1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Đông không còn như cũ

Tổng thống Mỹ Barack Obama khi mô tả chính phủ Ai Cập do Tổ chức Anh em Hồi giáo lãnh đạo không phải là đồng minh cũng không phải là kẻ thù của Mỹ đã gửi đi một thông điệp rõ ràng:

Mỹ không có trách nhiệm phải chống lại hay ủng hộ chính phủ Ai Cập, và các nhà lãnh đạo ở Cairo cần tiền của Mỹ nhiều hơn là Mỹ cần thiện chí của họ. Một lần nữa, Mỹ khẳng định sẽ không can thiệp sâu vào những xáo trộn ở Trung Đông mà sẽ giữ một khoảng cách nhất định. Xu hướng ít dính líu trực tiếp này đang được Mỹ thực thi ở khắp khu vực.

Ở Trung Đông, trong nhiều thế kỷ qua, ổn định thường do áp đặt từ bên ngoài - châu Âu, đế chế Ottoman, Nga và Mỹ. Nhưng ngày nay, không có nước nào muốn và có thể chấp nhận những chi phí và nguy cơ đi kèm vai trò này. Người Mỹ đang lo lắng về việc làm và nợ nần và chính sách đối ngoại của Mỹ chuyển sự tập trung vào châu Á. Người châu Âu đang bận rộn với cuộc khủng hoảng lòng tin ngay trên mảnh đất của họ. Nga thì thiếu sức mạnh như thời Liên Xô cũ, còn Trung Quốc đang bận chuyển giao thế hệ lãnh đạo và lo lắng về tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế.

Do đó, làn sóng chống Mỹ mới nhất lan khắp thế giới Hồi giáo chỉ càng làm tăng sự miễn cưỡng của nước ngoài. Trước khi bị lật đổ, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak từng cảnh báo Washington nhiều lần rằng, thay thế chế độ độc tài của ông chỉ làm bùng nổ một dòng chảy của các phần tử cấp tiến. Cơn ác mộng đó đã được chứng minh qua vụ các nhà ngoại giao Mỹ ở Libya bị giết hại. Không những thế, cơn giận dữ đã lan rộng sang cả Tunisia, Yemen Sudan, Iraq và nhiều nước khác. Cộng thêm tình hình Syria, có vẻ những xung đột khu vực sẽ còn kéo dài nếu không có sự can thiệp từ bên ngoài.

Tuy nhiên, chính phủ các nước bên ngoài Trung Đông hiện đang ít muốn đánh cược hơn bao giờ hết vào các vấn đề của khu vực. Kết quả là nước lớn trong khu vực buộc phải tự giải quyết mọi việc. Trong bối cảnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Saudi Arabia - ba nước với ba hệ thống chính trị, cấu trúc xã hội, thế giới quan và tầm nhìn về khu vực khác nhau - sẽ phải cạnh tranh nhau để giành ảnh hưởng. Những hình thức xung đột khác nhau giữa ba nước này sẽ định hình khu vực trong nhiều năm tới.

Các nước khác sẽ đóng vai trò quan trọng. Ai Cập sẽ phải giữ cân bằng giữa việc xoa dịu cơn giận trên đường phố nhằm vào Mỹ và bảo vệ mối quan hệ với Washington vốn đem lại khoản viện trợ quân sự 1,3 tỉ USD/năm. Nhưng Tổng thống Mohamed Morsi khó mà hoàn thành nhiệm vụ này, nên bất ổn của Mỹ, Israel và phần còn lại của khu vực sẽ gia tăng. Qatar sẽ tiếp tục chi nhiều tiền hơn để mở rộng ảnh hưởng, đặc biệt ở Syria. Cuối cùng, dù Israel không có khả năng tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran trong năm nay, căng thẳng do leo thang "khẩu chiến" từ hai phía sẽ khiến chính phủ và thị trường ở vào thế bấp bênh.

Chào mừng một Trung Đông mới, nơi các giả định cũ phải bị "đặt vấn đề", còn các cuộc khủng hoảng mới đang thành hình. Về lâu dài, ổn định khu vực sẽ chỉ mang lại lợi ích khi các chính phủ ở đây buộc phải nhận trách nhiệm lớn hơn với các hành động khiêu khích. Nhưng con đường từ nay tới lúc đó sẽ chạy qua một đất nước mà chưa ai biết là nước nào.

Theo Phương Nguyên
Việt Nam & Thế giới/IHT