1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thảm họa nhân đạo "đốt cháy" Dải Gaza

Nguyên Long

(Dân trí) - Đã hơn một tháng kể từ khi xung đột Israel và lực lượng Hamas bùng phát, Dải Gaza đang chìm trong khói bom lửa đạn và lâm vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc nhất từ trước đến nay.

Thảm họa nhân đạo đốt cháy Dải Gaza - 1

Một em nhỏ sống trong khu lánh nạn ở phía nam Gaza (Ảnh: Reuters).

Bức tranh càng trầm trọng trong bối cảnh cuộc chiến đô thị khốc liệt đang diễn ra sâu hơn bên trong Gaza, nơi Hamas có mạng lưới đường hầm kéo dài hàng trăm km và Israel còn chưa cân nhắc về một lệnh ngừng bắn tạm thời vì mục đích nhân đạo.

Ngày 7/10, Hamas đã bất ngời phát động một cuộc tấn công chưa từng có vào Israel, làm chết hơn 1.400 người và bắt giữ hơn 200 con tin. Đáp lại, Israel đã tuyên chiến với Hamas và phát động cuộc tấn công đẫm máu nhất nhằm vào Gaza trong nhiều năm, khiến hàng nghìn người thiệt mạng và bị thương, đồng thời phá hủy hàng loạt cơ sở hạ tầng trên dải đất nhỏ hẹp bên bờ Địa Trung Hải này.

Thảm kịch đang xảy ra tại dải Gaza khiến người dân trên dải đất này phải sống trong cảnh khốn cùng khi thiếu một cách nghiêm trọng lương thực, nước sạch, nhiên liệu, thuốc men, vật tư y tế và nguy cơ bệnh dịch bùng phát cận kề khi điều kiện vệ sinh cực kỳ kém, nhiều cơ sở y tế rơi vào tình trạng quá tải, thậm chỉ phải đóng cửa.

Trong bối cảnh Israel đang triển khai giai đoạn 2 của cuộc tấn công, tương lai về một thỏa thuận ngừng bắn hoàn toàn vẫn chưa hề ló dạng.

Chiến sự càng mở rộng, thảm họa càng nghiêm trọng

Chỉ 20 ngày sau khi Hamas phát động cuộc tấn công bất ngờ vào Israel, ngày 27/10, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) triển khai bộ binh tiến vào dải Gaza, đồng thời mở rộng các hoạt động tấn công trên không và trên biển nhằm làm tiêu hao đáng kể nguồn lực của Hamas và đưa các con tin về nước. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố, đây là "cuộc chiến giành độc lập lần thứ hai" của Israel, cảnh báo một "cuộc chiến tranh lâu dài và khó khăn" đang ở phía trước.

Người phát ngôn IDF Daniel Hagari ngay từ đầu tháng 11 đã tuyên bố, lực lượng bộ binh của Israel bao vây hoàn toàn thành phố Gaza, trung tâm hoạt động của Hamas, đồng thời nhấn mạnh "ý tưởng ngừng bắn hoàn toàn chưa được bàn tới". Tham mưu trưởng Quân đội Israel Herzi Halevi nói rằng, quân đội Israel đã "xâm nhập sâu" vào các khu vực do Hamas nắm giữ ở Gaza và đang "chiến đấu trực diện với kẻ địch".

Trong khi đó, người phát ngôn cánh vũ trang của Hamas Abu Obeida phát biểu trên truyền hình rằng, thương vong của Israel ở Gaza cao hơn nhiều những gì IDF công bố, nhấn mạnh rằng "binh lính Israel sẽ trở về trong những chiếc túi đựng thi thể màu đen" và "Gaza sẽ là lời nguyền lịch sử đối với Israel".

Cuộc xung đột giờ đây có nguy cơ lan rộng sang các khu vực khác, thậm chí kéo cả các lực lượng bên ngoài can dự vào. Theo tin từ truyền thông Ả rập, IDF không chỉ tấn công trực diện vào Dải Gaza mà còn tấn công cả các vị trí khác ở khu vực Bờ Tây. Báo Al Jazeera cho biết, IDF đã tấn công thị trấn Aroura và tiến hành một cuộc đột kích trong đêm khác ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng nhắm vào Hebron, Nablus, Jenin và một số khu vực khác. Hơn nữa, các cuộc tấn công đáp trả của Hamas bằng rocket từ Dải Gaza vào Israel cùng với sự yểm trợ pháo binh từ lực lượng Hezbollah ở Li Băng, dân quân Syria và phong trào Houthi càng khiến Israel quyết tâm mở rộng hoạt động quân sự.

