1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thảm sát tại Ai Cập: Vì đâu nên nỗi?

(Dân trí) – 638 người chết và hơn 3.700 người bị thương chỉ trong một ngày cưỡng chế. Thêm gần 1.500 người thương vong trong ngày dẹp loạn thứ hai, có sự tham gia của tăng thiết giáp và đạn thật. Vì đâu Ai Cập bị đẩy vào vòng vòng xoáy xung đột vô định hiện nay.

Thảm sát tại Ai Cập: Vì đâu nên nỗi?
Dưới sức mạnh của bàn tay thép do quân đội chủ xướng, Ai Cập đang trải qua thảm kịch đẫm máu nhất trong lịch sử đương đại của đất nước Kim tự tháp.


Ngoài những con số thương vong nói trên, cuộc trấn áp (theo cách nói của chính phủ lâm thời Ai Cập) hay thảm sát (theo cách gọi của người biểu tình và dư luận quốc tế) còn chứng kiến cảnh hàng trăm nhà lãnh đạo của tổ chức Anh em Hồi giáo bị bắt giữ.

Có vẻ như chính phủ lâm thời Ai Cập, dưới sự hậu thuẫn mạnh mẽ của quân đội, đang quyết tâm “đánh rắn dập đầu” theo một kịch bản đã được soạn sẵn nhằm loại bỏ hoàn toàn tổ chức Anh em Hồi giáo ra khỏi vòng pháp luật. Và động lực để những người đảo chính cũng như giới tướng lĩnh quân đội Ai Cập quyết tâm thực hiện bằng được kế hoạch này chính là vì họ đã phần nào “bắt thóp” được Mỹ và phương Tây.

Xâu chuỗi tất cả những sự kiện diễn ra kể từ trước cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống dân bầu Mohammed Morsi hôm 3/7 đến nay, không khó để nhận ra từng “đường đi, nước bước” rất bài bản của những người làm đảo chính. Từ đánh tiếng cho Israel, kêu gọi hợp tác với các đồng minh bài Hồi giáo trong khu vực, đến dồn ép phe đối lập để buộc họ phải chấp nhận thế an bài.  

Thế nhưng khi chính thức bắt tay thực hiện từng bước trong kế hoạch, những người khơi mào cuộc đảo chính và ban lãnh đạo chính phủ lâm thời Ai Cập không ngờ rằng lại gặp phải phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế và sự phản kháng cứng rắn đến vậy của những người ủng hộ Tổng thống Morsi.

Để hóa giải hai thách thức này, chính quyền lâm thời Ai Cập đã quyết định đi những nước cờ tiếp theo: Làm thất bại mọi nỗ lực trung gian hòa giải trong nước và quốc tế để đổ lỗi cho những người Hồi giáo về tình trạng bất ổn hiện nay.

Kết quả là tất cả các sáng kiến hòa giải đều bị chính phủ lâm thời Ai Cập gạt bỏ, dù đó là sáng kiến của các thành phần bảo thủ hay tiến bộ trong nước, dù là của các quốc gia trong khu vực hay tổ chức ngoài khu vực như Liên minh châu Âu (EU). Sở dĩ Cairo một mực nguây nguẩy lắc đầu đối với bất kỳ sáng kiến nào được đưa ra là vì các nhà lãnh đạo hiện nay không muốn bị rơi vào cảnh “xét lại” nếu như để cho Tổng thống Morsi trở lại, dù chỉ với nhiệm vụ duy nhất là tổ chức một cuộc bầu mới theo hiến định. Nhiều nhà phân tích cũng cho rằng, chính quyền lâm thời Ai Cập không dại gì tự “chui đầu vào rọ” khi biết chắc sẽ bị phần đông dân chúng là những người Hồi giáo ủng hộ Tổng thống Morsi quy kết trách nhiệm về cuộc đảo chính hôm 3/7, động thái đã đẩy đất nước đến tình trạng rối ren vô định hiện nay.

