1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tân Đại sứ Iran: Nhiều công ty lớn đã tìm tới chúng tôi để ký các hợp đồng kinh tế

(Dân trí) - "Việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận của Phương Tây chống lại đất nước chúng tôi sẽ có lợi cho cả hai phía, cho chúng tôi và các công ty nước ngoài... Đây là cơ hội vô cùng thích hợp để các công ty Việt Nam có thể tiến vào thị trường Iran", Đại sứ Iran tại Việt Nam Saleh Adibi chia sẻ.

Tân Đại sứ Iran tại Việt Nam - Tiến sĩ Saleh Adibi - đã có cuộc trao đổi với phóng viên Dân trí xung quanh việc phương Tây gần đây dỡ bỏ các lệnh cấm vận đối với Iran.


Tân Đại sứ Iran - Tiến sĩ Saleh Adibi

Tân Đại sứ Iran - Tiến sĩ Saleh Adibi

Việc phương Tây dỡ bỏ cấm vận thương mại có ý nghĩa ra sao đối với Iran? Ông đánh giá như thế nào các cơ hội thương mại, đầu tư, hợp tác giữa Iran và các nước sau khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ?

Iran là một quốc gia rộng lớn với một nền văn minh giàu bản sắc, có vị trí địa chiến lược và địa chính trị trên thế giới. Trong suốt nhiều thế kỷ Iran vẫn luôn tiến bước trên con đường của hòa bình và phát triển thế giới. Đất nước chúng tôi đã có thể thiết lập quan hệ có tầm ảnh hưởng với các quốc gia khác thông qua việc tận dụng một cách tích cực vị thế của mình. Hay nói cách khác hợp tác giữa Iran và các quốc gia khác trên cơ sở những lợi ích chung. Vì vậy, hợp tác với Iran không chỉ có lợi cho chúng tôi mà còn có lợi cho các bên khác.

Mặc dù các lệnh cấm vận bất công trong những năm vừa qua đã gây thiệt hại cho chúng tôi nhưng cũng nhờ đó mà chúng tôi đã đạt được nhiều bước tiến nhờ vào tri thức và nội lực của bản thân để bản địa hóa rất nhiều các lĩnh vực khoa học công nghệ. Phát triển kiến thức y học, đạt được những thành tựu năng lượng hạt nhân phục vụ mục đích hòa bình, các lĩnh vực công nghệ vũ trụ và phóng phi thuyền không gian và những thành công ấn tượng trong lĩnh vực công nghệ nano là một phần trong những thành tựu này.

Phương Tây ngày 16/1/2016 đã dỡ bỏ các lệnh cấm vận nhằm vào Iran sau khi các quan sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận Iran tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của nước này.

Theo tờ New York Times, bước đi này sẽ giúp Iran được tự do buôn bán dầu mỏ, đồng thời giành lại quyền sở hữu gần 100 tỷ USD tiền bị phong tỏa ở nước ngoài. Nó cũng có nghĩa là hàng thập kỷ bị quốc tế cô lập, gây thiệt hại lớn về kinh tế đã kết thúc.

Việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận của Phương Tây chống lại đất nước chúng tôi sẽ có lợi cho cả hai phía, cho chúng tôi và các công ty nước ngoài. Điển hình là các bạn có thể thấy ngay sau khi các lệnh cấm vận được dỡ bỏ thì rất nhiều các công ty quốc tế lớn đã đến đất nước chúng tôi để ký các hợp đồng kinh tế.

Iran có rất nhiều tiềm năng thu hút đầu tư và hợp tác kinh tế chung với các nước khác. Hậu cấm vận Iran quyết định phát triển những tiềm năng liên quan đến lĩnh vực trung chuyển. Vì vậy, việc phát triển các tuyến đường sắt và các cảng biển của Iran được ưu tiên hàng đầu. Có thể nói việc phát triển kinh tế Iran cũng chính là phát triển kinh tế của các quốc gia trong khu vực và các nước láng giềng. Như các bạn cũng thấy trên phương diện chính trị, Iran đã thiết lập được những mối quan hệ cùng thắng. Và trong kinh tế, Iran cũng theo đuổi những mối quan hệ cùng thắng đó với các nước khác.

Liệu có trở ngại nào trong quá trình thực thi việc dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh cấm vận đối với Iran không, thưa ông?