Phát ngôn viên IDF Anna Ukolova đã tuyên bố, IDF sẽ mở rộng tấn công trả đũa Hamas tới khu vực miền Nam Gaza "nếu cần phải làm điều đó" bởi họ đã thu thập được thông tin cho thấy Hamas "không chỉ thiết lập cơ sở hạ tầng ở miền Bắc mà còn "sử dụng cả các cơ sở dân sự ở miền Nam Gaza". Nội các An ninh của Israel thông báo "sẽ cắt đứt mọi liên lạc với dải Gaza và sẽ không có thêm người lao động Palestine đến từ Gaza nữa"; những người lao động từ Gaza có mặt ở Israel vào ngày bùng phát xung đột sẽ được đưa trở lại Gaza".

Theo thông tin từ phía Israel, trước khi xảy ra xung đột, Israel đã cấp giấy phép làm việc cho khoảng 18.500 người từ Gaza đến làm việc tại Israel. Tuy nhiên, hãng tin Reuters cho biết, ngày 3/11, hàng nghìn người lao động Palestine ở Israel và khu Bờ Tây bị chiếm đóng đã được đưa trở lại Gaza.

Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã cảnh báo, xung đột có nguy cơ leo thang hơn nữa và bùng phát trên khắp khu vực Trung Đông, đồng thời cho biết đang nỗ lực để đạt được lệnh ngừng bắn hoàn toàn và có hiệu lực ngay lập tức, mở đường cho các hoạt động viện trợ nhân đạo.

Những diễn biến trên thực địa cho thấy, bất chấp nghị quyết của Liên hợp quốc cũng như kêu gọi về "đình chiến nhân đạo", cuộc chiến đẫm máu trên dải Gaza vẫn đang diễn ra và ngày càng khốc liệt. Một nhóm chuyên gia độc lập của Liên hợp quốc cũng cảnh báo, xung đột có nguy cơ biến thành "cuộc diệt chủng ở Gaza". Có thể thấy, mức độ tàn phá do xung đột trên Dải Gaza là chưa từng có và thảm kịch mà người dân trên dải đất này đang trải qua là quá sức chịu đựng.

Những con số đau lòng, đầy tuyệt vọng

Thảm họa nhân đạo đốt cháy Dải Gaza - 2

Người Palestine ở miền trung Gaza kéo nhau đi sơ tán khỏi chiến sự (Ảnh: Reuters).

Gaza - dải đất nhỏ hẹp ven bờ Địa Trung Hải - là nơi sinh sống của hơn 2 triệu người và là một trong những khu vực đông dân nhất trên thế giới đã phải gồng mình chịu đựng nhiều thập kỷ bất ổn chính trị, xung đột quân sự và cô lập về kinh tế, khiến cư dân nơi đây bị mắc kẹt trong vòng xoáy tuyệt vọng không bao giờ kết thúc. Với khả năng tiếp cận hạn chế với các cơ hội chăm sóc sức khỏe, giáo dục và việc làm, người dân Gaza phải đối mặt với những thách thức khó khăn hàng ngày.

Xung đột bùng phát từ ngày 7/10 giữa Hamas và Israel đã khiến cho cuộc khủng hoảng nhân đạo trên dải đất này nghiêm trọng hơn bao giờ hết, khi các cuộc tấn công của Israel và Hamas khiến hàng nghìn dân thường thiệt mạng, và bị thương, cơ sở hạ tầng biến thành đống đổ nát. Trong khi cả hai bên đều tuyên bố tự vệ thì nạn nhân thực sự lại là những thường dân vô tội đang oằn mình dưới muôn làn mưa bom, bão đạn. Kể từ khi xung đột bùng phát, đã có hơn 10.000 người Palestine thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em; hơn 1 triệu người dân Gaza phải rời bỏ nhà cửa, hơn 670.000 người đang trú ấn trong các cơ sở của Liên hợp quốc nơi điều kiện ăn ở, vệ sinh cũng thiếu thốn cùng cực. Nhà chức trách Israel cho biết, hơn 1.400 người Israel thiệt mạng và khoảng 240 con tin vẫn đang bị Hamas giam giữ.

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết, thành phố Gaza và phía Bắc Gaza đã "phần lớn bị cắt đứt" khỏi phần còn lại của dải đất; 14 trong số 35 bệnh viện trên khắp Gaza không hoạt động. Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) lo ngại, các bệnh viện ở Gaza có thể "biến thành nhà xác" nếu không có điện.

Bốn trong 5 nhà máy xử lý nước thải hiện đã ngừng hoạt động, nhà máy thứ 5 chỉ hoạt động ở mức tối thiểu và nước thải đang được đổ trực tiếp xuống biển. Trong khi đó, tất cả các nhà máy khử mặn nước biển đã ngừng hoạt động vì không có nhiên liệu và thiếu điện, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sẵn có có thể được vận chuyển bằng xe tải trong Dải Gaza. Bên cạnh đó, việc viện trợ nhân đạo từ miền Nam cho khoảng 300.000 người di tản trong nước ở miền Bắc cũng đã dừng lại.

