1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tham vọng nối dài tầm ảnh hưởng sang châu Âu của Trung Quốc gặp "chướng ngại vật"

(Dân trí) - Giới quan sát nhận định rằng chiến lược nhằm xâm nhập và gia tăng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Trung và Đông Âu thông qua sáng kiến 16+1 đang gặp phải các "chướng ngại vật".

Tham vọng nối dài tầm ảnh hưởng sang châu Âu của Trung Quốc gặp chướng ngại vật - 1

Cầu Peljesac, dự kiến hoàn thành năm 2022, được dựng mô hình bằng phần mềm đồ họa (Ảnh: SCMP)

Khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc và 16 nước khu vực Trung và Đông Âu họp mặt tại Croatia vào đầu tháng tới, dự án cây cầu Peljesac do một công ty nhà nước của Bắc Kinh xây dựng dự kiến sẽ trở thành biểu tượng cho sự hợp tác của Trung Quốc với khu vực trên.

Cây cầu dự kiến hoàn thành trong năm 2022 do tập đoàn CRBC (Trung Quốc) xây dựng sẽ nối đất liền Croatia với vùng phía nam bị ngăn cách qua biển Adriatic.

Với Croatia, cây cầu sẽ nối liền 2 phần lãnh thổ của quốc gia này và họ cũng kỳ vọng sẽ thúc đẩy du lịch sau khi dự án hoàn tất. Đối với Trung Quốc, công trình thể hiện rằng các công ty của Bắc Kinh có thể xây các công trình cơ sở hạ tầng chất lượng cao tại EU.

Theo SCMP, cây cầu được coi là biểu tượng của chiến lược đôi bên cùng có lợi mà Trung Quốc vẫn tuyên truyền dưới danh nghĩa dự án hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Trung và Đông Âu (China-CEEC).

China-CEEC hay còn được gọi là sáng kiến 16+1, là một dự án được tung ra từ năm 2012 với tham vọng mở rộng các dự án đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng giữa Trung Quốc và khu vực. Trong số 16 nước tham gia sáng kiến, có 11 quốc gia thành viên EU và 5 nước khu vực Balkan.

Tuy nhiên, theo SCMP, một số dấu hiệu dường như cho thấy các nước thành viên đang tham gia sáng kiến đang quan ngại rằng liệu các dự án China-CEEC có thực sự là đôi bên cùng có lợi hay không.

Vào thời điểm đó, Trung Quốc cam kết rót hàng tỷ USD dưới dạng các khoản vay đặc biệt và thiết lập các đặc khu kinh tế tại 16 quốc gia trong 5 năm với hàng loạt các hứa hẹn khác.

“Khi đó, các nước Trung và Đông Âu (CEE) kỳ vọng rằng họ có thể hợp tác nhằm giảm thặng dư thương mại cũng như tăng đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào khu vực”, chuyên gia Matej Simalcik của Viện nghiên cứu châu Á tại Bratislava, Slovakia, cho biết.

Những trở ngại của Trung Quốc

Tuy nhiên, trong 7 năm qua, mục tiêu nói trên dường như không có nhiều tiến triển. Theo SCMP, một trong những điều khiến các nước CEE “vỡ mộng” nhiều nhất là vấn đề thu hẹp thặng dư thương mại.

Tại Ba Lan, một trong những đối tác chiến lược của Trung Quốc, chỉ số trên đã tăng gần gấp 3 từ 10,3 tỷ USD lên 28,4 tỷ USD năm ngoái và Bắc Kinh dường như là bên có lợi hơn.

Hồi tháng 6, Tổng lãnh sự Ba Lan tại Quảng Châu, Joanna Skoczek, từng nói rằng trong khi các chuyến tàu chở hàng từ Trung Quốc tới Ba Lan thông qua hãng China Railway Express luôn đầy ắp hàng, thì những chuyến đi chiều ngược lại hầu hết thường trống rỗng.

Nhà nghiên cứu Jakub Jakobowski tại Trung tâm nghiên cứu Phương Đông, Ba Lan nói rằng việc thiếu đi những kết quả rõ ràng và cụ thể trong nhiều năm bắt tay hợp tác khiến các nước CEE cảm thấy băn khoăn với cam kết của Trung Quốc về cái gọi là đôi bên cùng có lợi.

Trong khi đó, chuyên gia Richard Turcsanyi tại đại học Palacký ở Cộng hòa Séc cho biết có ít dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ đổ tiền đầu tư vào các nước CEE như họ đã cam kết.

“Vấn đề lớn nhất là Trung Quốc đầu tư rất ít vào đây. Họ mới chỉ đẩy nhanh dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực Tây Balkan, và những dự án này cũng nhận được ý kiến tranh cãi từ nhiều bên, trong đó có EU, khối hoài nghi về các tiêu chuẩn của các công trình do Trung Quốc xây dựng”, ông Turcsanyi cho biết.

Căng thẳng ngày càng gia tăng giữa EU và Trung Quốc được cho là cũng sẽ là yếu tố có thể phủ bóng lên hội nghị ở Croatia vào tháng tới. Hội nghị 16+1 năm nay diễn ra trong bối cảnh, ủy ban châu Âu EC đã gọi Bắc Kinh là “đối thủ kinh tế” và “đối thủ mang tính hệ thống thúc đẩy thay thế các mô hình quản trị”.

Thêm nữa, Ba Lan hay Cộng hòa Séc, các nước thành viên EU có quan hệ đối tác với Trung Quốc, đã cùng các quốc gia Phương Tây cân nhắc loại bỏ hãng viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei ra khỏi dự án xây dựng mạng lưới 5G vì lý do an ninh.

Đức Hoàng

Theo SCMP