1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc cam kết giải quyết tranh chấp hàng hải thông qua đối thoại

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quan chức Trung Quốc cam kết sẽ tìm cách giải quyết tranh chấp hàng hải với các quốc gia khác thông qua biện pháp đối thoại.

Trung Quốc cam kết giải quyết tranh chấp hàng hải thông qua đối thoại - 1

Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Zhang Youxia phát biểu tại Hội nghị chuyên đề Hải quân Tây Thái Bình Dương tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 22/4 (Ảnh: Reuters).

Trung Quốc vẫn cam kết giải quyết tranh chấp hàng hải với các nước khác thông qua đối thoại nhưng sẽ không cho phép mình bị "bắt nạt", ông Zhang Youxia, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc phát biểu tại cuộc họp với các quan chức hải quân cấp cao nước ngoài tại thành phố cảng Thanh Đảo ngày 22/4.

Ông Zhang, một đồng minh thân cận của Chủ tịch Tập Cận Bình, cho rằng các đại dương không trở thành đấu trường để các quốc gia phô diễn sức mạnh quân sự.

Quan chức này phát biểu tại Hội nghị chuyên đề Hải quân Tây Thái Bình Dương (WPNS). Sự kiện này đã khai mạc vào ngày 21/4 tại thành phố cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, phía đông Trung Quốc.

Với chủ đề "Biển của tương lai chung", cuộc họp kéo dài 4 ngày có hơn 180 đại diện hải quân từ 29 quốc gia, trong đó có Mỹ, Nga, Australia, Campuchia, Chile, Pháp, Ấn Độ.

Sự kiện được xem cơ hội hiếm có để các quốc gia có lợi ích khu vực đối lập nhau cùng trao đổi các quan điểm. Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Stephen Koehler, đang tham dự cuộc họp từ Mỹ. Các phái đoàn khác bao gồm Australia, Pháp, Ấn Độ, Nga và Anh.

Những nước tham gia sẽ tổ chức các cuộc trao đổi kín về các chủ đề như giải quyết các thách thức an ninh hàng hải và Quy tắc ứng phó ngoài ý muốn trên biển, một bộ hướng dẫn nhằm giảm căng thẳng giữa các quân đội trên biển.

Các nhà lãnh đạo hải quân nước ngoài sẽ được mời thảo luận về Sáng kiến An ninh Toàn cầu và hòa bình trên biển, trật tự hàng hải dựa trên hợp tác an ninh hàng hải và luật pháp quốc tế cũng như quản trị hàng hải toàn cầu.

Với tư cách là thành viên sáng lập của WPNS, Trung Quốc lần đầu tiên tổ chức Hội nghị chuyên đề lần thứ 14 tại Thanh Đảo vào năm 2014. Hiện tại, WPNS có 23 quốc gia thành viên và 7 quan sát viên. 

Theo Reuters