Hơn nữa, trật tự dân sự ở Gaza đã bị phá vỡ và người dân đã bị đẩy tới "giới hạn chịu đựng" khi hàng nghìn người đã đột nhập vào các kho hàng của Liên hợp quốc hôm 28/10 để lấy bột mì và các mặt hàng thiết yếu khác. Hàng ngày vẫn có hàng trăm người tìm cách đột nhập các kho hàng để trộm lương thực, nước uống để có thể sinh tồn. Trật tự lộn xộn cũng khiến 4 trung tâm phân phối viện trợ của Liên hợp quốc và một cơ sở lưu trữ ở Dải Gaza phải dừng hoạt động.

Cơ quan Liên hợp quốc về Cứu trợ Người Tị nạn Palestine (UNRWA) cảnh báo số lượng hạn chế xe chở hàng cứu trợ được phép vào Dải Gaza không đủ để đáp ứng "nhu cầu nhân đạo chưa từng có". Trong khi đó, đã có gần 70 nhân viên của UNRWA thiệt mạng và đây là số nhân viên cứu trợ Liên hợp quốc thiệt mạng cao nhất trong xung đột chỉ trong thời gian ngắn như vậy.

Rõ ràng, cần phải có sự đoàn kết tập thể, một ý chí và quyết tâm chính trị đủ lớn nhằm đảm bảo việc cung cấp hàng viện trợ không gặp trở ngại và tới tay người dân Gaza để giải quyết tạm thời vấn đề khủng hoảng nhân đạo trên dải đất này.

Giải pháp nào cho khủng hoảng nhân đạo trên Dải Gaza?

Một là, một lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức đang trở thành vấn đề sinh tử với hàng triệu người dân trên dải đất Gaza, nhất là trong bối cảnh trật tự dân sự đã bị phá vỡ hoạt động của cứu trợ của Liên hợp quốc ở dải Gaza đang gặp vô vàn khó khăn.

Hai là, các tổ chức nhân đạo của Liên hợp quốc, Hiệp hội Chữ Thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế phải được tiếp cận Gaza một cách tự do và không bị cản trở để có thể đánh giá chính xác mức độ thiệt hại trên thực địa nhằm xác định phạm vi, nhu cầu của người dân. Thiết lập một hành lang nhân đạo để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo nhanh chóng mà không bị cản trở đến những thường dân đang gặp khó khăn.

Ba là, đảm bảo con tin được đối xử nhân đạo và tất cả đều được thả ngay lập tức; dân thường phải có khả năng di chuyển an toàn đến nơi an toàn.

Bốn là, tất cả các bên phải tôn trọng luật xung đột, tuân thủ các nghĩa vụ theo Hiến chương Liên hợp quốc; kiềm chế sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp và không thực hiện thêm các hành động gây nguy hiểm cho hòa bình và an ninh quốc tế; đồng thời nỗ lực hết sức tạo điều kiện thuận lợi cho việc hòa giải và giải quyết hòa bình các cuộc xung đột nhằm mục đích chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch.

Lịch sử đã cho thấy, cả một thế hệ trẻ em ở Gaza lớn lên không biết gì ngoài biên giới bị đóng cửa, những tổn thương do xung đột và những di sản mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo đầy đau thương. Khoảng một nửa dân số ở Gaza dưới 18 tuổi đã trải qua nhiều chiến dịch quân sự lớn, nhỏ và vô số lần leo thang căng thẳng.

Giờ đây hàng nghìn người dân Gaza lại đang tiếp tục phải sống trong tiếng còi báo động ầm ĩ, mưa bom, bão đạn tứ bề và nỗi sợ hãi, cảm giác bất lực bao trùm khi không ai biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Cuộc khủng hoảng nhân đạo trên dải đất nhỏ hẹp ven bờ Địa Trung Hải hiện nay là vô cùng nghiêm trọng và chưa từng có tiền lệ khi các nguồn lực quan trọng, các nguồn viện trợ rất khó có thể đến tay người dân, trong khi đó tình trạng di dời hàng loạt vẫn tiếp tục diễn ra và chiến sự ngày càng cam go, khốc liệt với khả năng lan rộng ra các khu vực khác cũng như sự can dự của các lực lượng bên ngoài là rất lớn.

Điều quan trọng giờ đây là cần có sự đoàn kết, nỗ lực của cộng đồng quốc tế và tất cả các bên liên quan để cùng nhau tìm ra giải pháp hiệu quả, giúp giải quyết được cuộc khủng hoảng nhân đạo đang nung nóng chảo lửa Gaza.

Dòng sự kiện: Chiến sự Israel - Hamas