1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tổ chức các nước châu Mỹ hủy nghị quyết khai trừ Cuba gần 50 năm qua

(Dân trí) - Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) hôm qua đã nhất trí hủy bỏ nghị quyết năm 1962 khai trừ Cuba ra khỏi tổ chức này và dọn đường cho sự trở lại của La Habana, bất chấp những phản đối của Mỹ.

Tổ chức các nước châu Mỹ hủy nghị quyết khai trừ Cuba gần 50 năm qua  - 1
Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega (giữa), đứng cạnh người đồng cấp Honduras Manuel Zelaya (trái) và Paraquay Fernando Lugo tại Hội nghị của OAS.
 
“Các đại biểu đã ủng hộ việc bãi bỏ nghị quyết khai trừ Cuba khỏi OAS”, Ngoại trưởng Honduras Fander Falconi nói tại San Pedro Sula, sau khi gọi đây là “động thái lịch sử”. Cùng lúc, Tổng tổng Honduras Manuel Zelaya khẳng định: “Chiến tranh Lạnh đã chấm dứt. Chúng ta đã bắt đầu một kỷ nguyên mới của tình hữu nghị và lòng khoan dung”. 

 

Nhưng quyết định của OAS không có nghĩa là Cuba sẽ tái nhập tổ chức gồm 34 thành viên này. 

 

Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, chính phủ Cuba đã lên tiếng hoan nghênh quyết định của OAS. Tuyên bố gọi đây là “thời khắc lịch sử” đối với các dân tộc và nhấn mạnh ý nghĩa chính trị của sự kiện này đối với chính phủ các nước trong khu vực.

 

Tuy nhiên, Cuba khẳng định không muốn quay trở lại OAS. 

 

Các nước Mỹ Latinh đều ủng hộ việc Cuba được tái kết nạp vào OAS khi cho rằng nghị quyết kéo dài 47 năm qua đã quá lỗi thời. Ngay trước cuộc họp của OAS tại Honduras, Venezuela, Bolivia, Nicaragoa và nước chủ nhà đã yêu cầu tái kết nạp vô điều kiện ngay lập tức Cuba vào OAS để sửa chữa những sai lầm lịch sử trước đây. Ngay cả các nước được cho là đồng minh với Mỹ trong khu vực cũng bỏ phiếu lên án cuộc bao vây cấm vận của Mỹ chống Cuba và lần này là bãi bỏ nghị quyết năm 1962 của OAS. 

 

Phía Mỹ vẫn cho rằng Cuba “cần phải đạt được thêm những tiến bộ” trước khi có thể gia nhập tổ chức này. 

 

Một số nhà bình luận trong khu vực cho rằng quyết định mới nhất của OAS là dấu hiệu cho thấy có những thay đổi lớn về chính trị và xã hội tại Mỹ Latinh, trong bối cảnh làn sóng phản đối ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực sân sau ngày càng mạnh mẽ. 

 

Nhật Mai

Theo AFP, Reuters