1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trào lưu thuê nhẫn cưới ở Ai Cập

(Dân trí) - Người Ai Cập một thời từng coi vàng là “làn da của đấng tối cao” và thường đặt chúng cạnh các pharaông cổ khi họ sang thế giới bên kia. Nhưng ngày nay, do giá tăng chóng mặt, vàng đang gây khó khăn cho những cặp uyên ương muốn kết hôn theo truyền thống.

Lý do bởi họ phải vật lộn để có được đồ trang sức bằng vàng, một đồ sính lễ không thể thiếu ở khắp thế giới Ả rập.

 

Do nạn thất nghiệp cao, lạm phát bùng nổ, lương tháng rớt xuốn mức thấp, dưới 50 USD một tháng, nhiều cặp trai gái nghèo đã phải thuê nhẫn và vòng vàng để cưới.

 

“Người ta không thể không cưới, vì vậy đi thuê đồ trang sức là giải pháp tốt nhất cho hầu bao của bạn và thể diện của cô dâu,” Ayman Wahba, một giáo viên 27 tuổi cho biết.

 

“Trước kia không thể tưởng tượng được một đám cưới sẽ như thế nào nếu không có shabka (đồ sính lễ bằng vàng). Nhưng ngày nay do kinh tế sụt giảm và giá vàng ngày một tăng cao, nhiều cặp cha mẹ đã hi sinh không thách cưới bằng đồ trang sức, để vì hạnh phúc của cô con gái”.

 

Trong đồ sính lễ shabka luôn phải có một chiếc nhẫn bằng vàng. Và chi phí shabka phải do chú rể trả.

 

Ở Ai Cập giá trị của đồ shabka phụ thuộc vào tài chính của các gia đình. Gia đình cô dâu có thể yêu cầu đồ shabka chỉ 600 USD, gồm hai chiếc vòng cổ, tới 8.000 USD hoặc hơn cho một bộ trang sức bằng vàng và một chiếc nhẫn kim cương.

 

Nhưng nhiều người có thu nhập thấp ở Ai Cập cho biết nếu đàn ông không thể thuê được shabka với giá khoảng 40 USD thì đám cưới sẽ không thành hiện thực. “Một người đàn ông có thể phải mất tới 20 năm để tiết kiệm cho đồ sính lễ và những chi phí khác cho lễ cưới”, Hayam Ibrahim, một người nội trợ cho biết. Bản thân cô cũng phải dùng đồ trang sức đi thuê trong đêm cưới. “Các gia đình nhận ra điều này và hiện sẵn sàng liên kết để phá vỡ truyền thống dùng vàng trong lễ cưới”.

 

Mối ràng buộc bằng vàng

 

Từ “shabka” bắt nguồn từ động từ “ràng buộc”, và biểu thị sự hàn gắn giữa cặp uyên ương và giá trị của cô dâu. Nhiều người coi shabka như là một đảm bảo trong trường hợp gia đình cô dâu gặp khó khăn về tài chính, hoặc trong trường hợp cô bị chồng bỏ.

 

Ngày nay số đàn ông có đủ tiền để kết hôn đang ngày một giảm, trong khi đó nhiều phụ nữ ở độ tuổi 20, 30 thì chỉ sốt sắng tìm kiếm những người giàu có. Chính vì vậy theo con số thống kê không chính thức của trường đại học Cairo thì  năm 2006 chỉ có 600.000 cặp trai gái kết hôn, trong khi năm 2005 con số đó là 681.000. 

 

Và với giá vàng ngày một tăng, 27% so với đầu năm ngoái, shabka ngày càng làm các cặp trai gái khó có thể “ràng buộc” nhau. “Rất nhiều cuộc hôn nhân đã phải hoãn lại chỉ vì shabka”, Sherif Sami, một kỹ sư 32 tuổi cho biết. “Vì vậy ngày càng nhiều gia đình từ bỏ phong tục này”.

 

Hạnh phúc là trên hết

 

Tại một cửa hàng vàng bạc trên phố al-Sagha thuộc khu nghèo ở Cairo, cô dâu tương lai Randa Abdel Hamid đã thuê một chiếc vòng cổ bằng vàng, một đôi hoa tai, 4 chiếc vòng tay, tất cả đều được làm từ 21 cara vàng, cho đêm tổ chức lễ cưới của mình.

 

“Tất cả chúng tôi đều thích vàng, và bất kỳ cô gái nào cũng muốn giữ nó càng lâu càng tốt. Vì vậy bạn sẽ thấy chẳng dễ dàng gì khi ngay trong tuần đầu tiên của cuộc sống mới phải đem đi trả đồ sính lễ”.

 

“Nhưng cuộc sống có những lựa chọn, và trong trường hợp này tôi nghĩ một phụ nữ khon ngoan sẽ chọn hạnh phúc hơn là phong tục hoặc vật chất”.

 

Trong khi trào lưu mới đã giúp được nhiều người gắn kết sợi dây tình cảm, và giúp các gia đình “khoe” những đồ đắt tiền với gia đình bạn bè, thì những người thợ kim hoàn lại là những người phải làm việc vất vả nhất. “Mùa trang sức cô dâu là mùa kiếm ăn của chúng tôi”, George Mallak, một thợ kim hoàn ở Cairo cho biết.

 

Theo một quan chức thuộc Liên hiệp công nghiệp vàng Ai Cập trào lưu thuê đồ trang sức cho lễ cưới đang biến Ai Cập trở thành đất nước của những người “phát cuồng” vì vàng.

 

Nhưng vốn dĩ Ai Cập đã là đất nước giàu tài nguyên vàng. Người Ai Cập cổ thường dùng vàng để làm đồ trang sức hàng ngày của họ và chôn các pharaông cùng với những đồ kim loại quý. Bằng chứng là chiếc mặt nạ nổi tiếng trong cỗ quan tài của pharaông Tutankhamen được làm từ 110kg vàng nguyên chất.

 

Nhưng giờ đây, những cặp uyên ương “nghèo hèn” phải thuê shabka cho biết, thậm chí cả những thế hệ trước họ cũng nhận ra tình yêu đích thực quan trọng hơn bất kỳ thứ đồ có giá trị nào. “Khi vị hôn phu cầu hôn, tôi đã nói với mẹ tôi rằng người ta có thể sống mà không cần một mảnh trang sức nào, nhưng không thể sống được nếu thiếu người mình yêu”, Ahlam Kamel, cô dâu 27 tuổi cho biết. “Sau nhiều tranh đấu, cuối cùng mẹ tôi đã bị thuyết phục”.

 

PV

Theo AP