để tấn công các mục tiêu cố định với chi phí tương đối thấp. Các UAV này có thể được triển khai để thực hiện các cuộc tấn công với độ chính xác cao, trong khi ít bị hệ thống phòng không Nga phát hiện hơn.

UAV đốt nóng cuộc không chiến trên khắp mặt trận Ukraine - 4

Một binh sĩ Nga điều khiển UAV (Ảnh: Reuters).

Đối với công nghệ máy bay không người lái của Nga, Moscow triển khai các mẫu UAV nội địa như Orion, Eleron-3, Orlan-10 và Lancet, nhưng các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với chuỗi cung ứng quan trọng của Nga đã khiến Moscow gặp khó khăn trong việc sản xuất máy bay không người lái.

Thay vào đó, Nga được cho là đã chuyển hướng sang các nước đối tác để có nguồn cung UAV ổn định. Phương Tây cho rằng Nga hiện sở hữu một đội máy bay không người lái Shahed-136 do Iran sản xuất, có thể mang 45,4kg chất nổ với tầm hoạt động lên tới 1.931 km.

Cuộc xung đột ở Ukraine đã chứng minh lợi thế chiến trường của máy bay không người lái, loại vũ khí ngày càng trở nên nhỏ hơn, nguy hiểm hơn, dễ vận hành hơn và hầu hết mọi người đều có thể sử dụng được. UAV đã rút ngắn quá trình tác chiến, từ khi phát hiện mục tiêu đến khi mục tiêu bị tiêu diệt, đồng thời tăng cường khả năng của quân đội trong việc trinh sát chiến trường.

Các UAV có cấu hình bền bỉ hơn có thể thực hiện nhiều giờ trinh sát một cách hiệu quả, cho phép các UAV khác tiên tiến hơn thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào sâu bên trong lãnh thổ của đối phương. Các UAV cho phép binh sĩ theo dõi chuyển động của đối phương mà không gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc từ bỏ vị trí của họ.

Tuy vậy, các UAV cũng trở thành mục tiêu của các hệ thống phòng không. Các UAV cỡ lớn, di chuyển chậm càng dễ trở thành "con mồi" cho các hệ thống phòng không và hệ thống chống máy bay không người lái.

Cả Ukraine và Nga đều đã bắn hạ hàng nghìn UAV của đối phương bằng các hệ thống phòng không và pháo binh. Tuy nhiên, việc Ukraine và Nga sử dụng các hệ thống này để bắn hạ UAV cũng rất tốn kém, vì một UAV có thể tiêu tốn hàng nghìn, thậm chí hàng triệu USD để đánh chặn.

Một thách thức của hệ thống phòng không chống UAV là cần phát triển và triển khai một hệ thống có chi phí rẻ hơn mục tiêu của nó. Điều quan trọng là việc các UAV nhỏ có thể bay ồ ạt về phía mục tiêu sẽ khiến chúng khó bị bắn hạ hơn vì chúng có thể áp đảo các hệ thống phòng không.

Một biện pháp đối phó UAV là triển khai tác chiến điện tử dưới hình thức thiết bị gây nhiễu, tấn công mạng và hệ thống laser để ngăn UAV tiếp cận mục tiêu. Thiết bị gây nhiễu, được cả Nga và Ukraine sử dụng, phát ra các tín hiệu điện từ mạnh có thể khiến UAV rơi xuống, đổi hướng hoặc quay lại và tấn công chính người điều khiển nó.

Nếu xung đột vẫn tiếp diễn, hai bên sẽ tiếp tục đầu tư và điều chỉnh các chiến thuật tác chiến điện tử để đối phó những cải tiến của đối phương.

Xung đột Nga - Ukraine đã cho thấy những bước tiến trong công nghệ UAV có thể thay đổi cán cân quyền lực, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng không. Trong khi Nga tìm cách thiết lập lại ưu thế trên không và tăng cường sản xuất UAV cũng như hệ thống phòng không chống UAV, Ukraine vẫn tiếp tục phát triển các giải pháp ngày càng phức tạp hơn.

Việc mở rộng sản xuất UAV giúp Nga giải quyết tình trạng thiếu UAV ở tiền tuyến và xoay chuyển cục diện cuộc xung đột theo hướng có lợi cho Moscow. Trong khi đó, khả năng của Ukraine trong việc huy động công nghệ UAV thương mại, đổi chiến thuật UAV trên thực địa và cải tiến chiến thuật để đánh bại các hệ thống chống UAV đã được chứng minh là rất quan trọng đối với nỗ lực chiến tranh của Kiev.

Ngay cả khi bị áp đảo về mặt lực lượng, Ukraine đã cho thấy khả năng thích ứng công nghệ thông minh có thể thay đổi xung đột trong thế kỷ 21 như thế nào và có thể nghiêng cán cân quyền lực theo hướng có lợi cho lực lượng nào có khả năng sáng tạo hơn.

Theo Kyiv Post, CFR, Newsweek