1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc và 5 "thế bí" trong vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên

(Dân trí) - Từng ra sức bảo vệ Triều Tiên song hiện nay, Trung Quốc đang bị chính "đồng minh thân cận" đẩy vào thế khó khi phải đối mặt với 5 thách thức lớn liên quan đến kế hoạch phóng vệ tinh gây tranh cãi của Bình Nhưỡng.

 
Trung Quốc và 5 thế bí trong vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên
Tên lửa của Triều Tiên trên bệ phóng.

Cái khó nhất đối với Trung Quốc trong hồ sơ hạt nhân của Triều Tiên là nước này luôn bị đẩy vào thế bị động, buộc phải cuốn theo cuộc chơi đầy rủi ro và bất ngờ do chính đối tác chiến lược "sớm nắng, chiều mưa" đạo diễn, cho dù Bắc Kinh đường đường là một nước lớn có nền ngoại giao độc lập tự chủ được thế giới coi trọng.

Điều này từng diễn ra trong cuộc khủng hoảng hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên cách đây 3 năm và nay, một lần nữa lại được thể hiện rất rõ trong kế hoạch phóng vệ tinh Kwangmyongsong -3 bằng tên lửa đẩy Unha-3 của Bình Nhưỡng.

Chính vì vậy, trong những ngày qua, thế giới đã được chứng kiến cảnh Trung Quốc vừa lựa chiều ứng phó, vừa hối thúc các bên không nên có hành động quá khích, vừa đau đầu tìm kiếm kế "cầm chân" Triều Tiên, đồng thời lại phải vạch sẵn các kịch bản sau khi Triều Tiên thực hiện vụ phóng. 

Tất nhiên, những hành động trên của Trung Quốc không phải không có lý do.
 
Thực tế xưa nay, Trung Quốc luôn là nước làm trung gian hòa giải cho các cuộc đàm phán 6 bên và đối thoại Mỹ- Triều. Chính vì thế, Bắc Kinh không thể không hành động khi không khí chính trị, ngoại giao và quân sự ở khu vực Đông Bắc Á đang nóng lên từng ngày với hàng loạt hoạt động ngoại giao con thoi của các nhà lãnh đạo khu vực và thế giới.
 
Đó là chưa kể vô khối các quyết định "điều quân, khiển tướng" dồn dập của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm "bài binh, bố trận" các đội tàu khu trục và dàn phòng thủ tên lửa trước khi Triều Tiên tiến hành vụ phóng vệ tinh, mà họ cho rằng chỉ là lớp vỏ ngụy tạo cho một vụ thử tên lửa tầm xa.
 
Nhưng bất chấp những sức ép trên, Triều Tiên vẫn kiên định kế hoạch phóng vệ tinh vì mục đích dân sự của mình. Nước này còn chủ động mời đại diện 8 nước và các tổ chức quốc tế liên quan tới giám sát vụ phóng, đồng thời chào đón gần 100 nhà báo từ 21 hãng thông tấn, báo chí lớn trên thế giới đến "mục sở thị" bãi phóng Tongchang-ri ở Đông Bắc Triều Tiên.
 
Tình hình này khiến Trung Quốc như đang "ngồi trên đống lửa" do phải đối mặt với 5 thách thức lớn:

Thứ nhất, Trung Quốc không biết nên phúc đáp thế nào về việc cử đoàn đại biểu đến quan sát hiện trường vụ phóng theo lời mời của Triều Tiên? Nếu chấp nhận, Bắc Kinh sẽ đi ngược lại lập trường "quan ngại và lo lắng" mà các nhà lãnh đạo nước này đưa ra trong những ngày gần đây. Nó cũng sẽ khiến cộng đồng quốc tế gia tăng nghi ngại đối với mối quan hệ thân thiết Trung - Triều. Nhưng nếu không đến, Bắc Kính cũng sẽ nhận lại sự oán trách của Bình Nhưỡng và càng khiến Triều Tiên cho rằng Trung Quốc đang "đứng nhầm chiến tuyến". 

Suy cho cùng, đến hay không đến đều sẽ gây khó cho Bắc Kinh vì hành động này thể hiện quan điểm của Trung Quốc trong việc ủng hộ hay không ủng hộ Triều Tiên.

