1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Triều Tiên quyết tăng cường răn đe hạt nhân

(Dân trí) – Triều Tiên hôm qua tuyên bố sẽ tiếp tục củng cố sức mạnh quân sự và đẩy mạnh chương trình răn đe hạt nhân, đáp lại các lệnh trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc sau vụ thử tên lửa hồi năm ngoái.

Triều Tiên liên tục thử hạt nhân dù bị trừng phạt
Triều Tiên liên tục thử hạt nhân dù bị trừng phạt

Trong thông báo được hãng tin KCNA phát đi, Bình Nhưỡng cũng khẳng định sẽ không tiến hành thêm bất kỳ cuộc đối thoại nào về vấn đề hạt nhân và sẽ “có những hành động cụ thể” để củng cố sức mạnh quân sự. 

Trước đó, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã phê chuẩn lệnh cấm vận mới đối với nước này do đã tiến hành vụ phóng vệ tinh hồi tháng 12, một hành động mà Liên hợp quốc xem là một vụ thử tên lửa tầm xa và vi phạm lệnh cấm.
 
Trong thông báo phát đi hôm 23/1, Bộ Ngoại giao nước này khẳng định: “Do chính sách ngày càng hiếu chiến của Mỹ đối với Triều Tiên, các cuộc đàm phán 6 bên đã trở về con số 0 và tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đã bị khai tử. Chúng tôi sẽ thực các biện pháp để tăng cường và củng cố sức mạnh quốc phòng, bao gồm khả năng răn đe hạt nhân”.

Thông báo này được phát đi chỉ ít giờ sau khi Trung Quốc, đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên trong Hội đồng Bảo An, đã chấp nhận đề xuất của Mỹ trong việc ban bố lệnh trừng phạt bổ sung. Quyết định này của Bắc Kinh được xem như một tổn thất cho Bình Nhưỡng bởi trước đó Trung Quốc luôn kêu gọi các bên phản ứng một cách thận trọng.

Hội đồng Bảo An đã cấm Bình Nhưỡng thực hiện các vụ thử tên lửa sau khi nước này tiến hành các vụ thử hạt nhân năm 2006 và 2009. Nghị quyết mới của Liên Hợp Quốc bổ sung thêm một số cá nhân và cơ quan không gian Triều Tiên vào danh sách các cá nhân và tổ chức bị cấm vận.

Trong một thập kỷ qua, Triều Tiên đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán với Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản với cam kết chấm dứt chương trình hạt nhân để đổi lại năng lượng và viện trợ kinh tế. 


Thanh Tùng
Theo BBC