1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

“Trung Quốc sẽ triển khai chiến đấu cơ cất cánh thẳng đứng tại Biển Đông”

(Dân trí) - Báo Nga đưa tin Trung Quốc đang phát triển loại máy bay chiến đấu cất cánh thẳng đứng phục vụ tác chiến trên biển. Bắc Kinh có thể đang tính toán triển khai chúng ở đường băng thuộc các đảo nhỏ trên Biển Đông.

Trung Quốc đang phát triển các máy bay cất cánh, hạ cánh thẳng đứng. (Ảnh minh họa:

Trung Quốc đang phát triển các máy bay cất cánh, hạ cánh thẳng đứng. (Ảnh minh họa: Sputnik)

Tờ Sputnik của Nga đầu tháng này đưa tin, Trung Quốc dự định tiếp tục triển khai công tác nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu có khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng.

Báo Nga nhận định đây là một chương trình cực kỳ tốn kém, vì vậy cần nghiên cứu những tính toán chiến lược quân sự đằng sau kế hoạch này.

Sputnik dẫn lời ông Vasily Kashin thuộc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga cho rằng, loại máy bay này chủ yếu dùng để tác chiến trên biển. Trên lý thuyết, loại máy bay chiến đấu này không cần sân bay cỡ lớn và hiện đại để có thể cất cánh, do đó có thể hoạt động cả trên các địa hình phức tạp trên đất liền, như trên núi.

Trong chiến tranh Afghanistan, Liên Xô từng thử nghiệm sử dụng máy bay cường kích cất hạ cánh thẳng đứng Yak-38 để nâng các phương tiện chiến tranh. Tuy nhiên, lực nâng của Yak-38 trên vùng núi có hiệu suất hoạt động rất thấp, cho nên khó cất cánh thẳng đứng khi mang theo các phương tiện.

Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ cũng thường xuyên sử dụng máy bay tấn công cất cánh thẳng đứng AV-8B ở Afghanistan. Nhưng, những máy bay này sử dụng căn cứ không quân thông thường của các máy bay thông thường, hoàn toàn không tận dụng tính năng cất hạ cánh thẳng đứng. Tính năng chiến đấu trên đất liền của máy bay tấn công AV-8B trong tình hình thông thường không bằng máy bay chiến đấu loại khác.

Sau khi phân tích các trường hợp của Nga và Mỹ, Sputnik nhận định dường như Bắc Kinh có thể sử dụng các máy bay cất cánh thẳng đứng tác chiến ở các khu vực có hạ tầng cơ sở kém như núi Himalayas và Trung Á, nhưng có lẽ loại máy bay đắt đỏ này chủ yếu được thiết kế cho mục đích tác chiến trên biển.

Đối với hạm đội của một số nước, máy bay cất hạ cánh thẳng đứng kết hợp với tàu sân bay hạng nhẹ là sẽ là một lựa chọn thay thế đầy tính kinh tế cho một hạm đội tàu sân bay thực sự. 

Chỉ có Mỹ đồng thời sử dụng máy bay cất cánh thẳng đứng và máy bay truyền thống nhưng đó là do lực lượng Thủy quân lục chiến là binh chủng độc lập và rất có vai trò ảnh hưởng tại Mỹ. Lực lượng này kiên trì sở hữu máy bay của mình, trong đó có máy bay tấn công AV-8B. Động thái này đã khiến nhiều chuyên gia Mỹ phê phán, bởi cho rằng đầu tư máy bay tàu sân bay thực thụ sẽ sáng suốt hơn.

Trong khi đó, Sputnik nhận định, Hải quân đánh bộ Trung Quốc không phải là một binh chủng mạnh độc lập, mà chỉ là một bộ phận của Hải quân Trung Quốc.  Bởi vậy, dường như các máy bay hạ cánh cất cánh thẳng đứng này là một phần của chiến lược hải quân.

Trung Quốc đang phát triển các máy bay cất cánh, hạ cánh thẳng đứng. (Ảnh minh họa:

Đường băng phi pháp do Trung Quốc ngang nhiên xây dựng trên bãi Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: Jane)

Theo báo Nga, loại máy bay chiến đấu này rất dễ triển khai, có thể sử dụng đường băng do Trung Quốc xây dựng trái phép ở "các đảo nhỏ trên Biển Đông", biến các đảo này thành “tàu sân bay không chìm”.

Ngoài ra, Trung Quốc có thể đã có một kế hoạch chế tạo hàng loạt tàu đổ bộ (như tàu đổ bộ Type 081 đã được trưng bày tại triển lãm dưới dạng mô hình). Và nhờ vào những máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng này, Trung Quốc sẽ có thể tăng mạnh số lượng tàu của hạm đội tàu sân bay.

Tuy nhiên, hạm đội tàu sân bay của Trung Quốc dù thế nào trong mấy năm tới vẫn sẽ nằm trong giai đoạn phát triển ban đầu, Sputnik viết.

Thông tin trên được báo Nga đăng tải trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng đẩy mạnh kế hoạch bồi đắp trái phép và quân sự hóa các đảo trên Biển Đông. 

Mới đây, trong Đối thoại Shangri-La cuối tháng 5 tại Singapore, trưởng đoàn Trung Quốc, Đô đốc Tôn Kiến Quốc ngang nhiên thừa nhận các đảo nhân tạo phục vụ mục đích quân sự, trước khi ngụy biện rằng các công trình này giúp Trung Quốc “hoàn thành trách nhiệm với cộng đồng quốc tế”, theo AFP.

Thoa Phạm 
Theo Sputnik, AFP