1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tam giác quan hệ Nga-Việt-Mỹ dưới góc nhìn chuyên gia Nga

Ngày 14/7, báo “The Diplomat” đã đăng bài viết có tựa đề "Liệu mối quan hệ Việt-Mỹ có ảnh hưởng đến Nga?" của tác giả Anton Tsvetov - nhân vật phụ trách quan hệ truyền thông và chính phủ thuộc Hội đồng Đối ngoại Liên bang Nga, với nội dung chính như sau:

Tuần trước, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã kết thúc chuyến thăm Mỹ kéo dài 5 ngày. Động thái này được coi là bước ngoặt lớn trong quan hệ Mỹ-Việt. Việc Mỹ chấp nhận hợp tác với Việt Nam - quốc gia chỉ có một chính đảng duy nhất, khác xa với thể chế chính trị của Mỹ - là một hành động đáng hoan nghênh của Nhà Trắng.

Điều đó thể hiện Mỹ sẵn sàng vượt ra khỏi khuôn khổ của hệ tư tưởng để thúc đẩy hợp tác chính trị đương đại. Việc Hà Nội và Washington hướng tới mối quan hệ đối tác “rộng rãi” và “toàn diện” nhưng không mang tính “chiến lược” rất có ý nghĩa đối với các nhà ngoại giao Nga.

Tam giác quan hệ Nga-Việt-Mỹ dưới góc nhìn chuyên gia Nga
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Tổng thống Nga Putin và nguyên thủ nhiều nước tham dự lễ đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Chiến sĩ vô danh nhân Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, ngày 9/5/2015. (Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN)

Trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ khá căng thẳng như hiện nay, vị thế của Moskva trong trò chơi chính trị ở châu Á là gì? Câu hỏi đặt ra hiện nay là Nga nằm ở vị trí nào trong danh sách ưu tiên của Hà Nội? Nga có thể làm gì cho Việt Nam mà Mỹ không thể làm được?

Thứ nhất, đó là lĩnh vực buôn bán vũ khí. Nga là nhà cung cấp trang thiết bị vũ khí cho Việt Nam từ thời chiến tranh và tiếp tục giúp Việt Nam hiện đại hóa hải quân. Điểm nhấn lớn là hợp đồng Nga cung cấp cho Việt Nam 6 tàu ngầm lớp Kilo trang bị tổ hợp tên lửa Club-S. Mặc dù Mỹ đã gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, và Mỹ đã cung cấp trang thiết bị quân sự cho hải quân Việt Nam, tàu tuần tiễu cho cảnh sát biển Việt Nam, nhưng rõ ràng Việt Nam sẽ phải mất hàng thập kỷ để làm quen và sử dụng các trang thiết bị hoàn toàn mới này. Trong khi đó, Nga vẫn có thể đóng vai trò là đối tác then chốt trong lĩnh vực thương mại quốc phòng của Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông khó lòng được giải quyết trong ngày một ngày hai.

Thứ hai, trong quan hệ chính trị song phương với Việt Nam, Nga có nhiều lợi thế hơn Mỹ. Trong mối quan hệ này, Việt Nam không phải lo sợ về việc Nga yêu cầu cải cách đảng hay đưa ra các điều kiện nào đó để đổi lấy hợp tác thương mại quân sự, đầu tư hay nhân đạo. Còn trong quan hệ hợp tác với Mỹ, đây là một mối lo ngại.

Có một câu hỏi được đặt ra: Điều gì cản trở mối quan hệ Nga-Việt? Khi quan hệ của Nga với phương Tây bị tổn thương nặng nề liên quan cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Trung Quốc đã trở thành đối tác chính của Nga tại châu Á-Thái Bình Dương nhằm cân bằng lực lượng với Mỹ và phương Tây. Do đó, Nga hầu như không thể bày tỏ quan điểm ủng hộ cách tiếp cận của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama lại thể hiện rõ sự ủng hộ đối với các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Có thể thấy, tranh cãi giữa Việt Nam và Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông là một trong những yếu tố tác động tới quan hệ Việt-Mỹ. Có ý kiến cho rằng chính “bàn tay vô hình” của Bắc Kinh đã kéo mối quan hệ Nga-Việt đi xuống, nhưng thực tế không hẳn chỉ có vậy. Sự suy thoái kinh tế đã khiến Nga không thể trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa Việt Nam nhiều như Mỹ. Liên minh kinh tế giữa Việt Nam với khu vực thương mại tự do Á-Âu, bắt đầu có hiệu lực từ năm 2016, có thể sẽ tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác thương mại song phương, nhưng thị phần các nước nhập khẩu hàng hóa Việt Nam có thể vẫn thấp hơn 2%. Sức mua và cấu trúc quan hệ kinh tế Nga-Việt là điểm khác biệt lớn so với mối quan hệ Việt-Mỹ.

 
Theo Quang Vinh