1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thái Lan:

Triển khai 15.000 cảnh sát, binh sỹ cho cuộc “đóng cửa” Bangkok

(Dân trí) - Gần 15.000 cảnh sát và binh sỹ sẽ được triển khai ở thủ đô Bangkok vào tuần tới để đối phó với cuộc “đóng cửa” Bangkok của người biểu tình muốn lật đổ chính phủ của Thủ tướng Yingluck.

15.000 cảnh sát, binh sỹ  được huy động cho cuộc “đóng cửa” Bangkok


 

Thông tin được giới chức trách Thái Lan công bố vào ngày hôm nay 8/1. Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã kêu gọi bầu cử vào tháng 2 tới, sau nhiều tuần phe đối lập xuống đường biểu tình. Song những người biểu tình tuyên bố sẽ ngăn chặn cuộc bầu cử, bởi họ cho rằng cuộc bầu cử sẽ chỉ kéo dài thêm thế thống trị về chính trị của gia đình tỷ phú Shinawatra.

 

Những người biểu tình tuyên bố sẽ “chiếm” thủ đô Bangkok từ ngày 13/1 cho đến khi giành chiến thắng trong cuộc “chiến” lật đổ chính phủ của bà Yingluck.

 

Họ dự kiến thành lập các “căn cứ” khắp thành phố, ngăn giới chức trách đi làm và cắt điện, nước ở các tòa nhà chính phủ.

 

Người phát ngôn cảnh sát quốc gia Piya Uthayo cho biết trong một cuộc họp báo trên truyền hình rằng, chính phủ Thái Lan dự kiến huy động 14.880 cảnh sát và binh sỹ để đối phó với cuộc biểu tình sắp tới.

 

“Mục tiêu của chúng tôi là ngăn chặn bạo lực và đụng độ”, ông cho hay.

 

Thị trường chứng khoán và đồng baht của Thái đã sụt giảm mạnh trước lo ngại cuộc khủng hoảng đang ngày một bế tắc này sẽ khiến khách du lịch nước ngoài và các nhà đầu tư quốc tế rời xa Thái Lan.

 

Hãng hàng không Singapore Airlines đã hủy 19 chuyến bay tới Bangkok từ 14/1-25/2.

 

Giới chức thành phố Bangkok đã hướng dẫn 146 trường học đóng cửa vào ngày thứ hai tới do kế hoạch “đóng cửa” của những người biểu tình.

 

Các quan chức cho hay chính phủ Thái Lan đã sẵn sàng ban bố tình trạng khẩn cấp nếu thấy cần thiết để đối phó với bạo động.

 

Giới phê bình cho rằng những người biểu tình muốn khiêu khích để xảy ra các vụ đụng độ mới, với hi vọng quân đội sẽ vào cuộc để tiến hành đảo chính, lập lại trật tự. Tuy nhiên, những người biểu tình phủ nhận cáo buộc này.

 

Thái Lan đã bị các vụ bạo lực chính trị đổ máu rung chuyển theo “định kỳ” kể từ khi anh trai của bà Yingluck, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, bị các tướng lĩnh trung thành với nhà vua lật đổ trong một cuộc đảo chính 7 năm về trước. Những người biểu tình, hầu hết là những người miền nam, trung thành với nhà vua, tầng lớp trung lưu Thái và thượng lưu thành thị, cáo buộc tỷ phú chuyển sang làm chính trị này tham nhũng. Họ cũng cho rằng ông điều khiển chính phủ của em gái mình từ Dubai, nơi ông đang sống lưu vong.

 

Họ muốn thành lập “Hội đồng nhân dân” không cần bầu cử để điều hành đất nước, giám sát các cải cách rất mơ hồ, như chấm dứt “mua phiếu” qua chính sách dân túy, trước khi một cuộc bầu cử mới được tổ chức trong khoảng 1 năm tới 18 tháng.

 

Trong khi đó chính phủ của bà Yingluck vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ miền bắc và đông bắc và được dự đoán sẽ chiến thắng nếu cuộc bầu cử 2/2 tới diễn ra.

 

Còn cựu Phó thủ tướng Suthep Thaugsuban, hiện là lãnh đạo biểu tình, dự kiến sẽ xuất hiện trước tòa vào ngày 8/1 để đối chất về cáo buộc giết người. Nhưng ông đã yêu cầu hoãn tòa một lần nữa vì đang bận dẫn dắt cuộc biểu tình hiện nay. Văn phòng công tố cho hay, nếu ông không xuất hiện tại tòa một lần nữa, thì tòa sẽ phát lệnh bắt giữ ông, ngoài lệnh hiện nay vì kích động lật đổ chính phủ.

 

Vũ Quý

Theo AFP