1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tòa Israel bác luật cải cách tư pháp: Đòn giáng mạnh vào ông Netanyahu

Quốc Đạt

(Dân trí) - Tòa Tối cao Israel bác nội dung cải tổ tư pháp gây tranh cãi của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Diễn biến này có thể khơi lại rạn nứt từng bùng nổ trong xã hội Israel trước khi xảy ra chiến sự Gaza.

Tòa Israel bác luật cải cách tư pháp: Đòn giáng mạnh vào ông Netanyahu - 1

Phán quyết hôm 1/1 của Tòa Tối cao Israel được ví như đòn giáng vào Thủ tướng Benjamin Netanyahu (Ảnh: Reuters).

Trong phán quyết hôm 1/1, Tòa Tối cao Israel bỏ phiếu theo tỷ lệ 8-7 để hủy đạo luật ngăn thẩm phán bác bỏ các quyết định của chính phủ mà họ cho là "vô lý". Đạo luật này từng được Quốc hội Israel thông qua hồi tháng 7/2023.

Bộ trưởng Tư pháp Yariv Levin, đồng minh của ông Netanyahu và là "kiến trúc sư" của kế hoạch cải tổ tư pháp, chỉ trích quyết định của Tòa Tối cao đi ngược lại "tinh thần đoàn kết cần có hiện nay để đạt được thành công của những người lính ở mặt trận".

Sau khi tái đắc cử một năm trước, Thủ tướng Netanyahu và đồng minh đã công bố kế hoạch cải tổ tư pháp, trong đó có quy định hạn chế thẩm quyền của Tòa án Tối cao trong việc rà soát các quyết định của Quốc hội Israel và thay đổi quy trình bổ nhiệm thẩm phán.

Người ủng hộ cải tổ cho rằng những thay đổi này sẽ tăng cường sự dân chủ bằng cách hạn chế thẩm quyền của các thẩm phán được bổ nhiệm không qua bầu cử và chuyển nhiều quyền lực hơn cho các quan chức dân cử.

Trong khi đó, người phản đối cho rằng đây là hành động tranh đoạt quyền lực của ông Netanyahu, người đang bị xét xử tội tham nhũng.

Cuộc cải tổ đã làm bùng nổ nhiều tháng biểu tình rầm rộ tại Israel, đe dọa tạo ra cuộc đối đầu giữa nhánh tư pháp và lập pháp, đồng thời làm lung lay sự đoàn kết của quân đội. Nhưng cuộc tấn công của Hamas hôm 7/10/2023 và chiến dịch trả đũa sau đó của Israel đã khiến quá trình cải tổ được gác lại.

Phán quyết hôm 1/1 là đòn giáng mạnh vào ông Netanyahu và đồng minh, những người cho rằng cơ quan lập pháp phải có tiếng nói chung cuộc về tính hợp pháp của văn bản pháp luật, thay vì tòa án. Trong khi đó, các thẩm phán tối cao cho rằng Quốc hội Israel không có quyền lực "toàn năng".

Chính phủ của ông Netanyahu có thể phớt lờ phán quyết hôm 1/1, làm phát sinh nguy cơ xảy ra tranh chấp về việc nhánh nào của nhà nước Israel có quyền lực tối cao.

Theo AFP