1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc “rải” 55 tỷ USD tại Trung Đông với mục đích gì?

(Dân trí) - Trong khuôn khổ chuyến công du Trung Đông, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết hỗ trợ nhân đạo và đầu tư tới 55 tỷ USD cho khu vực này, trong động thái được tin nhằm gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh, và bảo vệ các lợi ích về dầu mỏ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm chính thức Ảrập xêút. (Ảnh: AFP)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm chính thức Ảrập xêút. (Ảnh: AFP)

Theo tờ Thời báo Hoàn cầu, trong bài phát biểu tại trụ sở Liên đoàn Ảrập, đặt tại Cairo, Ai Cập, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết khoản tín dụng 15 tỷ USD cho các quốc gia Ảrập, 10 tỷ USD tín dụng doanh nghiệp, và 10 tỷ USD cho vay ưu đãi, để hỗ trợ các hoạt động hợp tác công nghiệp giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực.

Ngoài ra, Trung Quốc đã quyết định chi 7,53 triệu giúp hỗ trợ cải thiện đời sống cho cư dân Palestine, và 34,6 triệu USD viện trợ nhân đạo cho Syria, Jordan, Lebanon, Libya và Yemen.

Cùng lúc đó, Trung Quốc sẽ bàn thảo với UAE và Qatar về thành lập một quỹ đầu tư chung có quy mô 20 tỷ USD, tập trung vào các nguồn năng lượng truyền thống của Trung Đông, hạ tầng và ngành sản xuất công nghệ cao.

Ông Tập còn đề xuất chi 300 triệu USD cho hoạt động hợp tác thực thi pháp luật và huấn luyện cảnh sát, để giúp các quốc gia Trung Đông nâng cao khả năng duy trì sự ổn định trong khu vực.

Tuần qua, ông Tập Cận Bình đã công du một loạt quốc gia được xem như có ảnh hưởng nhất tại khu vực giàu tài nguyên dầu mỏ này, gồm Ảrập xêút, Ai Cập và Iran.

Theo tờ Economist, từ khi lên nhậm chức năm 2012, Chủ tịch Tập Cận Bình luôn bận rộn với các chuyến công du quốc tế. Năm ngoái, ông tới thăm nhiều nước hơn cả Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Lịch trình của nhà lãnh đạo Trung Quốc trải khắp thế giới, từ Maldives tới Zimbabwe. Đây được tin là nỗ lực nhằm cho thấy sức mạnh đang lên của Trung Quốc, và ông tập là người quảng bá hình ảnh đó tới công chúng trong nước cũng như quốc tế.

Ngoại giao dầu mỏ

Chuyến công du Trung Đông của ông Tập là lần đầu tiên một lãnh đạo Trung Quốc trở lại khu vực này từ năm 2009. Lâu nay, Bắc Kinh vẫn lo lắng sẽ bị cuốn vào những rắc rối không có hồi kết tại Trung Đông, nhưng giờ họ có nhiều quyền lợi tại đây.

Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, với hơn một nửa lượng dầu thô được mua từ đây. Các công ty dầu mỏ Trung Quốc đang muốn có vai trò lớn hơn tại Ảrập Xêút và Iran, hai thị trường cung cấp gần 1/4 dầu thô cho nước này.

Tập đoàn dầu khí quốc doanh Sinopec đang nhắm tới những hợp đồng xây dựng và chế tạo nhà máy lọc dầu lớn tại Trung Đông, cũng như các nhà máy hóa dầu, một quan chức giấu tên cho biết.

Trong khi đó, CNPC, tập đoàn mẹ của PetroChina, cũng đang tái cấu trúc hoạt động tại Trung Đông, nhằm cung cấp nhiều dịch vụ tích hợp, từ khai thác tới chế tạo.

Ngoài ra, tham vọng lập “Con đường Tơ lụa mới” của ông Tập, với mục tiêu nối Trung Quốc với châu Âu, trong đó Trung Quốc hỗ trợ phát triển hạ tầng, sẽ chạy qua Trung Đông. Các công ty Trung Quốc hiện cũng đang xây dựng nhiều tuyến cao tốc và cảng biển tại đây.

Dù vậy, lịch trình chuyến đi của ông Tập bị xem là khá nhạy cảm, khi căng thẳng đang lên cao giữa Iran và Ảrập Xêút, sau khi một giáo sỹ Hồi giáo Shia bị chính quyền Ảrập Xêút xử tử hồi tháng này. Vụ việc khiến dân chúng Iran nổi giận, đốt phá đại sứ quán Ảrập Xêút tại Tehran.

Nhưng việc phương Tây bãi bỏ lệnh cấm vận với Iran hôm 16/1 giúp ông Tập có thể cho thấy sự đối xử cân bằng, khi thăm cả hai nước, mà không làm phương Tây phật lòng.

Như những người tiền nhiệm, ông Tập khẳng định Trung Quốc không tìm cách lấp đầy bất kỳ “khoảng trống quyền lực” nào tại Trung Đông, cũng không tìm các bên ủy nhiệm.

“Thay vì tìm kiếm những bên ủy nhiệm, Trung Quốc thúc đẩy đối thoại hòa bình tại Trung Đông; thay vì tìm kiếm bất kỳ trường ảnh hưởng nào, Trung Quốc kêu gọi tất cả các quốc gia trong khu vực tham gia vào Sáng kiến Vành đai và Con đường; thay vì tìm cách lấp vào bất kỳ “khoảng trống” nào, Trung Quốc muốn xây dựng một mạng lưới quan hệ đối tác cùng có lợi”, ông Tập phát biểu.

Dù vậy, theo tờ Economist, về lâu dài, Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc tránh chọn đứng về một bên nào. Ở một mức nào đó, Bắc Kinh đã phải làm điều này tại Syria. Dù đối thoại với cả đại diện chính quyền Syria và phe đối lập, nhưng với việc phủ quyết các nghị quyết Liên Hợp Quốc về can thiệp vào Syria, Trung Quốc thực tế đã ngả về chính quyền Tổng thống Assad.

Sự hiện diện ngày một lớn của công dân Trung Quốc tại Trung Đông đồng thời cũng có thể ảnh hưởng tới cách tiếp cận không can thiệp của nước này. Sau khi một công dân Trung Quốc bị IS hành quyết hồi tháng 11, Bắc Kinh cam kết tăng cường bảo vệ công dân ở nước ngoài. Luật về ngoại giao Trung Đông mới của họ có thể cũng sẽ trở nên giống cách phương Tây đang can thiệp.

Thanh Tùng

Theo Global Times, Economist