1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc “nổi đóa” với phát biểu của Anh về Biển Đông

(Dân trí) - Trung Quốc đã tỏ thái độ giận dữ sau tuyên bố của ông Hugo Swire, Quốc vụ khanh phụ trách Đông Á của Bộ Ngoại giao Anh, về việc Bắc Kinh phải tuân thủ phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Hay (Hà Lan) về đơn kiện của Philippines liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Quốc vụ khanh phụ trách Đông Á của Bộ Ngoại giao Anh Hugo Swire (Ảnh: Internet)
Quốc vụ khanh phụ trách Đông Á của Bộ Ngoại giao Anh Hugo Swire (Ảnh: Internet)

Ông Hugo Swire nói rằng, phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) là cơ hội để Trung Quốc và Philippines tái khởi động các cuộc đối thoại về các tranh chấp lãnh thổ. Phán quyết của Tòa dự kiến được đưa ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.

Đáp trả những phát biểu của ông Hugo Swire, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm nay nói: “Những phát biểu của ông Swire đã bỏ qua tình hình thực tế, phiến diện và mang tính phân biệt đối xử, đi ngược lại hoàn toàn với cam kết giữ quan điểm trung lập của Anh trước đây”.

“Chúng tôi cực lực phản đối những phát biểu này của ông Swire”, bà Hoa nhấn mạnh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn ngang nhiên nói rằng căng thẳng trên Biển Đông là do Mỹ và Philippines gây ra, chứ không phải do Trung Quốc, vì các tàu và máy bay của Mỹ xuất hiện ngày càng nhiều ở khu vực này.

“Thực tế đã chứng minh rằng nếu tình hình Biển Đông thực sự trở nên căng thẳng thì nước đứng sau tạo ra những căng thẳng đó chính là Mỹ”, bà Hoa nói.

Bà nhắc lại rằng Trung Quốc không chấp nhận và cũng không tham gia vào vụ kiện với Philippines. Trung Quốc coi đây là hành vi lạm dụng luật pháp quốc tế.

Hồi tháng 2, Mỹ và Liên minh châu Âu đã lên tiếng cảnh báo Trung Quốc nên tuân thủ theo các phán quyết của tòa La Hay. Tuy nhiên, các phán quyết của Tòa La Hay không mang tính ràng buộc và đã từng bị lờ đi trước đây.

Việc Anh đặt ưu tiên phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc và chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm cấp nhà nước hồi tháng 10 năm ngoái đã dẫn đến những lời chỉ trích cho rằng Anh đặt lợi ích kinh tế ngắn hạn lên trên vấn đề nhân quyền và các vấn đề an ninh.

Anh cũng khiến Mỹ “phật lòng” khi trở thành nước ngoài châu Á đầu tiên và là thành viên đầu tiên của Nhóm các nước công nghiệp G7 đẩy mạnh quan hệ kinh tế với Trung Quốc khi tham gia vào một ngân hàng phát triển châu Á do Trung Quốc hậu thuẫn. Washington luôn coi ngân hàng này là đối thủ của các thể chế tiền tệ do phương Tây đứng đầu như Ngân hàng thế giới.

Trung Quốc rêu rao rằng họ có “chủ quyền không thể chối cãi” với toàn bộ các đảo trên Biển Đông cũng như các vùng biển xung quanh, chồng lấn lên các vùng biển của Brunei, Malaysia, Việt Nam và Philippines. Việc Bắc Kinh gia tăng các hành động khiêu khích và ngang ngược trong việc khẳng định chủ quyền tại biển Đông ngày càng khiến nhiều quốc gia trong khu vực lo ngại.

Thành Đạt