1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tổng thống Bush và chuyến thăm bí mật tới Iraq

(Dân trí) - Trong lúc cuộc họp tìm giải pháp cho vấn đề Iraq tại Trại David chưa kết thúc, Tổng thống Mỹ Bush đã bất ngờ đáp máy bay tới thăm Iraq để trực tiếp gặp gỡ và hội đàm với tân Thủ tướng Maliki.

Đây là lần thứ hai Tổng thống (TT) Bush tới thăm Iraq kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến lật đổ Saddam Hussein. Theo kế hoạch đáng lẽ ngày 13/6 ông Bush sẽ kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày với các cố vấn an ninh chủ chốt tại trại David để thảo luận về tình hình Iraq, đồng thời hội đàm qua màn hình với tân thủ tướng Nouri Al-Maliki và các tướng lĩnh trên chiến trường, tuy nhiên kế hoạch đã bị bất ngờ thay đổi.

 

Sau giờ nghỉ trưa, ông xin phép rút khỏi cuộc họp và bí mật ra sân bay quân sự Andrew bay một mạch tới Baghdad. Tại đây, ông Bush đã có cuộc gặp đầu tiên với thủ tướng Maliki và nhiều thành viên trong nội các mới của Iraq.

 

Chuyến thăm bất ngờ của tổng thống Mỹ diễn ra trong bí mật tuyệt đối. Ngay cả thủ tướng Al-Maliki cũng chỉ được báo trước 5 phút trước khi chuyên cơ của ông Bush hạ cánh. Nhiều bộ trưởng trong chính phủ Mỹ không hề biết trước kế hoạch này. 

 

Trong ngày hôm qua, một loạt vụ đánh bom tại thành phố Kirkuk đã làm 20 người chết và hàng chục người khác bị thương. Đây được coi là hành động của các phần tử nổi dậy người Sunni nhằm trả đũa việc Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Abu Musab al-Zarqawi. Ngoài ra, người ta đã phát hiện ra 9 thi thể ở ngoại ô Baghdad. 1 người bị thiệt mạng, 12 người khác bị thương do bị tấn công bằng tên lửa ở quận Dora của thủ đô.

Chuyến thăm bất ngờ của người đứng đầu Nhà trắng diễn ra trong bối cảnh Mỹ và lực lượng an ninh Iraq đang chuẩn bị mở một chiến dịch lớn chống lại những người nổi dậy ở thủ đô, với sự tham gia của khoảng 40.000 lính Iraq và lực lượng Mỹ.

 

Trong cuộc thảo luận với Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Iraq, Maliki cũng giới thiệu chi tiết kế hoạch tấn công các lực lượng nổi dậy và duy trì trật tự ở thủ đô Baghdad. Kế hoạch này bao gồm các điểm chủ yếu: kiểm soát chặt chẽ các tuyến đường ra vào thủ đô, cấm người dân mang vũ khí và thiết quân luật từ 9 giờ tối đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Dự kiến trong 2 ngày tới kế hoạch này sẽ được công bố và đi vào thực hiện.

 

Tuy vậy, giới phân tích nhận định với tình hình rối ren hiện nay, nếu chỉ áp dụng các biện pháp an ninh thôi thì chưa đủ. Điều quan trọng là phải cải thiện đời sống người dân và xoa dịu sự chia rẽ về sắc tộc giữa các phe phái, từ đó làm giảm làn sóng bất mãn chống đối. Điều này chính phủ hoà hợp dân tộc của Thủ tướng Maliki khó có thể đạt được trong thời gian trước mắt, nếu Mỹ tiếp tục hiện diện và kiểm soát hầu hết mọi hoạt động như hiện nay.

 

Ngọc Nhàn

Theo New York Times