1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tiết lộ kế hoạch “cắt cổ” sông Nile của Anh

Một tài liệu vừa được giải mật tiết lộ việc Anh từng vạch kế hoạch cắt dòng chảy của sông Nile tới Ai Cập nhằm gây sức ép buộc Tổng thống nước này là Gamal Abdel Nasser phải từ bỏ kiểm soát kênh đào Suez vào năm 1956.

Các sĩ quan Anh khi đó tin rằng, họ có thể gây tổn hại cho nền nông nghiệp của Ai Cập và cắt đứt các phương tiện liên lạc của nước này bằng cách giảm dòng chảy của sông Nile. Kế hoạch được họ vạch ra với Thủ tướng Anh Anthony Eden chỉ 6 tuần trước khi quân đội Anh và Pháp tấn công Ai Cập.

 

Theo kế hoạch trên, người Anh sẽ sử dụng một con đập ở Uganda nhằm làm giảm tối đa mực nước trên dòng Nile Trắng, một trong hai nhánh chính của sông Nile ở phía thượng lưu. Nile Trắng khởi nguồn từ vùng Đại Hồ ở miền trung châu Phi với điểm xa nhất là Rwanda và chảy theo hướng bắc qua Tanzania, Uganda và miền nam Sudan.

 

Còn dòng Nile Xanh bắt đầu từ hồ Tana ở Ethiopia và chảy vào lãnh thổ Sudan từ phía đông nam. Hai dòng Nile Trắng và Nile Xanh gặp nhau tại khu vực gần thủ đô Khartoum của Sudan và trở thành sông Nile nổi tiếng tạo ra vùng đồng bằng màu mỡ giữa sa mạc, nơi phát tích của nền văn minh Ai Cập rực rỡ.

 

Trở lại với kế hoạch "bóp cổ" dòng Nile Trắng, người Anh đã nhận thức được rằng ý đồ này sẽ mất vài tháng mới thực hiện được và sẽ tác động xấu đến các nước khác ngoài Ai Cập như Kenya và Uganda. Hơn nữa họ cũng rất lo ngại nó có thể gây ra làn sóng phản ứng dữ dội. Do vậy kế hoạch đầy tham vọng này phải phải hủy bỏ và kể từ đó mọi tài liệu liên quan đều được giữ kín. 

 

Tiết lộ kế hoạch “cắt cổ” sông Nile của Anh - 1

Dòng Nile Trắng và Nile Xanh được thể hiện bằng các màu tương ứng trên bản đồ.

(Ảnh: Wikipedia)

 

Cuộc khủng hoảng kênh đào Suez nổ tháng 7/1956, khi Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser quốc hữu hóa con đường giao thương huyết mạch nối giữa Địa Trung Hải với Biển Đỏ này. Liên quân 3 nước Anh, Pháp và Israel mở cuộc tấn công vào tháng 10/1956 nhằm giành lại quyền kiểm soát kênh đào. Nhưng Mỹ và Liên Hợp Quốc gây sức ép gay gắt đòi họ phải rút quân sau đó.

 

Tài liệu do Cơ quan lưu trữ quốc gia Anh vừa giải mật còn cho thấy, thủ tướng khi đó của xứ sở sương mù là Anthony Eden bị hối thúc phải giấu nhẹm chuyện vị tổng chưởng lý của ông là Sir Reginald Manningham-Buller cảnh báo rằng, hành động quân sự tại kênh đào Suez là bất hợp pháp. Nhưng các nhà lập pháp Anh ủng hộ chiến dịch này.

 

Reginald Manningham-Buller, cha đẻ của Giám đốc cơ quan tình báo MI5 hiện nay Eliza Manningham-Buller, đã viết một bức thư trong đó bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với hành động quân sự trên.

 

Thư ký nội các Anh Sir Norman Brooks khuyên thủ tướng không nên đề cập đến vấn đề pháp lý của cuộc chiến trong các bài phát biểu của mình. Trên thực tế, cuộc khủng hoảng Suez đã hủy hoại thanh danh của Thủ tướng Anthony Eden và khiến ông phải từ chức vào năm 1957.

 

Kênh đào Suez nằm ở phía tây bán đảo Sinai và có chiều dài 163 km. Nhờ công trình này tàu thuyền có thể lưu thông hai chiều giữa châu Âu và châu Á mà không cần phải đi vòng một quãng đường xa qua châu Phi như thời điểm trước khi nó khánh thành năm 1869.

 

Kênh đào Suez có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình thâm nhập của thực dân Anh và Pháp tới châu Phi và duy trì sự kiểm soát đối với vùng đất thuộc địa Ấn Độ màu mỡ. Do đó, họ tìm mọi cách để khiến con kênh luôn nằm ngoài vòng cương tỏa của người Ai Cập.

Năm 1875, quốc vương Ai Cập Ismail Pasha buộc phải bán cổ phần của vương quốc này trong kênh đào Suez cho người Anh. Hiệp định Constantinople năm 1888 cũng quy định công trình này là khu vực trung lập nằm dưới sự "bảo vệ" của Anh.

 

Một bản hiệp ước bất bình đẳng vào năm 1936 còn cho vương quốc Anh toàn quyền quản lý kênh đào Suez. Tuy nhiên đến năm 1951 chính quyền Ai Cập tuyên bố không công nhận thỏa thuận này và Anh buộc phải đồng ý xóa bỏ vào năm 1954.

 

Nhưng Anh cực lực phản đối khi Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser quốc hữu hóa Công ty Kênh đào Suez vào năm 1956. Quyền lợi của Pháp và Israel cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau quyết định của Cairo nên họ liên minh với người Anh tấn công Ai Cập, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng kênh đào Suez.

 

Theo Đình Chính

Vnexpress