1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc công bố chi tiết các chuyến du lịch Hoàng Sa năm nay

(Dân trí) - Tân Hoa xã hôm qua cho biết Trung Quốc sẽ mở các chuyến du lịch thăm Hoàng Sa và Trường Sa trong năm nay. Trong khi đó Trung Quốc huy động 5 chiến hạm của hạm đội tối tân xuống vùng biển tranh chấp với Philippines và Việt Nam.

Trung Quốc công bố chi tiết các chuyến du lịch Hoàng Sa năm nay

Tàu Trung Quốc chạm trán tàu chiến Philippines ở  Biển Đông.

Theo Tân Hoa Xã, một viên chức tỉnh Hải Nam đặc trách vùng biển đảo hôm 10/05/2012 cho biết, du khách có thể viếng thăm các quần đảo này trong năm nay. Các chuyến du hành sẽ được tổ chức bằng tàu biển hoặc máy bay. Du khách ăn ngủ trên tàu và được đặt chân xuống Hoàng Sa.

 

Tân Hoa Xã còn trích lời một “cư dân” tại Hoàng Sa mô tả đời sống trên đảo đã có máy phát điện phục vụ, chỉ tạm phải chở nước ngọt từ đảo Hải Nam sang, nhưng nhược điểm này “sẽ được khắc phục” nếu có du khách đến thăm. Chính quyền cho trồng cây, trồng rau và chăn nuôi gà cùng mở một số hàng quán trong đó có café internet.

 

Một “cư dân” khác nói rằng chính quyền tỉnh Hải Nam dự trù thúc đẩy khai thác du lịch tại Hoàng Sa từ thập niên 1990 nhưng dự án chưa thực hiện được. Giờ đây do tình hình “diễn biến phức tạp” nên có “hy vọng” khi có dự án tổ chức du lịch.

 

Giá một chuyến du lịch Hoàng Sa 4 ngày 3 đêm, do Trung Quốc tổ chức là khoảng 870 đôla Mỹ, tương đương với một năm lương của một công nhân Trung Quốc.
 
Trước đó, Tân Hoa Xã ngày 7/4 đưa tin tối ngày 6/4/2012, tàu du lịch Coconut Princess của Công ty cổ phần vận tải biển Hải Hiệp Hải Nam đã bắt đầu thực hiện hành trình thử nghiệm tuyến du lịch đường biển từ Tam Á, Hải Nam đến đảo Đá Bắc quần đảo Hoàng Sa.
 
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã nhiều lần lên tiếng phản đối Trung Quốc khai thác du lịch ở quần đảo Hoàng Sa và khẳng định: “Việt Nam khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa."

Ngày 9/4 vừa qua, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: Trung Quốc khai thác du lịch ở quần đảo Hoàng Sa "là bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Trung Quốc phải chấm dứt ngay việc làm trên, nghiêm túc tuân thủ DOC, không có thêm hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông”.

 

5 chiến hạm đến Biển Đông, tàu cá tràn ngập Scarborough/Hoàng Nham

 

Thông tin du lịch Hoàng Sa Tân Hoa Xã đăng tải vào lúc Trung Quốc huy động 5 chiến xuống vùng biển tranh chấp với Philippines và Việt Nam. Theo các nguồn tin từ Nhật Bản, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã phát hiện nhóm 5 chiến hạm Trung Quốc ở vùng biển cách quần đảo Okinawa 650km về phía tây nam hôm Chủ nhật, 07/05/2012 sau khi đoàn tàu này vượt qua eo biển Miyako để ra Thái Bình Dương rồi chuyển hướng xuống phía Nam.

 

Đây là năm chiến hạm được cho là thuộc loại tối tân nhất của Hải quân Trung Quốc, thuộc Hạm đội Nam Hải : 2 khu trục hạm Quảng Châu và Vũ Hán thuộc lớp 052B, 2 hộ tống hạm nhỏ Du Lâm và Sào Hồ, lớp 054A, và tàu đổ bộ hạng nặng Côn Luân Sơn lớp 071,có thể hỗ trợ cho một đơn vị gồm 800 thủy quân lục chiến và chở theo các loại thuyền đổ bộ chạy bằng đệm hơi và máy bay trực thăng cỡ trung bình.

 

Theo báo chí Đài Loan, tiểu hạm đội Trung Quốc kể trên đã xuất phát từ đảo Hải Nam và đi qua eo biển Đài Loan, hướng về Thái Bình Dương và khi cách Đài Loan 180 km đã rẽ phải xuống phía Nam. Ngay khi vào đến Thái Bình Dương, các chiến hạm Trung Quốc đã tiến hành thao diễn đội hình chiến thuật và cho phi cơ trực thăng thực tập ở vùng biển quốc tế giữa Đài Loan và Luzon, hòn đảo chính của Philippines.

 

Song song với việc đưa chiến hạm đến gần Philippines, Trung Quốc còn tung thêm tàu đánh cá đến hoạt động ở vùng bãi đá ngầm Scarborough/Hoàng Nham dưới sự bảo vệ chặt chẽ của các chiếc tàu ngư chính và hải giám. Theo báo chí Philippines, từ 14 chiếc vào cuối tuần trước, hiện đã có đến 33 chiếc tràn ngập vùng Scarbrough.

 

Để so sánh, Philippines chỉ có vỏn vẹn hai chiếc tàu tuần duyên nhỏ neo đậu gần đấy. Cuộc đọ sức hiện nay giữa Manila và Bắc Kinh đã được báo giới phương Tây gọi là cuộc đấu giữa “chàng tí hon David chống lại tên khổng lồ Goliath” hay “châu chấu đá xe”.

 

Giới quan sát cho đến giờ vẫn phân vân tự hỏi là nếu xung đột xẩy ra giữa Philippines và Trung Quốc tại khu vực bãi Scarborough thì Hoa Kỳ sẽ phản ứng như thế nào. Trước mắt, Hoa Kỳ có hai động tác: Trước hết là xác nhận sẽ cử chiến hạm tối tân nhất của Mỹ đến trú đóng tại Singapore ngay từ “mùa xuân năm tới” 2013 trong khuôn khổ kế hoạch xoay trục qua vùng châu Á Thái Bình Dương.

 

Liên quan trực tiếp đến vấn đề Biển Đông, chính quyền Mỹ cũng muốn thúc đẩy cơ quan lập pháp phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà hiện nay Hoa Kỳ vẫn đứng ngoài. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã gặp các thượng nghị sĩ để yêu cầu phê chuẩn công ước này để tạo cơ sở pháp lý cho hải quân Mỹ trong việc tuần tra tại các khu vực tranh chấp như Biển Đông.

 

Vũ Quý

Theo Xinhua, AFP