1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tướng Đức lo ngại kịch bản phải đương đầu với Nga

Nguyễn Bình

(Dân trí) - Tướng cấp cao quân đội Đức khi được hỏi liệu nước này có thể đương đầu khi Nga tấn công vào NATO đã khẳng định: "Đúng.... Chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Chúng tôi có thể tự bảo vệ mình".

Tướng Đức lo ngại kịch bản phải đương đầu với Nga - 1

Thiếu tướng Carsten Breuer, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Đức (Ảnh: MD).

Đức lo ngại kịch bản phải đương đầu với Nga

Newsweek đưa tin, Thiếu tướng Carsten Breuer, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Đức và là đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nói với truyền thông Đức hôm 9/12 rằng, ông lo ngại Nga có thể tấn công Đức và bắt đầu một cuộc chiến phòng thủ.

Đã gần hai năm trôi qua kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022. Trong vài tuần gần đây, quân đội Nga đã phát động một cuộc tấn công lớn nhằm vào Avdiivka, một thành phố ở vùng Donetsk phía đông Ukraine.

Động thái mới nhất của Moscow diễn ra sau cuộc phản công lớn của Ukraine trong mùa hè và mùa thu. Kiev giành lại được một số lãnh thổ, nhưng đã thất bại trong mục tiêu lớn hơn là tiến tới Biển Đen, cắt đứt cây cầu đất liền của Nga với Crimea, khu vực mà Moscow đã sáp nhập vào năm 2014 sau cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi.

Đức là đồng minh mạnh mẽ của Ukraine trong cuộc xung đột đang diễn ra với Nga. Vào tháng 10, Bộ Quốc phòng nước này đã công bố gói hỗ trợ mới cho Kiev trị giá khoảng 1,1 tỷ USD để mua vũ khí, phương tiện và phòng không.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung, tướng Breuer, tướng cấp cao nhất của Quân đội Đức, cho biết ông lo ngại về việc Nga đang "tái trang bị vũ khí vào thời điểm này".

Ông nói thêm rằng Đức sẽ phải làm quen với khả năng "một ngày nào đó chúng ta có thể phải tiến hành một cuộc chiến tranh phòng thủ".

Tướng Breuer cũng được hỏi liệu quân đội Đức có thể đương đầu với một cuộc tấn công của Nga vào NATO, mà Đức là một thành viên, sau khi xung đột Nga - Ukraine hay không, ông nói: "Đúng... Chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Chúng tôi có thể tự bảo vệ mình và chúng tôi sẽ tự bảo vệ mình".

Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng quân đội Đức có những thiếu sót trong việc phòng thủ quốc gia và liên minh sau khi tập trung vào quản lý khủng hoảng quốc tế trong nhiều năm.

Ông nói: "Bây giờ chúng ta thấy Bundeswehr (quân đội Đức) vẫn chưa được trang bị đầy đủ cho việc này". Ông đồng thời cho biết thêm rằng, có "những cơ cấu đưa ra các quyết định nhanh chóng và có mục tiêu gần như không thể thực hiện được".

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Đức và NATO qua email cũng như chính phủ Nga thông qua hình thức trực tuyến để đề nghị bình luận, tuy nhiên chưa nhận được phản hồi.

NATO vào cuộc, tăng tốc sẵn sàng đương đầu Moscow

Hiện NATO có 31 thành viên, trong đó có 29 nước châu Âu, cùng 2 quốc gia Mỹ và Canada. Ukraine đã và đang trong quá trình gia nhập kể từ trước khi bị Nga tấn công. Liên minh quân sự cho biết họ "hoàn toàn ủng hộ" quyền tự vệ của Ukraine và lên án Nga.

Đầu năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu vạch ra các khả năng Mosscow mở rộng hoạt động quân sự ở Ukraine, nhấn mạnh quá trình thực hiện chiến dịch sẽ phụ thuộc vào việc phương Tây chuyển giao vũ khí cho Kiev.

"Điều đó phụ thuộc vào loại vũ khí sẽ được cung cấp", RT dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Shoigu.

Trước đó, trong Thông điệp liên bang hôm 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo: "Chúng tôi muốn nói rõ rằng phương Tây cung cấp cho Ukraine vũ khí tầm xa bao nhiêu, chúng tôi buộc phải đẩy lùi mối đe dọa khỏi biên giới của chúng tôi xa bấy nhiêu".

Theo Newsweek, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức (DGAP) hồi đầu tháng 11 đã công bố báo cáo trong đó nhấn mạnh, NATO có nguy cơ phải chơi trò "đuổi bắt" với Nga, bất chấp cuộc xung đột nảy lửa của Moscow ở Ukraine.

Hai chuyên gia Christian Mölling và Torben Schütz của DGAP khẳng định, "Nga là mối đe dọa lớn nhất và cấp bách nhất đối với các nước NATO" và liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đang trong một "cuộc chạy đua với thời gian".

"Một khi giao tranh khốc liệt ở Ukraine kết thúc, chế độ ở Moscow có thể cần ít nhất từ 6 đến 10 năm để tái thiết lực lượng vũ trang của mình. Trong khung thời gian đó, Đức và NATO phải chuẩn bị sẵn sàng để lực lượng vũ trang của họ đủ sức ngăn chặn và, nếu cần, chiến đấu chống lại các lực lượng vũ trang Nga.

Chỉ khi đó họ mới có thể giảm thiểu nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh khác ở châu Âu. Nếu Moscow chuẩn bị sẵn sàng lực lượng vũ trang chỉ sau 6 năm, NATO sẽ ngày càng khó có thể bắt kịp", các chuyên gia của DGAP nhận định.

Quân đội Nga đã bị tổn thất và những hạn chế trong nỗ lực hiện đại hóa kéo dài hàng thập kỷ của Moscow đã được thể hiện rõ ràng với thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia của DGAP khẳng định: "Gấu Nga vẫn chưa bị cắt móng".

Họ bình luận: "Ngay cả sau gần hai năm tham chiến ở Ukraine, khả năng chiến đấu của Nga vẫn lớn hơn những gì ấn tượng hiện nay cho thấy... Các lực lượng trên bộ của Nga chịu tổn thất lớn nhất về nhân lực và trang thiết bị, họ sẽ đại diện cho nỗ lực tái thiết chính.

Ukraine và các đối tác phương Tây đang ở trong một cuộc xung đột lâu dài, và - theo các tác giả của báo cáo GDAP - công việc chuẩn bị cho cuộc chiến tiếp theo nên bắt đầu ngay bây giờ, đó sẽ là một cuộc chiến tổng lực.

Moscow không bình luận về nhận định của Tổng Tham mưu trưởng quân đội Đức cũng như bình luận của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức (DGAP).

Theo Newsweek, Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung, RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine