1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thế giới loay hoay với “nghệ thuật” khó đoán của Tổng thống Trump

(Dân trí) - Xuất thân là một doanh nhân, Tổng thống Donald Trump luôn sẵn sàng xử lý nhiều công việc cùng một lúc và có thể đổi hướng tiếp cận khi gặp sự cố. Tuy nhiên trong quan hệ quốc tế, sự khó đoán định của nhà lãnh đạo Mỹ có thể kéo theo nhiều hệ lụy liên quan.

Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Getty)
Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Getty)

Trong những ngày gần đây, sự đảo chiều bất ngờ trong hàng loạt chính sách của Tổng thống Trump trong mọi lĩnh vực, từ thuế quan cho tới phi hạt nhân hóa, đã khiến các đồng minh, và cả những đối thủ của Mỹ, cảm thấy nản lòng. Chiến thuật đàm phán linh động, một chiến thuật từng được Tổng thống Trump đề cập tới trong cuốn “Nghệ thuật đàm phán” do ông xuất bản năm 1987, đã khiến nhiều nước hoài nghi về độ tin cậy của Mỹ với tư cách là một đối tác đàm phán, hoặc trong một số trường hợp là đối tác an ninh.

Khi bộ trưởng quốc phòng của các nước trên thế giới chuẩn bị bắt đầu diễn đàn an ninh Shangri-La tại Singapore trong ngày hôm nay, những nghi vấn được đặt ra liên quan tới độ tin cậy của Mỹ được cho là nhiều không kém mối quan ngại của các nước về sự bành trướng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.

“Nhiều đại biểu sẽ đặt câu hỏi mà họ từng nêu ra năm ngoái về sự kiên định của Mỹ cũng như quyết tâm của nước này trong việc tiến hành bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”, John Chipman, giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) - đơn vị tổ chức Đối thoại Shangri-La, cho biết.

Đồng minh lo ngại

Tổng thống Trump đón Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Mỹ (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Trump đón Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Mỹ (Ảnh: Reuters)

Những quyết định “xoay như chong chóng” của Tổng thống Trump khiến ngay cả các đồng minh lâu năm của Washington cũng cảm thấy căng thẳng và tạo thêm cơ hội cho Trung Quốc, nước vừa “thế chân” Mỹ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của hầu hết quốc gia châu Á, tự vươn dài cánh tay của mình. Đối mặt với mối đe dọa từ các quyết định áp thuế của Mỹ hồi tháng 4, Trung Quốc và Nhật Bản đã tổ chức cuộc đàm phán thương mại đầu tiên giữa hai nước trong 8 năm qua.

“Tôi chịu thua”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nói khi đề cập tới Tổng thống Donald Trump trong bài phát biểu của ông ở Brussels, Bỉ hôm qua 31/5, chỉ vài giờ trước khi Mỹ xác nhận sẽ áp thuế mới lên mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu từ Liên minh châu Âu, Canada và Mexico.

Các đại biểu dự Đối thoại Shangri-La năm nay vừa chứng kiến một loạt động thái chứng minh cho sự khó đoán của Tổng thống Trump. Ông chủ Nhà Trắng đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, đối đầu thương mại với Trung Quốc, hủy bỏ rồi đồng ý tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên.

Trung Quốc là nước mới nhất lên tiếng sau khi Tổng thống Trump tuyên bố tiếp tục theo đuổi việc áp thuế nhập khẩu 25% đối với 50 tỷ USD hàng hóa của Bắc Kinh. Điều đáng nói là trước đó không lâu, Bộ Tài chính Mỹ cho biết Washington và Bắc Kinh đã đạt được thỏa thuận hoãn chiến tranh thương mại và xây dựng một khuôn khổ hợp tác mới.

“Bất kỳ hành động thay đổi quyết định nào trong quan hệ quốc tế cũng sẽ làm giảm mức độ tín nhiệm của một quốc gia”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh.

Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng bày tỏ sự thất vọng về các kế hoạch của Mỹ nhằm áp lệnh trừng phạt thương mại lên Tokyo với lý do an ninh quốc gia. Thủ tướng Abe, nhà lãnh đạo từng dành nhiều nỗ lực để xây dựng mối quan hệ với Tổng thống Trump, nói rằng việc Mỹ hành xử như vậy đối với một trong số các đối tác quân sự thân cận nhất là không thể chấp nhận được.

Trước đó, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, người vừa nhậm chức hồi tháng 5, ngày 29/5 tuyên bố ông không hứng thú với việc gặp mặt Tổng thống Trump.

“Tôi không biết làm thế nào để có thể làm việc được với một người mà có thể thay đổi quyết định chỉ trong một đêm như vậy”, Thủ tướng Mahathir trả lời phỏng vấn của Financial Times.

Việc Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran cũng khiến nhiều đồng minh giận dữ vì họ xem thỏa thuận này là văn kiện cần thiết để tránh các cuộc xung đột tiếp tục nổ ra tại Trung Đông. Thủ tướng Đức Angela Merkel thậm chí tuyên bố Liên minh châu Âu từ nay có thể không cần trông cậy vào Mỹ về an ninh. Động thái của Tổng thống Trump đối với Iran, tương tự quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris và hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã đe dọa tới các quan hệ đồng minh mà Mỹ xây dựng suốt hàng chục năm qua.

Lợi thế từ sự khó đoán

Tổng thống Trump nắm tay Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp của khối NATO tại Bỉ năm 2017 (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Trump nắm tay Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp của khối NATO tại Bỉ năm 2017 (Ảnh: Reuters)

Mặc dù vậy, cây bút Marc Champion của Bloomberg nhận định tính khó đoán của Tổng thống Trump đôi khi mang lại cho ông những kết quả tích cực.

Nhà lãnh đạo Mỹ có thể tự hào nói rằng chính quyền của ông đã thành công trong việc hồi hương các công dân Mỹ bị Triều Tiên và Venezuela bắt giữ. Những cuộc tấn công mạnh tay của Mỹ trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã khiến “ngày tàn” của nhóm khủng bố này tại các cứ điểm ở Syria và Iraq đến gần hơn. Và trong chưa đầy một năm sau khi Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẩu chiến, thậm chí đe dọa tấn công hạt nhân lẫn nhau, Mỹ và Triều Tiên đã đồng ý ngồi vào bàn đàm phán trong một hội nghị thượng đỉnh lịch sử. Điều này cho thấy, xét trong lĩnh vực an ninh, những lo ngại về độ tin cậy của Mỹ trở nên bớt nghiêm trọng hơn.

Với ngân sách 700 tỷ USD, Lầu Năm Góc vẫn cho thấy sự ủng hộ nhất quán đối với an ninh châu Á. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis nhận được nhiều sự tán dương từ những người đồng cấp và ông chủ Lầu Năm Góc được kỳ vọng sẽ tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với khu vực trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La vào ngày mai.

Theo Giám đốc IISS John Chipman, chính sách duy trì sức ép toàn diện với Triều Tiên của Tổng thống Trump là bằng chứng cho thấy Mỹ vẫn tiếp tục đảm bảo cam kết về an ninh với châu Á. Ông Chipman cũng lấy dẫn chứng về quyết định của Lầu Năm Góc gần đây khi không mời Trung Quốc tham gia tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới, do phản đối các hành động bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Thành Đạt

Theo Bloomberg