1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc chỉ trích NATO kích động Chiến tranh Lạnh mới

Thành Đạt

(Dân trí) - Đại sứ Trung Quốc tại Nga cho rằng việc NATO mở rộng về phía đông sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và có thể dẫn đến một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Trung Quốc chỉ trích NATO kích động Chiến tranh Lạnh mới - 1

Đại sứ Trung Quốc tại Nga Zhang Hanhui (Ảnh: Tass).

"Việc NATO mở rộng sang phía đông, sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng khu vực, gây thêm khủng hoảng lòng tin, thúc đẩy chạy đua vũ trang, phá hoại bầu không khí hợp tác khu vực, kích động đối đầu giữa các phe nhóm, thậm chí là một cuộc Chiến tranh Lạnh mới", Đại sứ Trung Quốc tại Nga Zhang Hanhui cho biết trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Tass hôm 3/8.

Ông Zhang cho rằng, ngày nay "các quốc gia liên kết với nhau và hòa nhập vào một cộng đồng có chung vận mệnh".

"Sự cởi mở, bao trùm và hợp tác cùng có lợi là lựa chọn đúng đắn duy nhất. Tâm lý Chiến tranh Lạnh và sự đối đầu giữa các phe nhóm đang đi ngược lại với xu thế hiện nay", nhà ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.

Các quan chức Trung Quốc nhiều lần lên tiếng phản đối kế hoạch của NATO về việc mở văn phòng tại châu Á.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hồi tháng 5 đã xác nhận việc NATO đề xuất mở văn phòng đại diện tại Nhật Bản. Đây cũng là văn phòng liên lạc đầu tiên của NATO tại châu Á.

Theo Đại sứ Zhang, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng công khai phản đối việc thành lập văn phòng liên lạc của NATO tại Nhật Bản, nhấn mạnh rằng hiến chương của NATO xác định rõ ràng phạm vi địa lý của liên minh ở Bắc Đại Tây Dương và Nhật Bản nằm ngoài khu vực này.

Ông Zhang nhấn mạnh châu Á - Thái Bình Dương là "khu vực của hợp tác và phát triển, không phải là bàn cờ cho trò chơi địa chính trị". Theo nhà ngoại giao Trung Quốc, khu vực này đã cố gắng duy trì sự thịnh vượng và ổn định lâu dài và tạo ra một "phép màu châu Á - Thái Bình Dương" nhờ sự tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cởi mở, cùng có lợi và khả năng giải quyết sự khác biệt giữa các quốc gia trong khu vực.

Theo Tass