1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Quan hệ Nga – ASEAN: Tổng thống Putin phải “mặn mà” hơn

Trong quan hệ của ASEAN với các cường quốc chủ chốt, quan hệ ASEAN-Nga chậm phát triển nhất. Do vậy, muốn quan hệ đi vào thực chất, Nga cần phải gần gũi hơn với các nhà lãnh đạo Hiệp hội.

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Nga tại Hà Nội, năm 2010. (Nguồn: AP)
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Nga tại Hà Nội, năm 2010. (Nguồn: AP)

Ông Kavi Chongkittavorn, Nghiên cứu viên kỳ cựu của Viện Nghiên cứu vấn đề An ninh và Quốc tế, Trường Đại học Chulalongkorn Thái Lan đã nhận định như vậy trong bài viết đăng tải trên The Straits Times ngày 23/2. Nhận định của ông đưa ra trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh Nga – ASEAN sẽ diễn ra tại Sochi, Nga vào tháng Năm tới.

Ưu tiên trong chính sách nhiều nước lớn

Các mối quan hệ ASEAN với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ mạnh mẽ hơn so với Nga bởi vì lãnh đạo các cường quốc này luôn thúc đẩy và tăng cường hợp tác để mang lại những kết quả cụ thể trong quan hệ với Hiệp hội. Họ cũng coi ASEAN là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại.

Những năm gần đây, các nhà lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ đều tiếp xúc trực tiếp với các nhà lãnh đạo ASEAN để thúc đẩy quan hệ hữu nghị. Ngày 15-16/2 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt tại California với 10 nhà lãnh đạo ASEAN và tiếp tục làm sâu sắc thêm hợp tác với khu vực.

Các nhà lãnh đạo ASEAN và Tổng thống Barack Obama đã cùng ký Tuyên bố Sunnylands gồm 17 nguyên tắc. Đây được coi là thành công lớn của Hội nghị và là một minh chứng cho những cam kết và tầm nhìn chung giữa ASEAN và Mỹ.

Trong một nỗ lực tương tự, thời gian qua, cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường công du khắp khu vực ASEAN với các chương trình và các hoạt động cụ thể với ASEAN và từng thành viên. Bắc Kinh mong muốn các nước ASEAN tham gia tích cực vào các dự án kết nối cơ sở hạ tầng trong khu vực do nước này khởi xướng.

Do vậy, chắc chắn trong cuộc họp các nhà lãnh đạo ASEAN – Trung Quốc lần thứ 19, để kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ASEAN – Trung Quốc tại Vientiane, Lào vào tháng 9 tới, hai bên sẽ có nhiều nội dung để trao đổi.

Xét cặp quan hệ ASEAN – Nhật Bản, có thể nói, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Shinzo Abe, quan hệ hai bên đã đạt tốc độ như tàu cao tốc Shinkansen – niềm tự hào của đường sắt Nhật. Hợp tác hai bên được tăng cường sâu rộng, phản ánh được ý nghĩa chiến lược ngày càng quan trọng của ASEAN trong ưu tiên chính sách của Tokyo.

hủ tướng Abe đi thăm và tham vấn với các nhà lãnh đạo ASEAN với mật độ dày. Đáp lại, các nhà lãnh đạo ASEAN coi trọng quan hệ với Tokyo và đưa những hợp tác kinh tế với nước này vào trong chương trình sự quốc gia.

Ấn Độ cũng tăng cường hợp tác nhiều mặt với các nước ASEAN. Thủ tướng Narendra Modi muốn đầu tư và phát triển thương mại với ASEAN nhiều hơn. Gần đây, New Delhi tỏ ra mềm mỏng và sẵn sàng hơn trong việc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Ông Modi thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân Ấn Độ thực hiện chính sách “Hành động Hướng Đông”.

Cả Australia và New Zealand cũng có thành tích ấn tượng trong quan hệ với ASEAN. Đây là hai nước tầm trung nhưng có chương trình hợp tác năng động. Hai nước hào hứng hợp tác với ASEAN ở tất cả các cấp. Quan hệ ASEAN - New Zealand đã được nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược cùng một thời điểm với quan hệ ASEAN - Mỹ vào cuối tháng 11/2015.

Niềm hy vọng từ Hội nghị Sochi

Trong số các đối tác đối thoại chủ chốt, Nga vẫn chưa phải là một đối tác chiến lược của ASEAN. Sự khởi sắc cho quan hệ Nga – ASEAN được kỳ vọng ở Hội nghị thượng đỉnh Nga – ASEAN tại Sochi (Nga) vào tháng Năm tới.

Tổng thống Vladimir Putin đã đích thân viết thư mời các nhà lãnh đạo ASEAN đến Sochi. Ông mong muốn 10 nhà lãnh đạo ASEAN sẽ hiện diện ở Sochi để hai bên có thể trao đổi nhiều vấn đề trong quan hệ. Cho đến nay, dù đã ở nhiệm kỳ Tổng thống thứ ba nhưng ông Putin chưa bao giờ gặp gỡ riêng tất cả các nhà lãnh đạo ASEAN.

Năm 2005, ông Putin là khách mời của Chủ tịch ASEAN thời điểm đó - Malaysia tham dự phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) tại Kuala Lumpur. Ông đã nhiệt tình tham gia EAS với tư cách một thành viên sáng lập. Sự hiện diện của ông đã nhận được sự ủng hộ của nước Chủ tịch và một số thành viên ASEAN.

Tuy nhiên, ông không đưa ra một cam kết rõ ràng và kể từ đó quan tâm của Nga đối với ASEAN ngày càng giảm. Năm 2012, ASEAN hy vọng ông Putin tham dự EAS tại Phnom Penh, Campuchia nhưng ông đã không tới dự.

Mỹ thì hoàn toàn ngược lại. Tổng thống Obama chỉ bỏ lỡ EAS ở Brunei vào năm 2013 do khi đó Chính phủ Mỹ ngưng hoạt động. Trong hai nhiệm kỳ, ông Obama đã gặp tất cả các nhà lãnh đạo ASEAN bảy lần, kể cả Hội nghị thượng đỉnh Sunnylands vừa mới kết thúc. Hơn nữa, ông cũng đã đến khu vực 7 lần.

Vị Tổng thống sắp mãn nhiệm này dự kiến sẽ đến thăm Việt Nam vào tháng 5/2016 và cũng có thể thăm Myanmar. Ông Obama cũng đã xác nhận tham dự EAS Lào vào tháng 9/2016.

Sau khi sáp nhập bán đảo Crimea và chịu những lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga tái tập trung vào khu vực ASEAN nhằm tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu thay thế. Việt Nam là thành viên ASEAN đầu tiên ký thỏa thuận tự do thương mại Liên minh Á-Âu, tiếp theo có thể là Thái Lan.

Như vậy, nếu Nga muốn phát triển quan hệ thực chất với ASEAN, Tổng thống Putin cần gần gũi hơn với các nhà lãnh đạo 10 nước trong Hiệp hội. Nếu không, Hội nghị thượng đỉnh Sochi sẽ đơn thuần là sự kiện mang tính biểu trưng.

Theo Hằng Phạm/