1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tàu chiến Australia tuần tra Biển Đông giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Các tàu và máy bay quân sự của Australia sẽ tiếp tục tuần tra Biển Đông sau khi Trung Quốc cảnh báo đòi độc lập cho Đài Loan đồng nghĩa với chiến tranh.

Tàu chiến Australia tuần tra Biển Đông giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc - 1

Tàu khu trục HMAS Parramatta của Hải quân Australia cùng các tàu USS America và USS Bunker Hill của Hải quân Mỹ diễn tập tại Biển Đông hồi tháng 4. (Ảnh: Reuters)

"Các tàu và máy bay của Australia sẽ tiếp tục thực hiện các quyền theo luật pháp quốc tế về tự do hàng hải và hàng không, bao gồm Biển Đông. Chúng tôi ủng hộ các bên khác làm điều tương tự", hãng tin Guardian ngày 29/1 dẫn lời một người phát ngôn Bộ Quốc phòng Australia cho biết.

Trong bối cảnh Đài Loan ghi nhận thêm nhiều máy bay quân sự Trung Quốc trong vùng nhận diện phòng không của hòn đảo, đồng thời Bắc Kinh cảnh báo việc đòi độc lập cho Đài Loan đồng nghĩa với chiến tranh, chính phủ Australia vẫn đang theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến trong khu vực.

"Về vấn đề Đài Loan, chúng tôi đã cập nhật tình hình và tiếp tục theo dõi các diễn biến", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Australia cho biết thêm.

Quân đội Mỹ tuần trước thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay nước này đã tiến vào Biển Đông trong một sứ mệnh nhằm đảm bảo "tự do" tại vùng biển này.

Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Quốc phòng Australia được đưa ra để phản hồi các câu hỏi về hoạt động của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông, cũng như liệu chính quyền tân Tổng thống Joe Biden có đề nghị Australia cùng tham gia với Mỹ trong các hoạt động ở Biển Đông hay không, hay liệu Australia có tiến hành các cuộc tập trận của nước này hay không.

Chính phủ Australia tin rằng sự ổn định tại Biển Đông mang lại lợi ích đáng kể cho nước này, một phần vì dòng chảy thương mại khổng lồ đi qua vùng biển này.

Mặc dù Australia thường xuyên tham gia tập trận cùng Mỹ và các đồng minh trong khu vực, nhưng chính phủ nước này vẫn giữ quan điểm không bình luận cụ thể về các hoạt động của Lực lượng Phòng vệ Australia.

Lập trường của chính phủ Australia là ủng hộ việc giải quyết hòa bình các bất đồng trong vấn đề Đài Loan cũng như các vấn đề khác trong khu vực, thông qua đối thoại và không đe dọa sử dụng vũ lực hay cưỡng ép. Australia cũng ủng hộ vai trò lãnh đạo của Mỹ tại Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm duy trì luật lệ, chuẩn mực trong khu vực.

Sau cuộc điện đàm đầu tiên với tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds ngày 27/1 cho biết hai nước sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau, cùng với các đồng minh và đối tác để duy trì một khu vực an toàn, thịnh vượng và dựa trên quy tắc.

Lầu Năm Góc cũng ra tuyên bố cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do, dựa trên luật pháp quốc tế và các thông lệ chung.

Cả Lầu Năm Góc và Bộ trưởng Quốc phòng Australia đều không trực tiếp nhắc đến Trung Quốc. Tuy nhiên, Australia đang bất đồng với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Australia trong nhiều vấn đề, bao gồm việc Bắc Kinh quân sự hóa trái phép các thực thể ở Biển Đông, vấn đề Hong Kong hay quan hệ thương mại giữa hai nước.

Greg Moriarty, quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Australia, hồi tháng trước nói rằng Trung Quốc đã hành xử đáng lo ngại và làm phức tạp môi trường an ninh của Australia thông qua các hành động trên Biển Đông. Quan chức quốc phòng Australia cũng cảnh báo nhiều quốc gia tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương rất lo ngại về viễn cảnh hòa bình và ổn định khi cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng nóng lên.