1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thấy gì từ Cương lĩnh tranh cử của các ứng viên tổng thống Mỹ 2016?

(Dân trí) - Thông qua các cuộc tranh luận công khai trong nội bộ mỗi đảng và với các ứng viên 2 đảng, người ta đã nhận thấy các ứng viên sáng giá của 2 đảng, trong khi tập trung vào những vấn đề đối nội, đối ngoại của nước Mỹ, họ cũng đã thể hiện quan điểm của mình trên các vấn đề cốt lõi thuộc lĩnh vực kinh tế, xã hội, người nhập cư, chống khủng bố...


(Từ trái sang phải) Các ứng viên tổng thống Donald Trump, Hillary Clinton, Ted Cruz và Bernie Sanders

(Từ trái sang phải) Các ứng viên tổng thống Donald Trump, Hillary Clinton, Ted Cruz và Bernie Sanders

Từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)

TPP được coi là một trong những thành tựu của ông Obama trong 2 nhiệm kỳ Tổng thống. Trong 4 ứng cử viên hàng đầu của lưỡng đảng thì có 1 ủng hộ, 2 phản đối, và 1 cho rằng nếu đàm phán tốt sẽ còn lợi hơn.

Ứng viên đảng dân chủ Hillary Clinton, khi còn là Ngoại trưởng bà là một trong những người nhiệt thành với TPP, nhưng trong giai đoạn đầu của chiến dịch tranh cử, bà đã phản đối do lo ngại tình trạng thao túng tiền tệ, cũng như việc các công ty dược phẩm có thể trục lợi từ hiệp định này.

Bà Clinton cho rằng: “Các tiêu chuẩn rất cao, và dựa trên những điều đã chứng kiến thì tôi không cho rằng hiệp định có thể đáp ứng”. Tuy nhiên, trong cuộc tranh luận cuối cùng với ứng viên nội bộ bà lại trở về với quan điểm ủng hộ TPP và cho rằng, đây là di sản của ông Obama mà bà cần kế thừa.

Trong khi ứng viên Sanders lại công khai chỉ trích TPP, ông cho rằng “TPP là sự tiếp tục của những chính sách thương mại thảm họa, có thể dẫn đến việc nước Mỹ mất hàng triệu công việc, và đưa đất nước vào cuộc đua xuống đáy”.

Ứng viên đảng Cộng hòa, ông Donald Trump lại cho “TPP là cuộc tấn công giới doanh nghiệp Mỹ. Nó không làm ngưng sự thao túng tiền tệ của Nhật Bản”, nó khiến dân Mỹ mất việc làm và hàng hóa ngoại rẻ hơn sẽ lấn át hàng nội địa Mỹ.

Còn ông Cruz lại bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về TPP và tuyên bố sẽ bỏ phiếu chống. Ông nói: “Chúng ta có thể đàm phán tốt hơn nếu có một Tổng thống bảo thủ mạnh mẽ hơn là ông Obama”.

Đến chăm sóc y tế toàn dân

Các ứng viên lưỡng đảng đều quan tâm đến chương trình chăm sóc y tế toàn dân, bằng những giải pháp khác nhau, kể cả việc phản đối găy gắt Obamacare, hoặc đưa ra chương trình mới.

Bà Clinton khẳng định rằng, sẽ tiếp tục phát triển chương trình y tế Obamacare. Bà cho rằng chỉ cần cải thiện đạo luật để nó hiệu quả hơn. Bà cũng phản đối chương trình y tế cho toàn dân của ông Sanders với biện pháp tăng thuế đối với người giàu.

Ứng viên Sanders lại đưa ra ý tưởng khác khi đề xuất một hệ thống bảo hiểm toàn dân với nội dung là người dân phải trả phí bảo hiểm 2,2% trên thu nhập trong khi các công ty sẽ đóng góp thêm 6,2% trên thu nhập của nhân viên, nhằm chấm dứt cảnh người lao động trong nước phải lựa chọn giữa lương bổng và bảo hiểm y tế .

Còn các ứng viên của đảng Cộng hòa lại kiên quyết phản đối Obamacare. Ông Cruz nói: “Tôi sẽ xây dựng năm 2016 thành một cuộc trưng cầu dân ý về chương trình Obamacare”.

Trong khi đó, tỷ phú Trump kêu gọi mở một cuộc cạnh tranh để người dân tự chọn bảo hiểm ở các bang, đồng thời cam kết “thỏa thuận” với những bệnh viện để cung cấp bảo hiểm cho người nghèo. “Hãy hủy bỏ và thay thế Obamacare bằng một chương trình hoàn hảo hơn”.

Quyền sở hữu vũ khí

Về quyền sở hữu vũ khí đã có 3/4 ứng viên hàng đầu lưỡng đảng phản đối việc tăng cường kiểm soát như đề xuất của Tổng thống Obama. Bà Clinton là người duy nhất ủng hộ chính sách của ông Obama trong việc tăng cường kiểm soát việc mua, bán vũ khí. Bà đề xuất việc mở rộng kiểm tra thông tin của người mua, cấm bán vũ khí sát thương và thay đổi điều luật vốn che chắn cho những đơn vị sản xuất súng trước các rủi ro kiện tụng.

Bà Clinton tuyên bố sẽ sử dụng đặc quyền hành pháp của Tổng thống nếu đắc cử, nhằm lấp kín những lỗ hổng trong luật kiểm soát súng nếu quốc hội không hành động. Bà nói: “Liệu còn bao nhiêu người phải chết trước khi chúng ta thực sự hành động”.

