1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thủ tướng Haiti bị chặn đường về, nhận tối hậu thư từ thủ lĩnh băng đảng

Quốc Đạt

(Dân trí) - Thủ tướng tạm quyền Haiti Ariel Henry bị chặn đường về nước sau chuyến công du nước ngoài, trong bối cảnh các băng đảng vũ trang gây sức ép yêu cầu ông từ chức.

Thủ tướng Haiti bị chặn đường về, nhận tối hậu thư từ thủ lĩnh băng đảng - 1

Thủ tướng tạm quyền Haiti Ariel Henry (Ảnh: AFP).

Ông Henry, lãnh đạo cao nhất của Haiti kể từ sau vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moïse vào tháng 7/2021, đã thăm Kenya vào tuần trước để kêu gọi sự ủng hộ cho kế hoạch triển khai lực lượng an ninh được Liên Hợp Quốc phê chuẩn tới Haiti nhằm khôi phục ổn định.

Khi ông đi vắng, các băng đảng ở Haiti bắt đầu leo thang bạo lực. Lực lượng này tấn công vào nhà tù lớn nhất đất nước vào cuối tuần trước, khiến hàng nghìn tù nhân trốn thoát và buộc chính quyền phải ban bố tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm vào ban đêm trong 72 giờ.

Các băng đảng cũng cố kiểm soát sân bay ở thủ đô Port-au-Prince để ngăn ông Henry trở về, khiến nhà chức trách đóng cửa đường băng. Do đó, máy bay chở Thủ tướng Haiti định hạ cánh xuống nước láng giềng Cộng hòa Dominica nhưng bị từ chối.

Máy bay cuối cùng hạ cánh xuống lãnh thổ Puerto Rico của Mỹ. Tính tới trưa 6/3, Thủ tướng Haiti vẫn đang ở vùng lãnh thổ này trong lúc chờ tìm kiếm các tuyến đường khác trở về nước.

Thủ tướng Haiti bị chặn đường về, nhận tối hậu thư từ thủ lĩnh băng đảng - 2

Binh sĩ Haiti bảo vệ lối vào sân bay quốc tế ở thủ đô Port-au-Prince vào ngày 6/3, sau khi các thành viên băng đảng cố gắng chiếm nơi này (Ảnh: AFP).

Trong khi đó, thủ lĩnh băng đảng Jimmy "Barbecue" Chérizier hôm 5/3 nói rằng "nếu Ariel Henry không từ chức... chúng ta sẽ tiến thẳng đến cuộc nội chiến dẫn đến nạn diệt chủng". Theo BBC, Chérizier lo sợ Thủ tướng Henry sẽ dùng lực lượng an ninh trong khuôn khổ sứ mệnh Liên Hợp Quốc để tiếp tục nắm quyền.

Kể từ sau vụ ám sát Tổng thống Moise, chưa có ai được bầu lên thay thế và chưa có cuộc bầu cử nào được tổ chức kể từ năm 2016. Theo một thỏa thuận chính trị, Thủ tướng Ariel Henry - người lên nắm quyền không qua bầu cử - lẽ ra phải từ chức trước ngày 7/2 và Haiti sẽ tổ chức bỏ phiếu, nhưng điều này đã không xảy ra.

Ông Henry dường như đang chịu áp lực ngoại giao từ Mỹ, yêu cầu ông dọn đường cho chính phủ chuyển tiếp ở Haiti.

Washington Post dẫn lời bà Linda Thomas-Greenfield, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, nói với phóng viên hôm 6/2 rằng Washington đã yêu cầu Thủ tướng Ariel Henry "xúc tiến tiến trình chính trị mà sẽ dẫn đến việc thành lập hội đồng chuyển tiếp tổng thống và rồi dẫn đến bầu cử".

Theo Washington Post, ABC News, BBC