Thứ hai, Trung Quốc sẽ hành xử như thế nào nếu không may vệ tinh của Triều Tiên xâm phạm lãnh thổ nước này? Để tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa của Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc đang được triển khai dày đặc cả trên đất liền và trên biển, Triều Tiên đã quyết định lái quỹ đạo phóng vệ tinh về phía Tây. Nhưng điều này sẽ khiến tên lửa hoặc mảnh vỡ tên lửa có nguy cơ rơi xuống lãnh thổ của Trung Quốc. Trong trường hợp vụ phóng thất bại, nếu Trung Quốc đưa kháng nghị chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng quan hệ Trung-Triều. Còn ngược lại, Bắc Kinh sẽ phải chịu không ít áp lực của dân chúng trong nước.

Thứ ba, Trung Quốc sẽ bỏ phiếu gì cho dự thảo nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ)? Bất luận vụ phóng thất bại hay thành công, một điều chắc chắn là Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều sẽ tìm kiếm một nghị quyết trừng phạt dành cho Bình Nhưỡng. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc chỉ có 3 sự lựa chọn:

1/ Ủng hộ dự thảo nghị quyết trừng phạt Triều Tiên. Động thái này sẽ được phương Tây ca ngợi nhưng lại bị Triều Tiên oán trách.

2/ Sử dụng quyền phủ quyết. Khi ấy, Trung Quốc sẽ bị coi là bên đại diện ủng hộ những hành động quá khích của Triều Tiên. Vì vậy, không loại trừ khả năng các nước phương Tây sẽ tìm cách gia tăng sức ép về mọi mạt đối với Bắc Kinh, khiến môi trường xung quanh nước này trở nên ngột ngạt.

3/ Biện hộ cho hành động của Bình Nhưỡng và tìm kiếm “Tuyên bố của Chủ tịch” thay thế cho “Nghị quyết trừng phạt". Nhiều khả năng đây sẽ là lựa chọn của Bắc Kinh, cho dù phương án này cũng sẽ làm mất lòng cả hai bên.  

Khó khăn thứ tư là Trung Quốc sẽ thuyết phục Triều Tiên như thế nào sau những hành động trừng phạt tới đây của quốc tế? Bắc Kinh lo ngại Bình Nhưỡng sẽ phản ứng mạnh mẽ, thậm chí tiến hành vụ thử hạt nhân mới, sau khi HĐBA thông qua nghị quyết trừng phạt hoặc ra “Tuyên bố của Chủ tịch”. Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên định chính sách với Triều Tiên hay sẽ có sự điều chỉnh nào đó? Đây không những là bài toán ngoại giao chính trị quốc tế, mà còn là vấn đề chính trị nội bộ của Trung Quốc trong thời gian tới đây.

Khó khăn cuối cùng là Trung Quốc giải thích thế nào trước những chỉ trích về viện trợ của Bắc Kinh dành cho Triều Tiên? Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đã viện trợ rất nhiều cho Bình Nhưỡng, khiến một bộ phận cộng đồng thế giới không hài lòng. Mặc dù vậy, Trung Quốc lại không thể lý giải tường tận về hành động này, cũng như không thể chứng minh rằng việc viện trợ không có liên quan gì tới những hành động quá khích của Bình Nhưỡng. Điều duy nhất mà Trung Quốc có thể đưa ra là nước này muốn tránh một làn sóng di cư ồ ạt của người Tiều Tiên tràn sang khu vực Đông Bắc Trung Quốc nếu như chương trình viện trợ bị ngừng lại. Tuy nhiên, lý lẽ này xem ra không đủ sức thuyết phục.

Có thể thấy trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, Trung Quốc từ đầu đến cuối luôn là nhà điều đình, luôn có những nỗ lực ngoại giao rất lớn trong việc kết nối các cuộc đàm phán 6 bên cũng như đàm phán song phương Mỹ - Triều.

Nhưng một thực tế không thể phủ nhận là những kết quả mà Trung Quốc nhận được thường tỷ lệ nghịch với những nỗ lực mà nước này bỏ ra.

Vì vậy, trước một tình hình bán đảo Triều Tiên còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, khó lường, Trung Quốc cần phải thể hiện rõ hơn quan điểm của mình trong việc Triều Tiên có thể làm gì, không thể làm gì để từ đó tìm ra giải pháp toàn diện cho sự ổn định và an ninh ở khu vực Đông Bắc Á trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền và quyền phát triển hòa bình của mỗi quốc gia.

            Vũ Hà