Ứng viên Dân chủ Sanders tuy kêu gọi những biện pháp lấp kín các kẽ hở trong luật sở hữu súng và cấm bán vũ khí sát thương nhưng ông đã từng vài lần bỏ phiếu ở quốc hội để đứng về phía các nhà sản xuất và mua bán vũ khí.

Trong khi đó, ông Ted Cruz là một trong những người bảo vệ quyền sở hữu súng mạnh mẽ nhất, ông kiên quyết bám theo những điều được quy định của hiến pháp và lập luận: “Bạn không thể loại trừ kẻ xấu bằng việc tước đoạt súng của chúng ta”.

Còn ứng viên Donald Trump tuyên bố sẽ phủ quyết mọi dự luật kiểm soát súng đạn mới. Ông nói: “Chúng ta đã có rất nhiều quy định. Nếu nhìn vào các đối thủ của tôi, họ đang rất lúng túng trước việc thực hiện Tu Chính án thứ 2, trong khi tôi rất quyết liệt”.

Vấn đề người tị nạn

Sau vụ khủng bố đẫm máu ở Paris giữa tháng 11/2015, các ứng viên Tổng thống Mỹ của lưỡng đảng cũng bắt đầu tranh cãi gay gắt về việc có hay không tiếp nhận người tị nạn từ Syria vào Mỹ.

Đa số ưng viên đảng Cộng hòa phản đối việc Washington tuyên bố đón dòng người tị nạn. Ông Trump tuyên bố: “Nếu ông Obama vì sự yếu đuối của mình mà tiếp nhận họ, thì tôi sẽ trục xuất tất cả nếu như tôi đắc cử”.

Còn ứng viên Ted Cruz lại cho rằng các quốc gia Trung Đông hoặc những nước đa số theo đạo Hồi cần đi đầu trong việc bố trí nơi ở mới cho những người di cư Syria. Ông cho rằng chỉ những người theo “đạo Công giáo và bị truy sát” mới cần nơi trú ẩn an toàn ở Mỹ.

Trong khi đó, bà Clinton đã thúc giục cách xử lý quyết liệt hơn cho tình hình Syria. Bà nói: “Tôi kêu gọi lập vùng cấm bay và các hành lang nhân đạo để ngăn chặn tình trạng tàn sát ở mặt đất và từ trên không”.

Đối với đề xuất tiếp nhận người tị nạn của chính phủ, quan điểm của bà Clinton là “chúng ta có thể tiếp nhận 65.000 người nhưng phải bảo đảm chúng ta đã xây dựng được hệ thống kiểm tra và sàng lọc hiệu quả”.

Trong khi đó, ông Sanders tỏ ra thận trọng hơn trong vấn đề này. Ông không bình luận về con số chỉ tiêu, chỉ cho rằng “nước Mỹ cần thực hiện đầy đủ trách nhiệm qua việc giúp đỡ những người tị nạn”.

Chống khủng bố

Đối với vấn đề chống khủng bố, các ứng viên của cả 2 đảng đều có thái độ kiên quyết, nhưng giải pháp cụ lại khác nhau và thể trên 2 khía cạnh: tiêu diệt khủng bố ở Trung Đông bằng không kích, và kết hợp cả không kích với lực lượng trên bộ.

Bà Clinton kêu gọi tăng cường các hoạt động do Mỹ dẫn đầu để đánh bại lực lượng IS, bà nói: “Mục tiêu của chúng ta không phải là kiềm chế hay đẩy lùi IS, mà là đánh bại và hủy diệt tổ chức này”.

Còn ông Sanders lưỡng lự trước việc phải sử dụng lực lượng trên bộ, ông cho rằng: “Chúng ta phải kiên quyết trong cuộc chiến với IS, nhưng chúng ta cũng phải rút ra bài học từ quá khứ. Chúng ta không thể tiến hành chiến dịch đơn độc”.

Ông Trump đưa ra giải pháp sẽ triệt phá nguồn cung cấp dầu mỏ của IS và khẳng định nước Mỹ cần truy quét cả gia đình của những thành viên IS. “Tôi sẽ ném bom đến tận cùng để tiêu diệt IS”.

Còn ứng viên Cruz lại cho rằng: “Chúng ta cần phải làm rõ rằng, nếu anh gia nhập IS, nếu anh tham gia các phong trào thánh chiến chống lại nước Mỹ, thì anh đã tự ký vào bản án tử của mình”.

Cho đến nay, theo kết quả cuộc thăm dò dư luận mới nhất do NBC/WSJ/Marist công bố, tỷ lệ ủng hộ dành cho ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump tại bang Iowa hiện là 32%, ứng cử viên đứng thứ hai là Ted Cruz với 25%. Tuy nhiên, kết quả thăm dò trên toàn quốc cho thấy ông Trump vẫn bỏ khá xa đối thủ gần nhất với tỷ lệ ủng hộ lần lượt là 37 và 21%.

Còn cặp đôi ứng viên của đảng Dân chủ, theo BBC, ở giai đoạn đầu bà Clinton đang dẫn đầu khá xa, nhưng ở giai đoạn cuối ông Sanders lại dẫn điểm sát nút và là một thách thức đáng quan ngại với bà Clinton tại một số bang chủ chốt.

Về cuộc đối đầu giữa hai ứng cử viên tiềm tàng là bà Clinton của đảng Dân chủ và ông Trump của đảng Cộng hòa, theo kết quả thăm dò của kênh truyền hình CNN cho thấy bà Hillary Clinton đang dẫn điểm với 77% số phiếu ủng hộ, so với 49% của ông Donald Trump.

Quang Huy