1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Rắc rối ngoại giao Anh- Ấn Độ vì truyền hình thực tế

(Dân trí) - Những lời nói mang sắc thái chủng tộc chống lại ngôi sao Ấn Độ khi tham gia chương trình Celebrity Big Brother (Anh) ngày 16/1 vừa qua đã gây ra cuộc bút chiến chưa từng có, có thể ảnh hưởng đến quan hệ giữa Anh và Ấn Độ.

Trong chương trình Big Brother phát tối 16/1, ngôi sao Ấn Độ Shetty đã trở thành mục tiêu của những ám chỉ mang tính phân biệt chủng tộc của rất nhiều ngôi sao tham gia, trong đó có cô đào Jade Goody. Phát biểu sau lý lẽ của Cleo Rocos, một người tham gia chương trình, Shetty nói: "Tôi đại diện cho đất nước tôi. Nước Anh ngày nay như thế nào? Thật là rùng rợn. Một thực tế xấu hổ".

 

Rocos nói: "Tôi nghĩ không bao hàm cả sự phân biệt chủng tộc ở trong đó", nhưng Shetty đáp lại: "Có đấy, tôi đang nói với cô đấy". Sau đó, người mẫu Danielle Lloyd nới với Goody rằng ngôi sao Bollywood nên "cuốn xéo khỏi đây" và rằng cô này đang muốn trở thành người da trắng. Sau đó, lãnh đạo Channel 4 ra thông báo khẳng định hoàn toàn không có tính chất phân biệt chủng tộc ở đó mà chỉ là những va chạm về tầng lớp xã hội và khác biệt văn hóa.

 

Báo chí Anh và Ấn Độ lại có các phản ứng rất khác nhau trước vụ việc này.

 

Xã luận của tờ The Independant viết, nếu đặt một nhóm người tự cho mình là trung tâm, ích kỷ và dốt nát vào ngôi nhà chật chội của Big Brother trên Channel 4 thì chuyện bực mình chắc chắn sẽ  xảy ra. Các phản ứng của vụ rắc rối này đã vượt qua những giới hạn chưa từng có từ trước tới nay.

 

Chương trình Celebrity Big Brother đã kích động biểu tình trên đường phố của Ấn Độ, phản đối trên phố Downing (nơi đặt văn phòng Thủ tướng Anh), hay các chỉ trích của Bộ trưởng tài chính Anh Gordon Brown trong chuyến thăm tới bang Bangalore (Ấn Độ) và buộc cảnh sát phải vào cuộc.

 

 

Rắc rối ngoại giao Anh- Ấn Độ vì truyền hình thực tế - 1
 

Biểu tình phản đối chương trình Big Brother ở Ấn Độ.

 

Dường như các khán giả ở Anh có phản ứng rất nặng nề. Viện giám sát nghe nhìn Ofcom nhận được 19.300 đơn khiếu nại, một con số kỷ lục và 3.000 lá thư khác được gửi trực tiếp đến Channel 4 và báo Eastern Eye tung trên mạng một bản khiếu nại với 20.000 chữ ký ủng hộ.

 

Lãnh đạo của Channel 4 và hãng sản xuất Endemol đã họp bàn về các tác động do chương trình đem lại. Được biết, chương trình phát sóng tối 16/1 có Shetty tham gia thu hút 4,5 triệu người theo dõi, tăng 1 triệu khán giả so với tối hôm trước. Chương trình này đã gây ra một tác động đặc biệt tại Ấn Độ.

 

Báo Guardian (Anh) tổng hợp, "cuộc khẩu chiến đã thành công khi tập hợp các phe phái chính trị ở Ấn Độ, từ đảng Cộng sản, đảng Dân tộc của người Hindu cho đến Công đảng đang nắm quyền đều lên tiếng yêu cầu, cần có những biện pháp nhằm bào vệ thanh danh của Shilpa Shetty".

 

Chính phủ Ấn Độ thông qua nhiều kênh khác nhau đưa ra các phản ứng. Tờ Times tiết lộ, Bộ trưởng Bộ thương mại Ấn Độ, ông Kamal Nath tuyên bố với ông Gordon Brown  rằng, vụ rắc rối này có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng ngoại giao.

 

Trong chuyến thăm tới Bangalore, khi trả lời câu hỏi của các phóng viên liên quan đến vụ rắc rối này, ông Brown cho biết bản thân ông cũng không xem chương trình đó. Ông thực sự mong muốn nước Anh được nhìn nhận như một quốc gia công bằng và đại lượng.

Nhiều người cho rằng, sự việc có thể nghiêm trọng hơn khi ông Brown tới thăm một phòng thu của Bollywood ở Bombay. Cuối cùng, Times kết luận, truyền hình thực tế đã tạo ra một vụ khủng hoảng ngoại giao theo khuynh hướng siêu thực.

 

Nhà báo Bryony Gordon, chuyên viết xã luận cho Daily Telegraph cho rằng ông không hiểu gì về vụ xì căng đan này. "Tôi rất ngạc nhiên vì tầm quan trọng khoác vỏ bọc truyền thông liên quan đến câu chuyện buồn này. Những diễn viên và tác giả "không mấy thông minh" của Big Brother thực sự không đáng được chúng ta quan tâm và cách phản đối tốt nhất chính là tắt phụt tivi đi".

 

The Independent nhấn mạnh đến trách nhiệm của những người làm chương trình. "Sự thật là Big Brother chìa chiếc gương soi xã hội đương đại. Nếu chúng ta không thích những gì nhìn thấy, chúng ta sẽ phải nói trắng ra với những người tham gia chương trình này. Không chỉ với Jade Goody và những người bạn nhạt nhẽo của cô ta, mà còn cả với lãnh đạo kênh truyền hình đó".

 

Cũng theo tờ báo, sự việc không chỉ là cuộc khẩu chiến tồi tệ, nó còn cho thấy tình trạng phân biệt chủng tộc hiện nay ở Anh, nơi có 4,6 triệu người có nguồn gốc nước ngoài sống trên tổng số 60 triệu dân của nước này. Tờ báo này viết, mỗi ngày, những người Anh có nguồn gốc từ các dân tộc ít người cảm thấy thua thiệt trước những người hàng xóm da trắng. Họ có nguy cơ bị đuổi học, tống vào tù, trả lương thấp hay bị thất nghiệp. Họ sống trong những khu nhà tồi tàn và là nạn nhân của tình trạng phạm trọng tội.

 

Tuy nhiên, một số báo của Ấn Độ lại không phản ứng mạnh mẽ trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Anh. Trong xã luận của mình, The Indian Express so sánh, nếu chủ nghĩa phân biệt chủng tộc diễn ra thường xuyên ở giữa xã hội Anh, thì sự phân biệt đẳng cấp là hiện thực hàng ngày trong đời sống xã hội Ấn Độ. Hindustan Times góp chung ý kiến: "Chúng ta (người Ấn Độ) còn đi xa hơn họ, chúng ta không dung thứ cho những người không phải vì màu da mà còn vì nguồn gốc gia đình của họ".

 

Ngọc Nhàn
(Tổng hợp)