1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc làm nóng cuộc đua tàu ngầm

CTV

(Dân trí) - Trung Quốc đang tích cực triển khai kế hoạch chế tạo tàu ngầm Type 096 thế hệ mới, dự kiến đi vào hoạt động vào cuối thập niên này.

Trung Quốc làm nóng cuộc đua tàu ngầm - 1

Một tàu ngầm của Trung Quốc nổi trên biển hồi năm 2019 (Ảnh: Reuters).

Với một phần công nghệ được cho là do Nga cung cấp, thế hệ tàu ngầm Type 096 mới, chạy bằng năng lượng hạt nhân, sẽ là bước đi lớn của Trung Quốc trong cuộc chạy đua vũ trang, cùng với việc biên chế các loại vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo tiên tiến.

Các nhà nghiên cứu cho biết việc phát hiện và theo dõi các tàu ngầm của Trung Quốc "sẽ là một cơn ác mộng".

Nỗ lực theo dõi các tàu ngầm của Trung Quốc là động lực thúc đẩy Hải quân Mỹ hợp tác cùng hải quân các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm thiết lập và triển khai các kế hoạch quân sự dự phòng. Động lực này sẽ càng trở nên mạnh mẽ khi những chiếc tàu ngầm thế hệ mới của Trung Quốc chính thức đi vào hoạt động.

Thời gian gần đây, Hải quân Trung Quốc thường xuyên tổ chức các cuộc tuần tra răn đe với các tàu ngầm Type 094 mang tên lửa JL-3 thế hệ cũ. Đây là loại tên lửa phóng từ tàu ngầm tiên tiến nhất hiện nay của Trung Quốc nhưng vẫn là một trở ngại lớn đối với các tàu ngầm do chúng có âm thanh lớn.

Hình ảnh vệ tinh được chụp vào tháng 11/2022 tại xưởng đóng tàu Huludao mới của Trung Quốc cho thấy các phần thân chịu áp của một tàu ngầm lớn, được cho là Type 096, đang được gia công. Nghiên cứu cũng chỉ ra những đột phá tiềm năng về kỹ thuật, bao gồm động cơ đẩy phản lực và các thiết bị làm giảm tiếng ồn cũng dần lộ diện.

Type 096 được gọi là "sự đổi mới sao chép" khi trang bị hệ thống làm giảm tiếng ồn phức tạp tương tự thiết kế của Nga.

Các nhà nghiên cứu cho biết, dù Trung Quốc khó có thể sở hữu tàu ngầm mới nhất về công nghệ của Nga, nhưng Type 096 vẫn có khả năng tàng hình, cảm biến và vũ khí tương đương các tàu ngầm Nga hiện đại nhất.

Vasily Kashin, một học giả quân sự Trung Quốc tại Đại học Kinh tế có trụ sở tại Moscow, cho biết có thể Bắc Kinh đã đạt được những đột phá trong công nghệ chế tạo tàu ngầm thông qua điều chỉnh các thiết kế từ Nga và các nguồn khác, bao gồm cả hoạt động gián điệp.

Tuy nhiên, khó có khả năng họ sở hữu các công nghệ mới nhất của Nga bởi ngoại trừ một số công nghệ quan trọng thu được vào những năm 1990 sau khi Nga tan rã và một thỏa thuận về lò phản ứng hạt nhân  vào năm 2010, không có bất kỳ một thỏa thuận chia sẻ nào khác giữa hai quốc gia được ghi nhận. 

"Trung Quốc không phải là đối thủ của Nga trong lĩnh vực hải quân, và sự xuất hiện của Type 096 không tạo ra khó khăn cho chúng tôi mà tạo ra vấn đề cho Mỹ", ông Kashin nói thêm.

Sự phát triển của các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo tiên tiến sẽ làm phức tạp thêm cuộc chạy đua vũ trang vốn đã căng thẳng dưới lòng biển sâu, đồng thời có tác động sâu sắc đến Mỹ và các đồng minh trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Các quốc gia đang tăng cường tổ chức các cuộc tập trận tác chiến chống tàu ngầm, cũng như đẩy mạnh công tác săn tìm tàu ngầm bằng máy bay săn ngầm, phao thủy âm, máy quét bề mặt đại dương và các kỹ thuật quân sự hiện đại khác quanh Đông Nam Á và Ấn Độ Dương.

Theo Reuters, Mỹ cũng đang tiến hành một cuộc cải tổ lớn nhất đối với mạng lưới giám sát tuyệt mật dưới biển kể từ những năm 1950 để chống lại sự hiện diện ngày càng gia tăng của Hải quân Trung Quốc.

Thỏa thuận AUKUS giữa Australia, Anh và Mỹ nhằm đưa các tàu ngầm tấn công của Anh và Mỹ tới Tây Australia cũng đang được các bên liên quan đẩy mạnh đàm phán. Dự kiến, đến những năm 2030, Australia sẽ hạ thủy tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên theo công nghệ của Anh.

Alexander Neill, nhà phân tích quốc phòng Singapore, cho rằng ngay cả khi lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc đạt đến trình độ công nghệ tương đương, họ vẫn cần phải huấn luyện tích cực và chuyên sâu trong thập niên tới để bắt kịp với khả năng của AUKUS.

Tố Uyên

Theo Reuters