Cùng với việc bác bỏ các nỗ lực ngoại giao, chính quyền lâm thời Ai Cập cũng ra tối hậu thư yêu cầu những người ủng hộ Tổng thống Morsi phải chấm dứt ngay cuộc biểu tình ngồi đã kéo dài sang tuần thứ 6 liên tiếp ở thủ đô Cairo. Tối hậu thư nêu rõ: “Nếu (những người Hồi giáo) không chấm dứt biểu tình, chính phủ sẽ áp dụng các biện pháp trấn áp cứng rắn”.

Một quyết định đàn áp không nương tay cũng đã được chóng vánh đưa ra nhằm triệt hẳn những mầm mống nguy hiểm đang âm ỉ bùng phát trong những người theo phe Hồi giáo. Gần 800 người chết, hơn 5.000 người bị thương chỉ trong hai ngày trấn áp. Con số này đủ nói lên mức độ thảm khốc của vòng xoáy bạo lực khi nó không chỉ vượt ra ngoài mọi suy đoán trước đó, mà còn thực sự gây sốc trong dư luận khu vực và quốc tế.

Vì sao chính phủ lâm thời Ai Cập lại đẩy cuộc đối đầu với phe Hồi giáo thành một cuộc tắm máu thực sự với tất cả những tính chất của tội ác chống lại loại người? Câu trả lời có lẽ nằm ở ba khả năng sau.

Thứ nhất, chính quyền lâm thời Ai Cập quyết tâm ngăn bằng được mọi bước tiến theo con đường thỏa hiệp chính trị nhằm “triệt hẳn đường về của ông Morsi”, cũng là con đường trở lại chính trường của Anh em Hồi giáo, một tổ chức chính trị có cơ cấu chặt chẽ, quy mô hoạt động bài bản và là đối thủ lớn nhất của chính quyền quân đội hiện nay. Muốn thế, các nhà lãnh đạo Ai Cập buộc phải đặt mọi chuyện vào “việc đã rồi” để không bên nào kịp trở tay, dù là người biểu tình trong nước hay các thế lực ủng hộ Anh em Hồi giáo từ bên ngoài.

Thứ hai, xã hội Ai Cập đang bị phân hóa sâu sắc. Hiện tại ở Ai Cập người ta không chỉ chứng kiến sự đối đầu sống còn giữa hai thể chế lớn nhất là quân đội và Anh em Hồi giáo, mà còn giữa những người ủng hộ của hai phe này. Bên cạnh đó, mối thâm thù giữa lực lượng tư pháp với Anh em Hồi giáo cũng góp thêm một tham số bất định cho cuộc chính biến cho cuộc chính biến lật đổ chế độ chính trị hồi giáo ở Ai Cập hiện nay.   

Thứ ba, giới quân sự Ai Cập biết rõ họ sẽ luôn nhận được sự ủng hộ và bảo vệ của Mỹ cũng như các đồng minh trong khu vực, dù bất kỳ chuyện gì xảy ra. Việc Israel làm ngơ cho quân đội phế truất Tổng thống Morsi, Mỹ lặng thinh trước các diễn biến đảo chính, còn Arập Xêút và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) mạnh tay vùng tiền tài trợ tỷ đô cho chính phủ lâm thời  Ai Cập là những động lực để quân đội yên tâm hành sự.

Tuy nhiên, trong các cuộc chơi chính trị - ngoại giao, khi khả năng xoay sở của các bên đang bị thu hẹp đến mức nguy hiểm thì không ai có thể dám chắc một sự mặc cả hay đánh đổi sẽ không diễn ra. Dù hiểu rõ và rất cần tới vị thế của Ai Cập trong cơ cấu địa chính trị khu vực, song khi cần, Mỹ và phương Tây vẫn sẽ sẵn lòng “thí xe” nếu bắt đầu cảm thấy những hậu quả khôn lường có thể xảy ra từ sự phát triển nguy hiểm của tình hình Ai Cập hiện nay.

Hà Giang