Theo thỏa thuận đạt được giữa Iran và các nước P5+1, phương thức dỡ bỏ các lệnh cấm vận và các cơ chế của nó hoàn toàn rõ ràng và cũng như nhiều lần chúng tôi đã thông báo nếu các bên tham gia thực hiện cam kết của mình thì sẽ không có bất cứ rào cản nào trong việc thực hiện việc dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh cấm vận.

Được đánh giá là quốc gia có vai trò quan trọng trong các vấn đề địa chính trị Trung Đông, ông nhận định ra sao về diễn biến các cuộc khủng hoảng trong khu vực, như tại Yemen và Syria? Iran sẽ có những đóng góp gì để ổn định tình hình?

Chính sách đối ngoại của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran luôn lấy việc mang lại hòa bình và ổn định cho khu vực làm cơ sở và sẽ luôn là như vậy. Trong suốt những năm qua chúng tôi đã nỗ lực thuyết phục các quốc gia Trung Đông rằng chỉ có đối thoại mới là giải pháp tối ưu cho những khủng hoảng của khu vực, nhưng tiếc là thay vì hướng đến con đường đàm phán và đối thoại, họ lại lựa chọn con đường đổ máu.

Những cuộc tấn công trên bộ và không kích trải rộng nhằm vào những thường dân vô tội Yemen và việc tài trợ vũ khí cũng như tài chính cho các nhóm khủng bố như Tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo IS và nhóm Hồi giáo cực đoan Jabhat al-Nusra là một trong số những việc làm của một số các quốc gia vùng Vịnh Ba tư. Trong tương lai ngoài việc tôn trọng chủ quyền quốc gia của tất cả các nước láng giềng và tôn trọng việc ưu tiên đối thoại và lựa chọn hòa bình thay vì chiến tranh, nước Cộng hòa Hồi giáo Iran cũng sẽ nỗ lực giúp giải quyết các mâu thuẫn trong khu vực. Tất nhiên một quốc gia sẽ không thể đem lại hòa bình và ổn định ở Trung Đông mà tất cả các quốc gia phải cùng hành động giải quyết vấn đề này bằng cách gác lại hận thù.

Báo giới phương Tây gần đây có đề cập tới một liên minh Nga-Iran-Syria, để ứng phó trước những thách thức trong khu vực? Ông có bình luận gì về điều này?

Mục đích của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran là thiết lập ổn định lâu dài và hòa bình thực sự ở khu vực và bất cứ quốc gia nào có kế hoạch thực hiện việc này trên cơ sở tuân thủ những chuẩn mực khu vực và thế giới thì chúng tôi hoàn toàn hoan nghênh. Chúng tôi cũng có tương tác mang tính xây dựng với hầu hết các nước trong khu vực và hiện tại chúng tôi thường xuyên tiến hành những cuộc đối thoại ở các cấp nhằm giảm căng thẳng và giải quyết xung đột khu vực.

Quan hệ thương mại giữa Iran và Việt Nam sẽ có tác động như thế nào sau khi phương Tây dỡ bỏ các lệnh cấm vận với Iran? Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tìm thấy cơ hội kinh doanh nào của Iran?

Việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận và thiết lập các kênh liên kết ngân hàng chắc chắn sẽ giúp giảm chi phí trao đổi thương mại của Iran với các công ty nước ngoài. Trong bối cảnh hậu cấm vận, chúng tôi hy vọng việc phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước đặc biệt trong đầu tư chung sẽ ngày càng được thúc đẩy. Iran rất quan tâm đến việc phát triển xuất khẩu phi dầu mỏ như các sản phẩm hóa dầu và Polymer sang thị trường Việt Nam. Đây là cơ hội vô cùng thích hợp để các công ty Việt Nam có thể tiến vào thị trường Iran thông qua những sản phẩm kể trên. Đất nước Iran có đủ nguồn vốn về nhân lực và có trữ lượng năng lượng dồi dào, sự ổn định và an ninh đầy đủ.

Và như tôi đã nói ở trên, sau khi dỡ bỏ các lệnh cấm vận, Iran theo đuổi việc phát triển xuất khẩu phi dầu mỏ đặc biệt là các sản phẩm hóa dầu và Polymer. Tôi mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam hãy năng động hơn nữa trong việc phát triển đầu tư và mối quan hệ thương mại với các đối tác Iran trong lĩnh vực này.

An Bình

(Thực hiện)