1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tổng thống Iran có chuyến thăm lịch sử tới Iraq

(Dân trí) - Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad ngày 2/3 tuyên bố chuyến thăm lịch sử của ông tới Iraq đã mở ra một chương mới trong mối quan hệ “anh em” giữa hai nước từng có thời là kẻ thù của nhau.

Ông Ahmadinejad là vị tổng thống đầu tiên của Iran tới Iraq kể từ cuộc chiến kéo dài 8 năm giữa hai nước, từ năm 1980 đến năm 1988, làm khoảng một triệu người của cả hai bên thiệt mạng.

 

Chuyến thăm không chỉ nêu bật ảnh hưởng đang lên của Iran đối với quốc gia Ảrập láng giềng thời hậu Saddam Hussein mà nó còn là một hành động thách thức với Mỹ, nước cáo buộc Iran đang đào tạo và tài trợ vũ khí cho các phần tử cực đoan dòng Shiite tại Iraq.

 

Nhà lãnh đạo Iran đã được Tổng thống nước chủ nhà Jalal Talabani trải thảm đỏ tiếp đón. Hai ông đã hôn lên má nhau trong một cử chỉ truyền thống và quốc ca của 2 nước đã vang lên.

 

“Chúng tôi đã có các cuộc hội đàm rất tốt, thân thiện và thắm tình anh em… Chúng tôi có chung quan điểm và sự hiểu biết trong tất các vấn đề và cả hai bên đều thống nhất phát triển quan hệ giữa 2 nuớc tốt nhất đến mức có thể” , ông Ahmadinejad nói trong một cuộc họp báo cùng người đồng cấp Talabani tại dinh tổng thống Iraq trên bờ sông Tigris.

 

Tổng thống Iraq Talabani cho biết, hai bên đã thảo luận các vấn đề dầu mỏ, an ninh, chính trị, kinh tế và dự kiến sẽ ký vài thoả thuận sau đó. Nhưng ông này cũng nói rằng vấn đề đường biên giới, trong đó có khu vực Shatt al-Arab ngăn cách hải phận hai nước và hiện đang tranh chấp, đã không được đề cập.

 

Tổng thống Iran có chuyến thăm lịch sử tới Iraq - 1
 Cái bắt tay rất chặt và những nụ cười.

 

Iran phủ nhận các cáo buộc của Mỹ rằng nước này đã hỗ trợ cho các chiến binh và ông Ahmadinejad nhấn mạnh rằng Iran muốn đất nước Iraq ổn định, điều sẽ mang lại lợi ích cho cả khu vực.

 

“Một đất nước Iraq đoàn kết, một Iraq có chủ quyền và một Iraq phát triển sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia trong vùng và nhân dân Iran", nhà lãnh đạo Iran nói.

 

Sau các cuộc hội đàm với Tổng thống Talabani, ông Ahmadinejad đã gặp Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki. Cả hai nhà lãnh đạo Iraq đều có các chuyến thăm chính thức tới Iran kể từ khi nhậm chức.

 

Phía Mỹ cho biết nước này sẽ không can dự vào chuyến thăm của ông Ahmadinejad. Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Mỹ AP, Bộ trưởng Ngoại giao Iraq Hoshyar Zebari cho biết Tổng thống Iran Ahmadinejad có thể sẽ rời Iraq vào sáng thứ 2.

 

Mặc dù cả hai đều là những nước mà người Hồi giáo dòng Shiite chiếm đa số nhưng Iran và Iraq đã trở thành kẻ thù của nhau dưới thời cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein. Cuộc chiến kéo dài 8 năm giữa 2 nước đã cướp đinh sinh mạng của khoảng 1 triệu người.

 

Nhưng khi chính phủ do người Sunni thiểu số lãnh đạo của ông Saddam Hussein sụp đổ và cộng đồng Shiite chiếm đa số lên nắm quyền sau khi Mỹ phát động cuộc chiến tại Iraq năm 2003, mối quan hệ lâu đời giữa người Shiite tại 2 nước đã phát triển trở lại mặc dù hai quốc gia láng giềng vẫn chưa ký hiệp ước hoà bình.

 

Nhiều lãnh đạo Iraq theo dòng Shiite đã sống lưu vong tại Iran thời Saddam và ông Talabani, một người Kurd, nói rất thành thạo tiếng Farsi - ngôn ngữ chính của Iran.

 

Với chuyến thăm Iraq lần này, ông Ahmadinejad cũng có thể muốn tăng cường sự ủng hộ tại quê nhà trước cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 3. Các cuộc bầu cử được xem là cuộc trưng cầu dân ý đối với nhà lãnh đạo Iran, người bị chỉ trích là mất quá nhiều thời gian vào những tuyên bố chống phương Tây và không quan tâm thoả đáng tới các vấn đề kinh tế của Iran.

 

Mỹ đã cố gắng giảm nhẹ chuyến thăm của ông Ahmadinejad, đồng thời nói rằng Washington hoan nghênh chính sách của Iran trong việc phát phát triển sự ổn định nhưng hành động của nước này thì ngược lại.

 

Tổng thống Mỹ Bush phủ nhận rằng chuyến thăm của ông Ahmadinejad đã phá hoại ngầm các nỗ lực của Mỹ trong việc cô lập Tehran nhưng cho biết ông có vài lời khuyên cho Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki khi gặp nhà lãnh đạo Iran.

 

Ông chủ Nhà Trắng nói: “Ông ta là một người hàng xóm. Và thông điệp cần thiết phải là, hãy ngừng việc gửi các trang thiết bị tinh vi tới Iraq từng giết các công dân của chúng tôi”.

 

Tại Tehran, phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Iran Mohammad Ali Hosseini đã chỉ trích Tổng thống Bush: “Những bình luận của ông ấy là sự can thiệp vào mối quan hệ chân thành, thân thiện và thắm tình anh em giữa Iran và Iraq. Người Mỹ không muốn mối quan hệ tiến triển”.

 

VTH
Theo AP