1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc "ve vãn" Nepal, Ấn Độ lo lắng

Khi giáo viên bước vào một lớp học ở Kathmandu, học sinh đều đứng dậy và chào bằng tiếng phổ thông Trung Quốc. Mỗi buổi sáng, nhóm học sinh này gồm khoảng 20 em nam và nữ tập trung trong một căn hộ tầng hai trong khu chợ đông đúc ở Kathmandu để học tiếng Trung Quốc.


Họ tin rằng, học thứ ngôn ngữ mới này sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm. "Hơn một tỉ người sống ở Trung Quốc, và thậm chí chỉ 1% số đó tới thăm Nepal mỗi năm, thì chúng tôi đã có thể có rất nhiều việc làm tốt", sinh viên Raju Shreshtha, người muốn trở thành hướng dẫn viên du lịch cho biết.

Số lượng các trung tâm tư nhân dạy tiếng Trung Quốc đang gia tăng mạnh trong ít năm gần đây ở Nepal, đất nước nằm giữa hai cường quốc châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc. Và chính phủ Trung Quốc cũng đang tích cực khuyến khích người dân Nepal học ngôn ngữ của họ. Thậm chí, Trung Quốc còn cử giáo viên tới Kathmandu để giảng dạy miễn phí và thiết lập Trung tâm Khổng tử ở Đại học Kathmandu để "truyền bá rộng rãi ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc".

Khi Nepal vật lộn với sự bất ổn chính trị vì lực lượng nổi dậy có vũ trang và dường như tiến trình hòa bình trở nên dài bất tận, thì Bắc Kinh lại càng đẩy mạnh sự "dính líu" với Kathmandu. Trung Quốc tập trung vào đầu tư, trao đổi văn hóa và nâng cấp sự tiếp xúc chính trị ở mọi cấp. Trước cuộc bầu cử cơ quan lập hiến của Nepal (dự kiến diễn ra trong tháng 11), Trung Quốc đã mời lãnh đạo các đảng chính trị quan trọng tới bàn thảo, bắt đầu với cựu thủ tướng Pushpa Kamal Dahal. Ông này vừa trở về từ Bắc Kinh.

Những con đường mới hình thành giữa Nepal và Trung Quốc.

Những con đường mới hình thành giữa Nepal và Trung Quốc.
 
Các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc còn tự mình phát triển để trở thành một trung tâm giáo dục quốc tế, tăng gấp đôi số lượng học bổng để thu hút học sinh, sinh viên Nepal. "Tầng lớp tinh hoa người Nepal thường có truyền thống tới Ấn Độ để đào tạo chuyên sâu. Nhưng rồi một ngày nào đó, giới lãnh đạo tương lai của Nepal sẽ được đào tạo ở Bắc Kinh, Thượng Hải hơn là những trường đại học Ấn Độ ở Allahabad, Varanasi và Patna", nhà phân tích cấp cao Nepal Yubaraj Ghimire nhấn mạnh.

Tất cả điều đó đều khiến đối thủ của Trung Quốc trong khu vực là Ấn Độ, cảm thấy bất an. "Ấn Độ nên chú tâm vào các hoạt động của Trung Quốc ở Nepal và nếu Trung Quốc bắt đầu khuếch trương ảnh hưởng của họ về phía nam tới khu vực Terai, thì đó là điều đáng lo lắng với Ấn Độ", Deb Mukherjee, cựu đại sứ Ấn Độ tại Kathmandu cho biết.

Có một lịch sử dài mất lòng tin lẫn nhau, một cuộc xung đột vũ trang vùng biên giới năm 1962 và tranh chấp lãnh thổ vẫn đang diễn ra giữa hai nước, Ấn Độ đang coi việc Trung Quốc gia tăng lợi ích ở Nepal là có sự hoài nghi nhất định.

Mặc dù Trung Quốc còn kém xa Ấn Độ về phương diện đầu tư tổng thể tại Nepal, nhưng các nhà phân tích khẳng định, họ sẽ sớm theo kịp. Trung Quốc đã ký một thỏa thuận với Nepal năm 2012 để đầu tư 1,6 tỉ USD vào dự án thủy điện ở Tây Seti, một trong những dự án điện lớn nhất ở Nepal.

Một công ty Trung Quốc đang xây dựng dự án thủy điện 456 megawatt ở khu vực Thượng Tamakoshi. "Cho dù giờ đây, Ấn Độ vẫn là nhà đầu tư lớn nhất ở Nepal, thì xu thế ấy cũng đang thay đổi", Dhruba Rajbanshi, tổng giám đốc cơ quan Công nghiệp Nepal nói. "Hiện tại, Trung Quốc muốn đầu tư vào các dự án thủy điện lớn và nếu được chấp thuận, thì khối lượng đầu tư của người Trung Quốc thực sự khổng lồ".

Theo các quan chức Trung Quốc thì, họ muốn sử dụng Nepal như điểm trung chuyển để mở rộng kinh doanh, đầu tư, thương mại ra khắp Nam Á. Đây là một lý do khác khiến Ấn Độ không thấy thoải mái khi khu vực đã ngập tràn hàng hóa Trung Quốc.

Bước đầu tiên để thúc đẩy các lợi ích kinh doanh vượt ra ngoài Nepal thông qua đường bộ, Trung Quốc đã tiến hành nhiều dự án phát triển mạng lưới đường sá xuyên dãy Himalaya. Đó là con đường hiện đại dài 115km Araniko nối Kathmandu đến thị trấn Kodari gần biên giới Trung Quốc. Nước này còn còn đầu tư 20 triệu USD để nâng cấp con đường đất 17km nối giữa Syaphrubesi của Nepal và Kerung ở Tây Tạng. Ở phần khác của biên giới, họ đã xây dựng đường 318, dẫn đến Lhasa và cuối cùng là tới Thượng Hải.

"Dãy Himalaya không còn là rào cản giữa Trung Quốc và Nepal", Kanak Mani Dixit, biên tập Tạp chí Himal Southasian nói. Ông cho rằng, trong quá khứ, có sự ngầm định giữa thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ thời độc lập Jawaharlal Nehru và thủ tướng khi ấy của Trung Quốc là Chu Ân Lai rằng, Nepal nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Ấn Độ. "Nhưng giờ đây mọi thứ đã khác. Với sự bất ổn ngày một lớn ở Nepal, thì các lợi ích và ảnh hưởng của Trung Quốc cùng càng gia tăng", ông Dixit nhấn mạnh. "Cùng lúc đó, Ấn Độ cũng ngày càng cảnh giác các động thái của Trung Quốc với những láng giềng của mình".

Mặc dù khoảng trống văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ với Nepal vẫn là thách thức lớn với Trung Quốc trong thời gian dài. Nhưng Ấn Độ cũng hiểu rằng, Bắc Kinh đang thúc đẩy mọi kế hoạch phía trước và sẽ không dễ dàng từ bỏ. Giờ đây, New Delhi đang đối mặt với câu hỏi là, họ sẽ phản ứng thé nào với mối quan hệ ngày một phát triển giữa Trung Quốc và Nepal.
 
Theo Khánh Ly
Tuanvietnam